Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bão số 9 gây thiệt hại hàng tỷ đồng
Thứ hai: 20:15 ngày 26/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tây Ninh, do ảnh hưởng của bão số 9, toàn tỉnh xuất hiện những đợt mưa to đến rất to.

Một vườn trái cây ở xã Trường Đông, Hòa Thành bị ngập nước.

Tổng lượng mưa từ 14 giờ ngày 25.11 đến 10 giờ ngày 26.11 ở tỉnh phổ biến từ 150,0 – trên 300,0 mm (trạm tự động Hồ Dầu Tiếng: 301 mm, trạm Núi Bà: 233 mm, trạm tự động Đồng Pan: 207 mm, trạm tự động Kà Tum: 178 mm, trạm khí tượng thành phố Tây Ninh: 109,3 mm).

Tính đến 16 giờ ngày 26.11, trên địa bàn Tây Ninh xảy ra mưa to và giông, làm 2 người bị thương, 3 căn nhà bị tốc mái, 60 căn nhà bị ngập, 11.846,8 ha bị ngập và 6.000 cây trồng bị ngã, 280m đường bị ngập. Tổng giá trị thiệt hại ước tính trên 4,1 tỷ đồng.

Thiên Tâm-Thanh Nhi

* Tại huyện Dương Minh Châu, mưa lớn kéo dài từ trưa 25.11 đến tận 10 giờ ngày 26.11, kết hợp với triều cường lên cao đã gây ngập sâu nhiều tuyến đường, nước tràn vào nhà dân ở ven đường và những khu vực thấp trũng.

Vườn mãng cầu ở xã Suối Đá bị ngập hoàn toàn.

Đặc biệt, trên đường 781 đoạn qua các ấp Tân Định 1, Tân Định 2, Phước Hòa đến UBND xã Suối Đá, nước tràn ra đường làm ngập, xói lở, gây khó khăn cho người dân khi lưu thông. Khi có ôtô di chuyển qua đoạn đường này gây nên các đợt sóng, làm nhiều người đi xe máy suýt bị té ngã.

Ở ấp Phước Bình 1, Phước Bình 2 và Phước Lợi (xã Suối Đá), mưa lớn kéo dài đã làm ngập úng, hư hỏng nhiều diện tích mía, cây mì, mãng cầu, bắp, đậu phộng, cây ăn trái và nhiều hoa màu khác mới gieo trồng. Hơn 3.000 ha mì của nhân dân xã Phước Ninh vừa xuống giống cũng đã thiệt hại toàn bộ.

* Trên địa bàn xã Truông Mít (huyện Dương Minh Châu), sau cơn mưa, nhiều diện tích đất nông nghiệp tại các ấp Thuận Bình, Thuận Hòa, Thuận Phước bị ngập sâu trong nước. Với tình hình ngập úng cục bộ như trên, người trồng cây đậu phộng đành phải chịu mất trắng số vốn đã đầu tư.

Cánh đồng trồng đậu phộng nằm giáp kênh N4 ở ấp Thuận Bình mênh mông nước.

Ông Trần Huỳnh Thanh- Chủ tịch UBND xã Truông Mít cho biết, qua thống kê bước đầu, số diện tích đất nông nghiệp trồng cây đậu phộng bị ngập úng là hơn  200 ha. Hiện xã đang chỉ đạo các Trưởng ấp tiếp tục rà soát, báo cáo cụ thể, để xã có cơ sở trình lên cấp trên xem xét giải quyết.

Huỳnh Quốc – Quốc Sơn

* Cơn mưa giông kéo dài từ 16 giờ ngày 25.11 đến trưa ngày 26.11 đã gây ngập úng cục bộ, làm gãy đổ một số hoa màu và cây cao su trên địa bàn huyện Tân Châu.

Chiến sĩ LLVT huyện Tân Châu giúp dân di chuyển qua khu vực ngập úng tại xã Suối Dây.

Cụ thể, đã có 2 căn nhà và 1 văn phòng ấp bị tốc mái; bật gốc 8 trụ điện và gãy đổ trên 6.000 cây chuối khoảng 25 ha; ngập úng trên 2.000 ha mì mới trồng và bật gốc 16 ha mì đang chuẩn bị thu hoạch; 0,5 ha bưởi, trên 2.000 cây cao su bị gãy đổ. Những thiệt hại trên xảy ra chủ yếu trên địa bàn xã Thạnh Đông.

Ngoài ra, trong khuôn viên của Công ty cổ phần cao su Tân Biên, một cây xà cừ bị gió quật gãy làm mẹ con bà Huỳnh Thị Thu Liễu (sinh năm 1975) và Ngô Huỳnh Ngọc Điệp (sinh năm 2007) bị thương.

Nước chảy tràn qua đường.

