Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh và văn minh thì nhất định phải quan tâm nhiều hơn đến giáo dục, đến ngành sư phạm.
Học sinh trường THPT Lý Thường Kiệt- Tây Ninh tham gia hướng nghiệp tại Trường đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM.
Theo thống kê, cả nước hiện có 152 cơ sở tham gia đào tạo giáo viên. Trong số đó có 14 trường đại học, 33 trường cao đẳng và 2 trường trung cấp sư phạm. Còn lại là các trường khác, cơ sở khác như các trường đại học đa ngành, cao đẳng cộng đồng, cao đẳng và trung cấp nghề, thậm chí cả các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Với các cơ sở như vậy, hằng năm có khoảng hơn 30.000 giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông được đào tạo ra trường. Tuy nhiên, số người tốt nghiệp ra trường có việc làm chiếm tỷ lệ rất thấp. Ðến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 247.000 người có trình độ đại học thất nghiệp (cao hơn năm 2016 gần 50.000) mà trong số đó chiếm một khối lượng khá lớn chính là lực lượng ngành sư phạm.
Tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm đã trở nên phổ biến, có nhiều người tốt nghiệp thủ khoa vẫn phải thất nghiệp hoặc phải làm những việc trái ngành, nhiều người phải học lại ngành khác. Mùa tuyển sinh đại học cao đẳng 2017, điểm chuẩn vào sư phạm rơi xuống mức thấp nhất so với trước đó.
Theo thống kê chung, thí sinh thi ngành sư phạm, chỉ đạt trung bình 5 điểm/môn là vào được đại học, còn 3 điểm/môn là vào được cao đẳng. Nhiều trường địa phương- điểm tuyển sinh thấp hơn điểm sàn. Tình hình của các trường cao đẳng sư phạm còn ảm đạm hơn. Hầu hết các trường đều có điểm chuẩn năm nay thấp hơn những năm trước nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.
Nhiều người cho rằng, nguyên nhân của thực trạng ấy trước hết là có quá nhiều cơ sở đào tạo giáo viên. Kinh phí của cơ sở đào tạo được giao theo chỉ tiêu tuyển sinh, cho nên đơn vị nào cũng tăng chỉ tiêu. Việc miễn học phí cho ngành sư phạm cũng thu hút một lượng lớn thí sinh. (Phải chăng chính sách này đã lỗi thời và đang gây lãng phí lớn? Thu nhập của giáo viên quá thấp không đủ trang trải cuộc sống cho nên họ không thật sự tâm huyết với sự nghiệp trồng người).
Lãnh đạo Bộ GD-ÐT và các trường đã nêu ra nhiều giải pháp. Trước hết là sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm một cách hợp lý, tập trung đầu tư về đội ngũ, kinh phí, cơ sở thiết bị... để nâng cao chất lượng đào tạo; quản lý chặt chỉ tiêu đào tạo của các trường, đặt hàng đào tạo sư phạm.
Bộ giao cho Ðại học Sư phạm Hà Nội và Ðại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh khảo sát, dự báo nhu cầu giáo viên để có kế hoạch chỉ tiêu hợp lý. Trong dự thảo sửa đổi Luật Giáo dục, Bộ đề nghị Quốc hội xếp nhà giáo vào bậc lương cao nhất. Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra vẫn còn là chuyện của tương lai trong khi mùa tuyển sinh 2018 đã đến gần, nhiều trường đã công bố phương án, chỉ tiêu tuyển sinh.
Lời của Bộ trưởng: “Học sinh vào trường sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm năm 2018 đầu vào sư phạm nằm trong tốp đầu” có lẽ chỉ là... mong ước.
Tại hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ của ngành sư phạm năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Ðào tạo (Bộ GD-ÐT) Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu: “Chúng ta thống nhất rằng từ 2018, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Học sinh vào học ngành sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất, quyết tâm năm 2018 đầu vào sư phạm nằm trong tốp đầu, các trường không vì chạy theo chỉ tiêu mà chấp nhận đầu vào thấp”. Lời phát biểu này khiến cho nhiều người quan tâm đến giáo dục nước nhà cảm thấy ấm lòng. Nhưng cũng có người băn khoăn: liệu điều mong muốn đó có trở thành hiện thực?
Tại Tây Ninh, Trường cao đẳng Sư phạm là một trong số 33 trường đang còn duy trì của cả nước. Trước đây, đào tạo giáo viên cấp THCS, tiểu học, mầm non là “độc quyền” của các trường cao đẳng. Hơn chục năm nay, các trường đại học cũng có loại hình đào tạo này. Khi tuyển giáo viên, người ta ưu tiên cho những ứng cử viên có trình độ cao hơn.
Các trường cao đẳng sư phạm rơi vào thế bất lợi. Giờ đây, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Loại hình đào tạo giáo viên THCS không đồng bộ, liên tục. Các ngành Hoá học, Lịch sử đã ngưng khoảng 15 năm. Các ngành Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất (Thể dục) tạm ngưng từ 2011 (khoá 36). Các ngành khác thì ngắt quãng.
So với các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương khác, điểm chuẩn của Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh khá cao. Tuy nhiên, số sinh viên nhập học giảm theo xu hướng chung. Ví dụ: năm 2017, ngành tiểu học chỉ tuyển được 27/32 sinh viên, ngành mầm non chỉ 60/64.
Dự kiến năm 2018 sẽ tuyển khoảng 200 sinh viên. Liệu có khả năng tuyển đủ chỉ tiêu hay không vẫn còn chưa biết, nói gì chuyện tuyển được những học sinh ưu tú nhất?
Câu chuyện của ngành sư phạm hình như là một câu chuyện dài, lẩn quẩn, chưa có lối thoát. Những năm 80 của thế kỷ trước, người ta mỉa mai: “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Những năm 90, tình hình có được cải thiện đôi chút. Ðến những năm đầu thế kỷ XXI lại “còn đó nỗi buồn sư phạm”.
Nay sự lặp lại có vẻ trầm trọng hơn vì thực tế đã xảy ra chuyện: thủ khoa tốt nghiệp sư phạm bị thất nghiệp và điểm chuẩn vào sư phạm rơi xuống mức thấp nhất từ trước đến nay!
Người xưa đã đúc kết: “Lương sư hưng quốc”. Muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh và văn minh thì nhất định phải quan tâm nhiều hơn đến giáo dục, đến ngành sư phạm. Có như thế, mai này, lời cam kết của Bộ trưởng Bộ GD-ÐT mới có thể trở thành hiện thực.
DIỆU MAI