Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Đó là chia sẻ của các bác sĩ Bệnh viện Mắt quốc tế DND (Hà Nội) tại hội thảo “Giải pháp an toàn, hiệu quả trong điều trị tật khúc xạ” và triển khai các hoạt động hỗ trợ sức khỏe đôi mắt cộng đồng được tổ chức ngày 27-5.
Một ca phẫu thuật mắt nhân đạo tại tỉnh Tuyên Quang.
Tật khúc xạ đang ngày càng gia tăng trong nhịp sống hối hả, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của con người hiện đại. Các nghiên cứu chuyên sâu trên thế giới dự báo đến năm 2050, ước tính có 49,8% dân số thế giới, tức hơn bốn tỷ người có thể mắc tật cận thị.
Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ cận thị cao dẫn đến thoái hóa bán phần sau nhãn cầu và mất thị lực chiếm đến gần một tỷ người trong số này. Tình trạng mất thị lực do cận thị cao được dự báo sẽ tăng gấp bốn lần vào năm 2050. Cận thị có nguy cơ thành nguyên nhân gây khiếm thị hàng đầu trên thế giới.
Nếu so với thế giới, tình hình thị lực ở dân số Việt Nam không khả quan hơn, thậm chí còn mang nhiều nguy cơ khác do độ phổ cập kiến thức về chăm sóc sức khỏe thị lực còn chưa cao. Các chuyên gia về khúc xạ thuộc Viện thị giác Brien Holden tại Việt Nam, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Hiệp hội các chuyên gia khúc xạ nhãn khoa của Australia cho biết, các số liệu nghiên cứu họ thu được gần đây tại Việt Nam đều rất đáng lo ngại.
Tính đến năm 2015, đã có hơn 14 triệu người Việt Nam mắc tật khúc xạ. Theo đó, tỷ lệ tật khúc xạ tại Việt Nam hiện nay chiếm khoảng từ 15% đến 40%, tương ứng khoảng từ 14 triệu đến 36 triệu người mắc tật khúc xạ. Trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 15 tuổi có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25% đến 40% ở khu vực thành thị, và từ 10% đến 15% tại khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa có khoảng ba triệu trẻ em đang có tật khúc xạ cần được chỉnh kính và con số này sẽ ngày một tăng cao.
Kết quả các đợt khám, tư vấn các bệnh về mắt do Bệnh viện Mắt quốc tế DND thực hiện tại một số trường THCS, THPT và ĐH trên địa bàn Hà Nội cho thấy rất nhiều lớp học có tỷ lệ học sinh, sinh viên bị cận thị lên tới hơn 50%, thậm chí có lớp tới 70%.
Các bác sĩ cho biết, hiện nay các phương pháp điều trị tật khúc xạ là: kính gọng, kính áp tròng thông thường, kính áp tròng ban đêm Ortho-K... và phẫu thuật bằng tia laser. Mỗi phương pháp sẽ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau vì thế người có tật khúc xạ cần trang bị cho mình kiến thức cơ bản về các phương pháp điều trị này để cùng bác sĩ đưa ra lựa chọn phù hợp nhất.
Được biết, trong dịp hè này, Bệnh viện Mắt quốc tế DND tiến hành nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng như: tổ chức Chương trình Lasik’s day; đồng hành cùng Thành Đoàn Hà Nội tổ chức chuỗi chương trình Mắt sáng sinh viên 2017 (khám và tư vấn mắt miễn phí) thuộc khuôn khổ Festival Sinh viên Thủ đô tại 65 trường ĐH trên cả nước; phối hợp Trung tâm Y tế tổ chức khám mắt cho học sinh các cấp trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân…; Khám sàng lọc và phẫu thuật thay thủy tinh thể miễn phí cho nhân dân 62 huyện nghèo thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Cao Bằng, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Nguồn Báo Nhân dân