Ngay khu vực cầu Suối Nhỏ thuộc tổ 8 ấp 3 xã Suối Dây, nước chảy tràn qua đường có lúc lên gần 1 mét. Huyện Tân Châu đã phải huy động lực lượng công an, quân sự, lãnh đạo, các ban ngành, đoàn thể xã giúp cho người dân qua lại an toàn. Ngoài ra, UBND các xã có nhà dân bị tốc mái cũng đã huy động lực lượng dân quân, đoàn thanh niên phối hợp các hộ dân khắc phục.

Chí Thành

* Theo báo cáo nhanh của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trảng Bàng, trên địa bàn huyện có hơn 775 ha cây trồng bị ngập nước, trong đó có 650 ha lúa, 121 ha bắp và 4 ha khoai mì; nhiều diện tích lúa bị ngập tập trung ở các xã Phước Chỉ, Phước Lưu, Gia Bình, An Tịnh, còn cây bắp bị ngập nhiều nhất là ở xã Lộc Hưng.

Một nhà dân ở ấp An Phú, xã An Tịnh bị nước tràn vào nhà.

Có hơn 60 hộ dân bị nước tràn vào nhà và một số tuyến đường ở thị trấn và các xã trên địa bàn huyện cũng bị ngập nặng. Ước tính tổng thiệt hại hơn 3,7 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Trảng Bàng đã chỉ đạo các xã, thị trấn đến hiện trường, động viên và hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại. Hiện công tác rà soát thiệt hại do mưa lớn tại các xã, thị trấn vẫn tiếp tục diễn ra.

Việt Khánh

* Khoảng 8 giờ 30 phút sáng 26.11, một cây xà cừ khoảng 5 năm tuổi bên trong khuôn viên UBND xã Bình Minh (TP.Tây Ninh) đã bị bứt gốc, đổ nghiêng vào căn nhà của ông Mai Bá Trừ. May mắn, cây đổ không làm thiệt hại đến con người và tài sản.

Cây xà cừ bứt gốc, ngã đè lên căn nhà cạnh UBND xã Bình Minh.

UBND xã lập tức cho người khắc phục hậu quả.

Hà Quang

* Tại Bến Cầu, nhiều cách đồng lúa của nông dân huyện cũng đã bị ngập úng, nhưng không gây thiệt hại nặng.

Nông dân xã Lợi Thuận chủ động bơm tháo nước cứu lúa giống.

Anh Nguyễn Văn Bình, ngụ ấp Thuận Tây, xã Lợi Thuận cho biết, đất sản xuất lúa ở khu vực cầu Phao thấp trũng, nên qua hai ngày mưa, một số diện tích mới xuống giống bị ngập. Nông dân ở đây đã chủ động bơm tháo nước để cứu lúa.

Nguyễn Thiện

* Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, mưa kéo dài gần một ngày đêm đã khiến cánh đồng ven sông Vàm Cỏ Đông ngập trắng. Nhiều hộ dân mới sạ lúa bị thiệt hại nặng nề.

Ruộng mênh mông nước, người nông dân bất lực vì không thể bơm thoát nước đi đâu.

Ngoài việc lúa bị ngập chết, nhiều người còn lo cảnh bị ốc bươu vàng hoành hành. Bà Lan Chi có 4 công ruộng ở cánh đồng Bến Kéo mới sạ cách đây 4 ngày. Do ruộng gò nên không bị ngập sâu như những ruộng chung quanh, nhưng bà Chi lại lo cảnh lúa bị ốc bươu vàng cắn phá. Bà Chi và người em phải đi bắt từng con ốc.

“Mình đi vầy, lúa nhỏ cũng bị giẫm chết, nhưng so với việc bị ốc cắn thì thiệt hại ít hơn. Vì ốc cắn nát một vùng lớn, không có mạ để dặm lại”, bà Chi nói.

Be bờ chặn nước vào ruộng.

Tại khu vực xã Long Thành Trung (huyện Hoà Thành), mấy hôm trước, nhiều hộ cũng đã dọn ruộng, chuẩn bị xuống giống lúa nhưng kịp dừng lại do nghe thông tin có bão. Anh Phạm Ngọc Hải ở ấp Long Thành cho biết, lúa giống ngâm rồi, giờ không sạ thì phải mang ra phơi. Nhưng nếu để cũng chỉ được 3 hôm nữa  nếu nước vẫn không rút, thì phải mua lúa giống mới.

Theo UBND huyện Hoà Thành, tính đến sáng 26.11, toàn huyện có khoảng 133 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng do bão, tổng giá trị thiệt hại khoảng 400 triệu đồng. Trong đó, xã Hiệp Tân bị thiệt hại khoảng 5 ha, xã Trường Tây khoảng 8 ha và nhiều nhất là xã Long Thành Nam với 120 ha.

N.D

Tin cùng chuyên mục