Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bảo hộ thương hiệu: Doanh nghiệp không lẻ loi
Thứ hai: 14:30 ngày 29/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Về vấn đề bảo hộ thương hiệu, đã đến lúc các doanh nghiệp phải quan tâm nhiều hơn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường có nhiều sản phẩm cạnh tranh.

Bánh tráng giả nhãn hiệu Tân Nhiên được bán tại một điểm kinh doanh trên đường 784, xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu.

Vụ việc bánh tráng giả nhãn hiệu bánh tráng Tân Nhiên vừa qua cho thấy, thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu không thể cân đong đo đếm được.

Trong đó, giá trị chất lượng của sản phẩm khó có thể định giá nên khi sản phẩm bị làm nhái, làm giả nhãn hiệu, doanh nghiệp không chỉ mất thời gian yêu cầu cơ quan có thẩm quyền can thiệp để bảo vệ quyền lợi, mà còn phải tốn rất nhiều công sức để giải thích cho khách hàng về những thắc mắc liên quan đến giá cả, chất lượng…

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Doanh nhân Luật sư Nguyễn Thế Tân - Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân Trẻ Tây Ninh cho rằng, trước hết cần phân biệt “thương hiệu” và “nhãn hiệu”.

Thương hiệu (brands) theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) là một dấu hiệu (hữu hình và vô hình) đặc biệt để nhận biết một sản phẩm hàng hoá hay một dịch vụ nào đó được sản xuất hay cung cấp bởi một cá nhân hay một tổ chức.

Nhãn hiệu (marks) theo định nghĩa tại Khoản 16 Ðiều 4 Luật Sở hữu trí tuệ là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Ở góc độ pháp lý, sử dụng thuật ngữ nhãn hiệu hàng hoá là đúng, nhưng ở góc độ quản trị doanh nghiệp, mọi người thường sử dụng thuật ngữ thương hiệu nhiều hơn.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa có định nghĩa về thương hiệu mà chỉ đưa ra định nghĩa về nhãn hiệu, do đó chỉ có nhãn hiệu mới là đối tượng được bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, còn thương hiệu là kết quả phấn đấu lâu dài của doanh nghiệp và người tiêu dùng chính là người công nhận.

Ðăng ký nhãn hiệu là cần thiết đối với doanh nghiệp nhằm bảo hộ nhãn hiệu đó; nhãn hiệu chỉ được xác lập khi đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Thế Tân, nếu các doanh nghiệp hội viên có nhu cầu đăng ký hoặc bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Hội Doanh nhân trẻ sẽ hỗ trợ tư vấn và hướng dẫn doanh nghiệp hội viên, không để doanh nghiệp lẻ loi trong quá trình bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Ngoài ra, sau khi Báo Tây Ninh có bài phản ánh nhãn hiệu bánh tráng Tân Nhiên bị làm giả, làm nhái, Cục Quản lý thị trường tỉnh có văn bản chỉ đạo Ðội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra.

 Cụ thể, Cục Quản lý thị trường tỉnh yêu cầu Ðội Quản lý thị trường số 3 thẩm tra, xác minh thông tin, xác định hành vi và kịp thời xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định; phối hợp với Công ty TNHH Tân Nhiên làm rõ các “yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu” và việc “thực hiện quyền tự bảo vệ” theo quy định tại Ðiều 11, Ðiều 21 Nghị định 105/2006/NÐ-CP ngày 22.9.2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ báo cáo kết quả thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý về Cục Quản lý thị trường tỉnh.

Ðược biết, hiện đã có các quy định xử lý hành chính đối với việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhái nhãn hiệu hàng hoá, trong đó xử lý đối với cả người sản xuất và kinh doanh.

Mới đây, ngày 3.3, Ðội Quản lý thị trường số 3 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Phương Tuyền Phát do ông Nguyễn Minh Phương làm giám đốc, ngành nghề kinh doanh: buôn bán lương thực, thực phẩm các loại, có địa chỉ trụ sở chính tại số 111, đường Phạm Hùng, khu phố 2, phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành; địa chỉ kho chứa hàng hoá để hoạt động kinh doanh hàng nông sản, lương thực, thực phẩm số 267, đường Phạm Hùng, khu phố Long Thới, phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành.

Qua quá trình kiểm tra, xác minh và làm việc, ông Nguyễn Minh Phương đã thừa nhận hành vi vi phạm buôn bán hàng hoá giả mạo bao bì hàng hoá (trên bao bì ghi giả mạo nơi sản xuất hàng hoá).

Cơ quan thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt hành chính 30.650.000 đồng; tịch thu tang vật vi phạm là 29 bao hạt đậu nành, loại 50kg/bao (1.450kg), trị giá 18.850.000 đồng.

Sản phẩm đồng hồ nhái thương hiệu nổi tiếng có giá bán rất rẻ trên thị trường hiện nay.

Như vậy có thể thấy rằng, nếu doanh nghiệp phát hiện sản phẩm bị nhái nhãn hiệu, hàng hoá có thể đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý những người sản xuất, kinh doanh sản phẩm nhái nhãn hiệu, hàng hoá sản phẩm của doanh nghiệp. Do đó, trong cuộc đấu tranh với gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, doanh nghiệp không bị lẻ loi.

Song song đó, ngoài việc xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về xử lý các hành vi kinh doanh sản phẩm nhái nhãn hiệu, sản phẩm giả… cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hiểu rõ, không tiếp tay cho “gian thương” làm hàng nhái nhãn hiệu, hàng giả… ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp, góp phần để thị trường hàng hoá lưu thông lành mạnh.

Thế Nhân - Ngọc Bích

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh