Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 25.8, Bảo tàng Tây Ninh tổ chức triển lãm kỷ niệm 78 năm ngày Cách mạng tháng Tám (19.8.1945 – 19.8.2023) và Quốc khánh 2.9.1945 - 2.9.2023. Tham gia buổi lễ, có hơn 130 học sinh đến từ Trường THCS Chu Văn An (thành phố Tây Ninh).
Múa trống Chhay-dăm được biểu diễn trong chương trình giáo dục thông qua di sản văn hoá.
Triển lãm gồm 3 nội dung: Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 – sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam; Đảng bộ Tây Ninh lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền và Tây Ninh cùng cả nước vươn tới tương lai.
Cùng với chương trình triển lãm, Bảo tàng tỉnh tổ chức chương trình giáo dục về Di sản Văn hoá. Biểu diễn múa trống Chhay- dăm- một trong 8 di sản văn hóa phi vật thể ở Tây Ninh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ngày 19.12.2014.
Các em học sinh xem triển lãm về Cách mạng tháng Tám (19.8.1945 - 19.8.2023) và Quốc khánh (2.9.1945 - 2.9.2023)
Múa trống Chhay dăm là loại hình nghệ thuật múa dân gian độc đáo của dân tộc Khmer Nam bộ xuất hiện rất lâu đời, thế nhưng ở xã Trường Tây, thị xã Hòa Thành, múa trống Chhay-dăm mang một bản sắc khác biệt.
Cách đánh trống Chhay- dăm ở Trường Tây được thể hiện khác với trống Chhay -dăm các địa phương khác. Ở đây, diễn viên múa có thể phối hợp đánh từng nhóm 2 người, 3 người hoặc 4 người và sử dụng nhiều bộ phận trên cơ thể để đánh trống như tay, khuỷ tay, bàn chân, đầu gối…
Đến với triễn lãm, các em học sinh còn được tham gia các trò chơi như dùng xe thồ vận chuyển lương thực, ghép những bức tranh lịch sử.
Sau khi tìm hiểu tại triển lãm, các em còn được tham gia chương trình “Hỏi đáp nhanh” với nhiều các câu hỏi về lịch sử, văn hoá liên quan.
Em Nguyễn Tấn Lợi chia sẻ, tham gia chương trình hôm nay, em thấy rất thích. “Ngoài tìm hiểu lịch sử qua những thông tin ở buổi triển lãm, em biết thêm về phương thức tải lương thực, pháo đạn ngày xưa của các cô chú dân công hoả tuyến đi khắp chiến trường. Em thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa, mong trong thời gian tới, trường và tỉnh có nhiều hoạt động để tụi em tham gia”- em Lợi nói.
Bức tranh lịch sử về cây đa Tân Trào được các em ghép lại từ nhiều bức tranh nhỏ.
Em Hồ Ngọc Thanh Như cho biết, trước đây em tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá của trường, nhưng những hoạt động về lịch sử thì đây là lần đầu được cùng các bạn tìm hiểu và vui chơi. Thanh Như chia sẻ: “Em thấy hoạt động này tạo cho tụi em niềm hứng khởi tìm hiều về lịch sử.
Qua đây, giúp chúng em nhớ kỹ hơn những địa danh, những mốc lịch sử quan trọng. Đặc biệt, qua hoạt động hôm nay, em còn được xem điệu múa trống Chhay-dăm – di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là một trải nghiệm thực sự ý nghĩa với học sinh chúng em”.
Ngọc Diêu