Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 12.11, Hội nghị nâng cao chất lượng báo Đảng toàn quốc năm 2022 do Báo Nhân Dân phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chính thức bế mạc sau khi hoàn thành 6 phiên thảo luận chuyên đề, làm rõ những yêu cầu đổi mới, sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng, cũng như cách thức tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tìm kiếm các giải pháp công nghệ để tăng sự tương tác với độc giả của các cơ quan báo Đảng.
Đồng chí Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại phiên bế mạc.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo có đồng chí Võ Văn Thưởng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Cùng dự có đồng chí Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng và đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương; lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của 64 tờ báo Đảng trong cả nước…
Đổi mới, sáng tạo là yêu cầu cấp thiết của mỗi cơ quan báo Đảng
Theo đồng chí Lê Quốc Minh - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, để các đơn vị có thể tham dự nhiều phiên thảo luận, Ban Tổ chức đã thiết kế 6 phiên, với các chủ đề: Đổi mới, sáng tạo trong báo chí xây dựng Đảng; Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho báo Đảng; Nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng; Chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại; Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí; Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng.
Diễn giả tham gia các phiên thảo luận là các nhà quản lý báo chí, đại diện các cơ quan hoạch định chính sách, đại diện các ban, bộ, ngành, lãnh đạo cấp uỷ địa phương, các nhà báo giàu kinh nghiệm và các chuyên gia.
Toạ đàm tại phiên thảo luận chủ đề 5: Đa dạng nguồn thu cho các cơ quan báo chí.
6 phiên thảo luận đã phân tích sâu những hạn chế, khó khăn, đồng thời đề xuất những giải pháp từ kinh nghiệm thực tiễn của chính các cơ quan báo Đảng hoặc từ nghiên cứu của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách đối với những vấn đề nóng nhất của hệ thống báo Đảng toàn quốc hiện nay. Hầu hết các đại biểu tham dự đều thống nhất, đổi mới, sáng tạo là yêu cầu cấp thiết, cũng là nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan báo Đảng.
Tuy nhiên, đổi mới, sáng tạo tại các cơ quan báo Đảng hiện đang gặp một số khó khăn như: Nhân lực thiếu trong khi vẫn phải cắt giảm theo yêu cầu; Trình độ nhân lực không đồng đều, thiếu những cây bút sắc sảo, thiếu cơ chế để giữ chân những người làm báo giỏi; Nguồn lực hạn chế, phụ thuộc vào sự quan tâm, cơ chế, chính sách khác nhau của các địa phương; Đầu tư cho công nghệ chưa tương xứng.
Thông tin trên nhiều báo Đảng khá đơn điệu, khô khan, trong nhiều trường hợp chậm hơn các cơ quan báo chí khác do cách tổ chức toà soạn và yêu cầu chính xác tuyệt đối cũng như tính định hướng. Một số toà soạn báo Đảng thiếu sự sáng tạo, chậm đổi mới nhất là về hình thức truyền tải thông tin. Báo Đảng chưa có cơ chế tự chủ nên có tư tưởng chủ quan, lúng túng trong đổi mới. Chưa có cơ chế đủ mạnh để các báo Đảng thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng các báo Đảng cần nhiều giải pháp. Trong đó, có những giải pháp có thể triển khai ngay tại các toà soạn. Đó là, cần quán triệt việc nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước và thể hiện chính xác, sinh động trong tuyên truyền.
Có phương pháp tổ chức toà soạn linh hoạt, để phóng viên sâu sát hơn trong nắm bắt thực tiễn. Có ưu tiên các tuyến bài có tính chiến đấu, phản ánh sinh động quá trình triển khai đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, vừa truyền đạt được “ý Đảng” và phản ánh được “lòng Dân”. Các báo Đảng cần chủ động tìm kiếm cách thể hiện mới mẻ, tăng hình ảnh, số liệu, dữ liệu, đồ họa, đầu tư nhiều hơn cho các thể loại báo chí thu hút độc giả như phóng sự, phóng sự điều tra.
Trong tuyên truyền, cần chủ động đưa thông tin chân thật, đúng bản chất sự việc đến với bạn đọc, định hướng dư luận xã hội, đồng thời góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc. Cần chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại cán bộ, phóng viên, xây dựng đội ngũ những người làm báo Đảng bảo đám tính kế thừa, chuyên nghiệp, hiện đại, nhân văn.
Sớm xây dựng kế hoạch và chiến lược tiếp cận đối tượng độc giả trẻ tuổi. Về lâu dài, hệ thống báo Đảng cần được quy hoạch, sắp xếp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, phát triển thành những tổ hợp truyền thông chủ lực, đa phương tiện, hiện đại của Đảng.
Toàn cảnh phiên thảo luận chủ đề 6: Phát triển báo chí đa kênh, đa nền tảng để tiếp cận công chúng.
Đổi mới, sáng tạo, cụ thể trong báo chí xây dựng Đảng hiện nay, trước tiên cần thực hiện tốt việc đổi mới trong tuyên truyền Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khoá XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tuyên truyền hiệu quả ý nghĩa lan tỏa của Hội nghị Văn hoá toàn quốc tổ chức ngày 24/11/2021.
Trong đó, tập trung tuyên truyền mục tiêu chính xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hoá và chính trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hoá trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hoá công chức, văn hoá công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên...
Một giải pháp quan trọng để đổi mới, sáng tạo được đề cập nhiều trong các phiên thảo luận là đẩy mạnh thực hiện chiến lược chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái số của cơ quan báo Đảng, trong đó có việc tận dụng tối đa ưu thế của các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng như những thành tựu của khoa học công nghệ vào hoạt động, trên cơ sở nắm bắt, thu thập, xử lý cơ sở dữ liệu để cá nhân hoá trải nghiệm của độc giả.
Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí không chỉ là vấn đề về công nghệ mà là chuyển đổi về tư duy, đặc biệt là tư duy người lãnh đạo, cũng như chuyển đổi về văn hoá trong cả tòa soạn. Đây cũng chính là thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số tại các cơ quan báo Đảng địa phương.
Cùng với yếu tố con người là khó khăn về kinh phí và việc các báo Đảng đang chưa định hình được chiến lược, hướng đi, đích đến trong chuyển đổi số. Và giải pháp đầu tiên, quan trọng đã được đề cập trong phiên thảo luận là việc người đứng đầu, tập thể lãnh đạo toà soạn phải thay đổi nhận thức, lan tỏa cảm hứng, quyết tâm đến tất cả các thành viên trong đơn vị…
Toạ đàm tại phiên thảo luận chủ đề 4: Chuyển đổi số và công nghệ làm báo hiện đại.
Đổi mới, sáng tạo của các cơ quan báo Đảng rất cần sự đồng hành, chia sẻ và ủng hộ của các cơ quan chức năng. Trong đó, nhu cầu quan trọng, cấp thiết, được sự quan tâm của tất cả các cơ quan báo Đảng hiện nay là tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách.
Các báo Đảng địa phương kiến nghị Trung ương sớm xem xét, sửa đổi sớm Quy định 338, Nghị định 160 về các cơ chế liên quan cho báo Đảng. Cần có sự thống nhất về cơ chế quản lý tài chính, cũng như mô hình tổ chức bộ máy thống nhất cho cơ quan báo Đảng. Nhiều đại biểu cho rằng nên xác định khung biên chế chung cho cơ quan báo Đảng theo quy mô tờ báo; đồng thời không thực hiện tinh giản biên chế đối với báo Đảng như đang thực hiện với ngành giáo dục, y tế.
Cần có ưu tiên về cơ chế, chính sách đối với các cơ quan báo chí của Đảng ở các tỉnh miền núi, biên giới. Cấp uỷ, chính quyền các địa phương miền núi, biên giới cũng cần có sự quan tâm, ưu tiên hơn về vấn đề nhân lực cho các cơ quan báo chí. Trung ương cũng cần xem xét, có hướng dẫn chung về hợp đồng lao động trong cơ quan báo chí để các địa phương vận dụng thống nhất.
Các giải pháp về cơ chế, chính sách được đề xuất là xây dựng và củng cố nhận thức mới về vai trò của Nhà nước trong việc chủ động truyền thông chính sách, và thực hiện một phần việc này thông qua báo Đảng. Nhà nước phải là “khách hàng lớn” của cơ quan báo chí, giao thêm nhiệm vụ (cùng nguồn lực, kinh phí) và đặt hàng, qua đó giúp cho hệ thống báo Đảng địa phương có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ.
Toạ đàm tại phiên thảo luận chủ đề 3: Nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng.
Báo Đảng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là vũ khí sắc bén, ngọn cờ đầu
Phát biểu chỉ đạo tại phiên bế mạc, đồng chí Võ Văn Thưởng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ, hệ thống báo Đảng có bề dày lịch sử, truyền thống, thành tích vẻ vang. Là lực lượng quan trọng, tiên phong, nòng cốt trong hệ thống báo chí cách mạng, những năm qua, báo Đảng luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, tích cực đổi mới, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng, là phương tiện quan trọng tuyên truyền, giới thiệu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh sinh động những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới; định hướng, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là kênh thông tin quan trọng để nhân dân tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Báo Đảng bám sát thực tiễn đời sống, phát hiện những nhân tố tích cực, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và những vấn đề dư luận xã hội quan tâm; những hạn chế, bất cập trong hoạt động của các cấp uỷ, tổ chức đảng; thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội, tham gia tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch...
Tuy nhiên, đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, báo Đảng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Quy mô tốc độ phát triển của một số cơ quan báo chí chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thông tin trên báo Đảng chưa đa dạng, trình bày theo lối mòn, chưa hấp dẫn độc giả, nặng về phản ánh tình hình, thiếu những bài chính luận phóng sự điều tra sắc sảo; tính dự báo trong các tác phẩm báo chí chưa cao.
Một số cơ quan báo chậm đổi mới, chưa làm tốt chức năng định hướng tư tưởng, văn hoá và dư luận xã hội. Vẫn còn những sản phẩm báo chí thiếu nhạy bén chính trị; chưa chú ý đúng mức tới việc phát hiện, cổ vũ, nhân rộng những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; chưa chủ động xây dựng những tuyến bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thông tin còn một chiều, thiếu tính chiến đấu, tính phản biện, không dám, không quyết liệt trong phản ánh, đấu tranh với những sai phạm, vấn đề bức xúc, dư luận xã hội quan tâm, nặng về thông tin lễ tân của lãnh đạo, tô hồng, ca ngợi một chiều...
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tham dự phiên thảo luận chủ đề 3: Nâng cao chất lượng nội dung để duy trì vị thế của báo Đảng.
Một số cơ quan báo chí chưa chú trọng ứng dụng công nghệ làm báo hiện đại, chưa theo kịp sự phát triển của dòng chảy thông tin. Một số cán bộ, phóng viên chưa nắm vững, hiểu không đầy đủ, sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, thiếu kiến thức nền tảng về công tác tư tưởng. Cơ chế, chính sách đối với báo Đảng còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng nhân lực và cơ sở vật chất. Một số cơ quan báo đổi mới không căn cơ, thiếu đồng bộ giữa đối mới công nghệ, đổi mới chất lượng thông tin và nâng cao chất lượng nhân lực làm báo...
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, trước những yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, nhất là trong bối cảnh khoa học- công nghệ phát triển không ngừng; sự chống phá của các thế lực thù địch phản động; cạnh tranh thông tin diễn ra quyết liệt, đòi hỏi báo Đảng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là vũ khí sắc bén, ngọn cờ đầu, nòng cốt trong cả ba hình thái chủ yếu của công tác tư tưởng là lý luận, tuyên truyền và cổ động; góp phần động viên, khích lệ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đồng chí Võ Văn Thưởng yêu cầu phải quán triệt, nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí báo Đảng trong công tác tư tưởng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xứng đáng là tiếng nói của Đảng, chính quyền và Nhân dân.
Báo Đảng phải tiếp tục đổi mới, ngày thêm “chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”, không chỉ phản ánh đầy đủ, sinh động tình hình thực tế, mà phải vươn lên, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội; không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng, mà phải định hướng công chúng, động viên, cổ vũ triệu người như một, đồng lòng xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Đồng chí Võ Văn Thưởng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo tại phiên bế mạc.
Với vai trò là vũ khí tư tưởng của Đảng, báo Đảng phải nắm chắc, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, cổ động, đề cao tính đảng, tính nhân dân, tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính thuyết phục trong các tác phẩm báo chí.
Mang sứ mệnh xây dựng niềm tin cho cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự nghiệp cao cả của Đảng và dân tộc, báo Đảng phải luôn nêu cao tính trung thực, dám nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, không né tránh; phải có tiếng nói phản biện mạnh mẽ, mang tính xây dựng, hạn chế nói xuôi chiều, nói theo; không vì là cơ quan chủ quản, là cơ quan cấp trên mà tô hồng quá mức, không dám phản ánh, đấu tranh với những vi phạm khuyết điểm, những hạn chế, yếu kém trong công tác điều hành của cấp uỷ, chính quyền địa phương; xử lý tốt, hài hoà giũa thực hiện thông tin tuyên truyền nhiệm vụ chính trị với đáp ứng nhu cầu của độc giả, khán giả.
Báo chí của Đảng phải thể hiện rõ vai trò chủ lực trong công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng, trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá; có hình thức tuyên truyền phù hợp cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, hiểu và chủ động đấu tranh, không hoài nghi, dao động.
Báo Đảng phải chủ động, tích cực tham gia vào việc tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận; tăng cường những bài viết có tính lý luận, chuyên sâu, các tuyến bài trọng điểm về tổng kết thực tiễn.
Mỗi tác phẩm trên báo chí của Đảng phải phản ánh chính xác, kịp thời, hiệu quả, sinh động kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở các cấp, các ngành; phát hiện được các cá nhân, tập thể thực hiện tốt hoặc chưa tốt, lý giải thấu đáo nguyên nhân thành công hoặc chưa thành công; chỉ ra những nội dung trong chủ trương, đường lối của Đảng chưa phù hợp, cần bổ sung, sửa đổi, qua đó cung cấp những chất liệu quý từ thực tế, góp phần tổng kết thực tiễn, khái quát thành lý luận.
Các đại biểu tham dự phiên bế mạc.
Báo Đảng cần phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, giúp nâng cao năng lực dự báo, chất lượng công tác hoạch định, hoàn thiện đường lối, chính sách phù hợp với thực tiễn Việt Nam, xu hướng phát triển của thời đại, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ, hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp.
Báo Đảng phải là nơi để người dân tin tưởng gửi gắm tâm tư nguyện vọng, phản ánh tiếng nói của Nhân dân, là cầu nối quan trọng giữa người dân, doanh nghiệp với cấp uỷ, chính quyền.
Báo Đảng phải tích cực, chủ động đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm, bảo đảm thông tin đúng, trúng, hay và hấp dẫn; chú trọng phát triển các loại hình báo chí đa phương tiện, đa nền tảng cùng với phát huy tốt hơn nữa vai trò của sản phẩm báo in truyền thống.
Lực lượng phóng viên tác nghiệp tại phiên bế mạc.
Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, báo Đảng phải tiên phong, gương mẫu trong triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lãnh đạo các cơ quan báo chí phải luôn tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, thể hiện rõ trách nhiệm chính trị trong việc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, phóng viên các cơ quan báo Đảng có bản lĩnh chính trị, phẩm chất và đạo đức của người làm báo cách mạng, có năng lực chuyên môn, trình độ nghiệp vụ vững vàng, thực sự là những người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản, nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác thông tin, tuyên truyền. Quan tâm lãnh đạo công tác tổ chức và cán bộ của cơ quan báo chí. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho báo Đảng hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, đủ năng lực chiếm lĩnh mặt trận thông tin trong bối cảnh mới.
Trước yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát triển đất nước trong thời kỳ mới, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, hệ thống báo chí của Đảng cần tiếp tục phát huy truyền thống, nhận thức rõ hơn vị trí, vai trò là “xương sống” của nền báo chí cách mạng Việt Nam, không ngừng đổi mới, chủ động thông tin, tuyên truyền, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đặng Hoàng Thái