Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Báo Đảng: Hướng đến chủ trương, đường lối của Đảng - Hướng đến lòng Dân
Chủ nhật: 11:25 ngày 29/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Báo Đảng phải là nơi để người dân tin tưởng gửi gắm tâm tư nguyện vọng, phản ánh tiếng nói của nhân dân, là cầu nối quan trọng giữa người dân, doanh nghiệp với cấp uỷ, chính quyền.


Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc năm 2022. Ảnh: Đ.H.T

Lần đầu tiên, tại Đà Nẵng diễn ra hội nghị nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc do Báo Nhân Dân phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức vào trung tuần tháng 11.2022.

Đây là sự kiện báo chí truyền thông đặc biệt quan trọng của những người làm báo Đảng trên cả nước, với sự hiện diện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Tỉnh uỷ, Thành uỷ và lãnh đạo báo Đảng 63 tỉnh, thành. Hội nghị quy tụ những nhà quản lý, chuyên gia báo chí - truyền thông, kinh tế, công nghệ… uy tín trong và ngoài nước.

Đây cũng là dịp để các cấp uỷ, tổ chức Đảng, nhà quản lý cũng như người làm báo Đảng và công chúng gặp gỡ, trao đổi, thảo luận về những chủ đề quan trọng, cấp thiết nhằm đối diện với khó khăn, vượt qua thách thức trong bối cảnh báo chí đang có nhiều thay đổi hiện nay.

Hội nghị hướng tới mục tiêu khẳng định vị thế, nâng cao chất lượng hệ thống báo Đảng, lan toả tinh thần đổi mới, sáng tạo về cả nội dung lẫn hình thức; bảo đảm mục tiêu đúng, trúng, hay; giữ vững niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân và thực sự hấp dẫn với đông đảo công chúng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Báo Đảng phải chiếm lĩnh “thị trường thông tin”

Phát biểu đề dẫn tại một phiên thảo luận, nhà báo Phan Huy Thắng, Trưởng Ban Thư ký - Biên tập, Báo Nhân Dân gợi mở: Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các loại hình truyền thông mới đang đặt báo chí truyền thông chính thống trước nhiều khó khăn, thách thức.

Làm thế nào để chiếm lĩnh “thị trường thông tin”, phủ sóng tới mọi người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển của thời đại? Những đòi hỏi có tính chất sống còn này buộc các cơ quan báo chí phải đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ, quyết liệt để khẳng định vị thế, thích ứng với xu thế mới, thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo lập niềm tin với độc giả.

Theo ông Trần Thanh Lâm- Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, để thực hiện thắng lợi những mục tiêu quan trọng về công tác xây dựng Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các mục tiêu của Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, đòi hỏi công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí, nhất là các cơ quan báo Đảng phải có những đổi mới, sáng tạo cả về nội dung, hình thức, cách chuyển tải tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đặt ra một số yêu cầu, nhiệm vụ đối với báo Đảng. Theo đó, Đảng ta xác định: “Công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hoá và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Là lực lượng quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, trước những yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, nhất là trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển không ngừng; sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động; cạnh tranh thông tin diễn ra quyết liệt, đòi hỏi báo Đảng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là vũ khí sắc bén, ngọn cờ đầu, nòng cốt trong cả ba hình thái chủ yếu của công tác tư tưởng là lý luận, tuyên truyền và cổ động; góp phần động viên, khích lệ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…

Báo Đảng cần phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, giúp nâng cao năng lực dự báo, chất lượng công tác hoạch định, hoàn thiện đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xu hướng phát triển của thời đại; nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Báo Đảng phải là nơi để người dân tin tưởng gửi gắm tâm tư nguyện vọng, phản ánh tiếng nói của nhân dân, là cầu nối quan trọng giữa người dân, doanh nghiệp với cấp uỷ, chính quyền. Báo Đảng phải tích cực, chủ động đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm, bảo đảm thông tin đúng, trúng, hay và hấp dẫn; chú trọng phát triển các loại hình báo chí đa phương tiện, đa nền tảng cùng với phát huy tốt hơn nữa vai trò của sản phẩm báo in truyền thống.

 “Đổi mới, sáng tạo phải trên cơ sở thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích. Tuyệt đối không nhân danh đổi mới, sáng tạo mà chạy theo thị hiếu không lành mạnh, trào lưu không tích cực”- Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Thời gian qua, các cơ quan báo Đảng đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, vẫn còn một số cơ quan báo Đảng chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, cách thức, nội dung tuyên truyền còn khô cứng, thiếu hấp dẫn.

Nhiều cơ quan báo Đảng địa phương chưa phát huy được vai trò đi trước mở đường trong thông tin tuyên truyền các vấn đề đi trước ở địa phương. Báo Đảng địa phương phải là người chủ động xin thông tin, tuyên truyền về các vấn đề- nhất là các vấn đề được dư luận quan tâm.

Bên cạnh đó, các báo Đảng đang đưa tin theo một không gian địa lý, chưa có sự liên kết với các địa phương khác làm thông tin thiếu sự sinh động; thông tin còn một chiều, tính chiến đấu tính phản biện không cao, nặng về tô hồng, ca ngợi. Nhiều người làm báo Đảng địa phương vẫn còn làm theo lối mòn. Nhiều cơ quan báo chí chưa được quan tâm đầu tư, hiện đại hoá nền tảng công nghệ.

Theo ông Trần Thanh Lâm, Báo Đảng thực sự phải là tài liệu thiết yếu của mỗi tổ chức Đảng, phải cung cấp trước tiên các thông tin quan trọng, phản ánh tâm tư của người dân, doanh nghiệp; cần tăng tính phản biện mạnh mẽ, không tô hồng quá mức.

Đối với yêu cầu đổi mới công nghệ làm báo, các cơ quan báo Đảng cần nhanh chóng ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ mới nhất trong quá trình tác nghiệp, sản xuất các sản phẩm báo chí trong kỷ nguyên số.

Các toà soạn báo cần khẩn trương nắm bắt và thực hiện công tác chuyển đổi số đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi mới trong tác nghiệp và xuất bản; tích cực sử dụng các công nghệ truyền thông mới để mở rộng các hình thức thông tin nhằm lan toả hiệu quả thông tin chính thống tới độc giả, khán giả, thính giả.

Các nhà quản lý, nhà báo thảo luận tại hội thảo.

Nhà báo Tăng Hữu Phong- Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng trăn trở: “Tại sao chúng ta lại đưa tin chậm hơn các báo khác? Hệ thống các báo Đảng không thua các báo khác về độ nhạy thông tin, về nắm bắt tình hình, kể cả các loại thông tin trên mạng. Nhưng báo Đảng phải là hệ tham chiếu, phải đưa thông tin đạt độ chính xác cao nhất”. Ông Phong cũng khẳng định: “Đối với báo điện tử, lượt truy cập của hệ thống báo Đảng có thể không nhiều nhưng niềm tin của công chúng đặt vào báo Đảng là lớn hơn các tờ báo khác”.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Cao Thị Hoà An cho biết, có những vấn đề “nhạy cảm”, Tỉnh uỷ luôn hỗ trợ báo tỉnh nhà. “Một vụ việc vừa rồi có ảnh hưởng đến lãnh đạo tỉnh, có người hỏi trực tiếp có đăng hay không thì tôi bảo cứ đăng, vì sao không đăng? Nhưng khi đăng thì phải đăng đủ, đăng trúng. Báo Đảng không phải chỉ đăng cái tốt, không đăng cái xấu. Cần phải đăng nhiều chiều, nhiều góc nhìn để phát triển hơn”- bà An chia sẻ.

Phải đổi mới!

Theo nhà báo Ngô Kiên- Tổng Biên tập Báo Nghệ An, có 5 lý do khiến các báo địa phương phải đổi mới. Đó là: báo chí thế giới và trong nước đổi mới và tiến xa; độc giả đổi mới, xu hướng độc giả thay đổi chóng mặt, liên tục; công tác Đảng mới, thực tiễn vận động xã hội, nhanh; khủng hoảng truyền thông, dư luận xã hội ngày càng phức tạp; các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng nhiều, cạnh tranh khốc liệt.

Nhà báo Phạm Văn Trường- Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng, báo Đảng phải đi đầu trong đổi mới, nâng cao chất lượng. Theo ông Trường, trong bối cảnh mới, báo chí nói chung, báo Đảng nói riêng đang phải đối mặt với bài toàn khó để có thể giữ chân bạn đọc, đồng thời làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình.

