Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bãi rác Bình Thạnh:
Bao giờ thôi bức xúc ?
Thứ tư: 16:35 ngày 04/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một bãi rác khổng lồ “lộ thiên” ngay bên con đường “huyết mạch”, và tồn tại hàng chục năm, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân phải nhiều lần lên tiếng bức xúc, và lãnh đạo tỉnh không dưới một lần chỉ đạo giải quyết, tại sao vẫn tồn tại?

Bãi rác Bình Thạnh (ấp Bình Quới, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) nằm ngay cạnh tỉnh lộ 786. Bãi rác có từ năm 1995, từ một điểm xử lý rác thải của ngôi chợ nhỏ, dần trở thành “điểm đen” ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ðiều đáng nói là, một thời gian dài, bãi rác bị người dân lên tiếng phản ứng gay gắt, đồng thời, UBND tỉnh đã liên tiếp có 2 Công văn số 2353, ngày 5.9.2017, và 3472, ngày 25.12.2017, chỉ đạo UBND huyện Trảng Bàng phải xử lý dứt điểm những bất cập, thế nhưng đến nay, bãi rác vẫn “bình chân như vại”, bởi chính quyền vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý phù hợp.

Bãi rác Bình Thạnh.

TỪ BÃI RÁC CHỢ ÐẾN BÃI RÁC CỦA CẢ KHU VỰC

Ông Trần Văn Minh- Bí thư Ðảng uỷ xã Bình Thạnh cho biết, vào khoảng năm 1995 đến 1997, chợ Bình Thạnh được xây dựng lại và trở thành ngôi chợ trung tâm của 3 xã cánh Tây huyện Trảng Bàng. Hoạt động mua bán của chợ Bình Thạnh ngày càng phong phú, sôi động nên lượng rác thải hằng ngày rất nhiều nhưng không có địa điểm xử lý.

Trước tình hình đó, xã Bình Thạnh đã lập ra Tổ thu gom rác chợ và chọn bãi đất công thuộc ấp Bình Quới làm nơi chứa rác. Rác được tập kết về bãi một thời gian, địa phương sẽ cho người đổ dầu đốt. Về sau, dân cư ngày càng đông, rác thải sinh hoạt ngày càng nhiều, nên Tổ thu gom rác chợ cũng thu gom rác thải sinh hoạt của các hộ dân ở 3 xã Bình Thạnh, Phước Lưu và Phước Chỉ.

Tất cả đều dồn về bãi rác Bình Thạnh, do xã Phước Lưu và Phước Chỉ không có địa điểm chứa rác thải. Do vậy, bãi rác Bình Thạnh ngày càng phình to, ngày càng gây ô nhiễm môi trường và trở thành nỗi “bức xúc” của người dân, sự “đau đầu” của lãnh đạo xã. Hàng chục năm qua, mặc dù chính quyền đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa xử lý được.

Sau nhiều lần người dân lên tiếng, đầu năm 2017, UBND xã mới quyết định di dời bãi rác đến khu đất công có diện tích khoảng 0,2 ha, cách bãi rác cũ khoảng 500m. Thế nhưng, địa điểm mới lại khiến bãi rác ô nhiểm nặng nề hơn, do vào mùa mưa khu đất bị ngập nên những người thu gom đổ rác tràn lan. Nước ngập, rác nổi lềnh bềnh khiến người dân lại càng bức xúc.

Ông Minh cho biết thêm, trước tình hình trên, UBND xã đã tìm và cũng đã có một doanh nghiệp làm việc với chính quyền về vấn đề xử lý rác. Theo đó, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển rác từ địa điểm tập kết đến nhà máy xử lý rác ở huyện Gò Dầu, còn việc thu gom rác thải sinh hoạt vẫn do Tổ thu gom rác thực hiện. Tuy nhiên, nhiều tháng qua chưa thấy doanh nghiệp trên quay lại ký kết hợp đồng với xã để thực hiện.

Một người dân trước đây từng thực hiện dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt tại huyện Gò Dầu cho rằng, để có thể kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, trước tiên, chính quyền các xã Bình Thạnh, Phước Lưu và Phước Chỉ cần thống kê lại chính xác số hộ dân có nhu cầu thu gom rác thải sinh hoạt, mức giá dịch vụ thu gom...

Theo người này, số hộ dân có nhu cầu thu gom rác thải sinh hoạt tại 3 xã này có thể nhiều hơn 500 hộ. Ðồng thời, khi ký hợp đồng, xã phải giao cho doanh nghiệp thực hiện việc đi thu gom rác thải trực tiếp từng hộ dân, quy định đi thu gom rác trong dân bằng xe chuyên dụng... Ngoài ra, chính quyền nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như chi phí vận chuyển đến nhà máy xử lý rác.