Ông cũng thẳng thắn đưa ra những hạn chế của các báo Đảng hiện nay như: thông tin trên báo Đảng nói chung còn nặng về tính chính trị, thông tin hội họp; hình thức thể hiện đơn điệu, khô khan; báo Đảng gặp khó khăn trong việc mở rộng đối tượng bạn đọc trước sự cạnh tranh của mạng xã hội. Ngoài ra, các báo Đảng cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực ở tất cả các vị trí…

Tham gia thảo luận, các nhà quản lý, nhà báo, diễn giả trình bày quan điểm cho rằng các báo Đảng cần đẩy mạnh thực hiện chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái số, trong đó có việc tận dụng tối đa ưu thế của các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng như những thành tựu của khoa học công nghệ vào hoạt động.

Các báo Đảng cũng cần có kế hoạch, lộ trình tuyển chọn, đào tạo, xây dựng đội ngũ người làm báo hiện đại “chuẩn, chất”, bảo đảm tính kế thừa, đồng bộ ở tất cả các vị trí công việc. Các cơ quan báo Đảng cũng cần có kế hoạch, chiến lược để tiếp cận và giữ chân thế hệ bạn đọc mới, các lớp độc giả kế cận (trẻ).

Để thực hiện các mục tiêu kể trên, báo Đảng luôn cần sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan chủ quản cũng như các cơ quan hữu quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là việc hỗ trợ các báo trong thực hiện chuyển đổi số.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng báo chí phải đi sâu, đi sát các lĩnh vực; đặt quan điểm vì lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu trong tiêu chí hoạt động.

Theo ông, báo Đảng phải vừa hướng đến chủ trương, đường lối của Đảng, vừa hướng đến lòng dân. Các cơ quan báo chí cần tiếp tục xây dựng lực lượng báo chí tinh nhuệ, rà soát chất lượng đào tạo báo chí, cũng như quy hoạch sử dụng, bố trí hợp lý nguồn nhân lực này trong thế trận báo chí nước nhà hướng đến hội nhập hiện đại.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Việc gì được nhân dân ủng hộ, đồng tình thì sẽ thành công, và các cơ quan báo chí cũng vậy”.

Đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng các báo Đảng cần nhiều giải pháp. Trong đó, có những giải pháp có thể triển khai ngay tại các toà soạn. Đó là, cần quán triệt việc nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và thể hiện chính xác, sinh động trong tuyên truyền.

Có phương pháp tổ chức toà soạn linh hoạt, để phóng viên sâu sát hơn trong nắm bắt thực tiễn. Có ưu tiên các tuyến bài có tính chiến đấu, phản ánh sinh động quá trình triển khai đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, vừa truyền đạt được “ý Đảng” và phản ánh được “lòng Dân”…

Đổi mới, sáng tạo của các cơ quan báo Đảng rất cần sự đồng hành, chia sẻ và ủng hộ của các cơ quan chức năng. Trong đó, nhu cầu quan trọng, cấp thiết, được sự quan tâm của tất cả các cơ quan báo Đảng hiện nay là tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách.

Các đại biểu đã phản ánh những khó khăn, bất cập cơ bản và rất chung đối với các cơ quan báo Đảng về cơ chế, chính sách. Đó là, Quy định 338 của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 26.11.2010, quy định biên chế của cơ quan báo Đảng từ 30 đến 50 công chức, viên chức tuỳ thuộc vào số báo phát hành/tuần.

Tuy nhiên, biên chế của cơ quan báo Đảng chung trong tổng biên chế của các cơ quan khối Đảng; đồng thời các cơ quan báo Đảng cũng phải thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình chung nên số lượng biên chế ngày càng giảm, trong khi công việc ngày càng nhiều do yêu cầu phát triển tờ báo theo hướng hiện đại, đa phương tiện. Đây là khó khăn rất lớn cho hoạt động của báo Đảng.

Các cơ quan báo Đảng địa phương đều đang phải hợp đồng thêm nhân lực, tuy nhiên, lại không được sử dụng kinh phí ngân sách cấp. Một số đơn vị muốn hợp đồng thêm nhân lực nhưng lúng túng trong phương thức hợp đồng thế nào để vừa không vi phạm quy định của pháp luật vừa bảo đảm cho người lao động hợp đồng ổn định cuộc sống.

(Trích bài phát biểu tổng kết nội dung các phiên thảo luận của ông Lê Quốc Minh- Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam).

An Khang

(lược ghi)

Tin cùng chuyên mục