CHỜ ÐẾN BAO GIỜ ?

Sáng 2.4, khi đến làm việc với UBND xã Bình Thạnh, chúng tôi có đề nghị được trao đổi với Tổ thu gom rác. Tuy nhiên, chị Thuý, người đang thực hiện việc thu gom rác thải tại chợ Bình Thạnh và 3 xã cánh Tây huyện Trảng Bàng bận đi khám bệnh tại thành phố Hồ Chí Minh.

Qua điện thoại, chị Thuý cho biết, chị thu gom rác thải sinh hoạt tại chợ Bình Thạnh và 3 xã cánh Tây được khoảng 3, 4 năm, còn trước đây do người khác làm. Hiện nay, chị thu của các tiểu thương tại chợ Bình Thạnh 15 ngàn đồng/hộ/tháng, các đối tượng còn lại thu từ 25 ngàn đến 30 ngàn đồng/hộ/tháng. Dù “mang tiếng” là thu tiền rác của tiểu thương và các hộ dân 3 xã Bình Thạnh, Phước Lưu và Phước Chỉ nhưng thực tế, chị Thuý chỉ thu gom rác thải sinh hoạt của khoảng 500 hộ.

Chị Thuý cho biết thêm, để thu gom rác thải sinh hoạt - ngoài chị và một người con, chị còn thuê thêm 1 nhân công. Hằng ngày, chị Thuý đi thu gom và vận chuyển rác thải đến đổ ở bãi rác bằng xe máy cày, có ngày vận chuyển 1 chuyến, có ngày rác thải nhiều phải vận chuyển 2 chuyến. Rác thải được đưa đến bãi, chị Thuý xử lý bằng cách phân lựa phế liệu, sau đó đốt số rác còn lại.

Có mặt tại bãi rác Bình Thạnh, chúng tôi ghi nhận vẫn còn đống rác thải nằm tràn lan trên khu đất. Ngoài các loại rác thải sinh hoạt thông thường, có khá nhiều vỏ chai thuỷ tinh, chai thuốc trừ sâu, bóng đèn... là những loại rác thải phải được xử lý riêng nhưng vẫn được vứt bỏ lăn lóc tại đây.

Phía cuối bãi rác hiện có 1 nền đất được đắp lên cao có diện tích khoảng 300m2. Theo lãnh đạo UBND xã Bình Thạnh, nền đất này vừa được chính quyền xã đắp và dự định tráng nền xi măng và cho bao mành mành xung quanh để làm nơi tập kết rác thải. Theo dự định của UBND xã, rác thải sau khi tập kết tại đây sẽ có xe chuyên dụng đưa đi xử lý chứ không đốt như trước đây gây ô nhiễm môi trường. Trong lúc chưa tìm được doanh nghiệp ký hợp đồng vận chuyển rác, huyện cũng đồng ý hỗ trợ xã bằng cách 2, 3 ngày sẽ cho xe chuyên dụng đến chở rác đi xử lý.

Bãi rác Bình Thạnh ô nhiễm nghiêm trọng trong mùa nước ngập năm 2017.

Bà Trần Bùi Thuý Loan- Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Trảng Bàng có làm việc với chính quyền xã về vấn đề xử lý rác thải theo chỉ đạo của UBND tỉnh. UBND xã cũng đã trình bày những vấn đề khó khăn xung quanh việc thu gom,vận chuyển, xử lý rác. Trong đó, có vấn đề tìm doanh nghiệp tham gia hoạt động thu gom xử lý rác thải tại địa phương.

Trong năm 2018, theo kế hoạch, xã Bình Thạnh sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, trước tình trạng ô nhiễm tại bãi rác hiện nay thì xã sẽ khó đạt tiêu chí về môi trường. Bà Loan kiến nghị các ngành chức năng tỉnh, UBND huyện Trảng Bàng hỗ trợ xã trong việc giới thiệu doanh nghiệp ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng bất cập tại bãi rác Bình Thạnh kéo dài hàng chục năm qua.

Ngoài ra, dư luận cũng đặt câu hỏi: một bãi rác khổng lồ “lộ thiên” ngay bên con đường “huyết mạch”, và tồn tại hàng chục năm, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, mà còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân phải nhiều lần lên tiếng bức xúc, và lãnh đạo tỉnh không dưới một lần chỉ đạo giải quyết, tại sao vẫn tồn tại? Phải chăng nguyên nhân chỉ vì không tìm được doanh nghiệp xử lý rác? 

THIÊN TÂM

Một lãnh đạo xã Bình Thạnh thừa nhận, việc vận chuyển rác bằng xe máy cày khiến nước thải chảy từ trên thùng xe xuống đường, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến người dân nhiều lần lên tiếng.
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh