Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Báo Tây Ninh - có một thời như thế
Thứ hai: 05:55 ngày 20/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong những năm 1986-2000, đội ngũ này thường xuyên có những tác phẩm báo chí, tuy chưa đạt giải thưởng cấp quốc gia nhưng hằng năm vẫn được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen và được bạn đọc hào hứng theo dõi, nhớ lâu...

Hội nghị đóng góp ý kiến Sơ thảo truyền thống Báo Tây Ninh năm 2011. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Thời mà bài báo này đề cập ở đây, theo dòng lịch sử được gọi là “Thời kỳ đổi mới” của đất nước, nhưng đó là về mặt vĩ mô, còn trong khuôn khổ nhỏ hẹp của bài báo nó được xác định nội dung và địa chỉ cụ thể là “thời đổi mới của Báo Tây Ninh”. Đúng vào thời điểm Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, báo chí cả nước nói chung, Báo Tây Ninh cũng bắt đầu có sự chuyển mình đổi mới vào năm 1986.

Trong tập Sơ thảo lịch sử truyền thống Báo Tây Ninh 1946-2010, xuất bản năm 2011, bước đầu đổi mới của Báo được ghi nhận như sau: “Cùng với báo chí cả nước, Báo Tây Ninh bắt đầu có những thay đổi theo hướng đổi mới, tiến bộ, từng bước mang tính chuyên nghiệp hơn. Các phóng viên phụ trách từng lĩnh vực thể hiện được tính năng động, chủ động nghiên cứu, thâm nhập sâu vào chuyên ngành được phân công để tìm hiểu, nắm vững quá trình, chiều hướng phát triển của sự việc để thông tin chuẩn xác hơn.

Đồng thời lúc bấy giờ trên Báo Nhân dân, cơ quan của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tờ báo chính thống của cả nước được xem là khuôn mẫu để báo Đảng các địa phương học tập, làm theo, bắt đầu xuất hiện mục “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L, tức là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Sau đó trên các báo từ Trung ương tới địa phương bắt đầu có phong trào hưởng ứng “Những việc cần làm ngay”, chủ yếu là phê phán những hiện tượng trì trệ, tiêu cực trong đời sống kinh tế - xã hội; cổ vũ động viên những nhân tố tích cực, đổi mới; nhưng quan trọng nhất là báo chí xác định tôn chỉ, mục đích là kênh thông tin hai chiều, vừa phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Từ đây trên Báo Tây Ninh xuất hiện các chuyên trang dành cho bạn đọc với các mục “Tiếng nói người dân”, “Công dân thắc mắc, cơ quan Nhà nước trả lời”, “Bạn đọc viết”, “Dưới mắt người dân” v.v… Đồng thời trên các chuyên trang “Quốc phòng an ninh”, “An toàn xã hội”, “Dân chủ, pháp luật” bắt đầu có những phóng sự điều tra phanh phui những vụ tiêu cực, tham nhũng, cũng như những hiện tượng không lành mạnh trong xã hội…”.

Tài liệu lịch sử ghi vắn tắt như thế, nhưng thật ra để làm được những điều đó là cả một quá trình chuyển động đồng bộ về nhiều mặt, bắt đầu từ yếu tố nhân sự và vị thế của tờ báo. Giai đoạn trước đổi mới của Báo Tây Ninh, suốt nhiều năm lãnh đạo tờ báo chỉ có Phó Tổng biên tập (nhà báo Nguyễn Đức Tâm), không có Tổng Biên tập.

Để khởi động cho giai đoạn chuyển mình của Báo, Tỉnh uỷ điều động đồng chí Lê Minh Thành, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo về làm Tổng Biên tập Báo. Tuy thời gian đồng chí Lê Minh Thành về làm Tổng Biên tập không lâu lắm, chỉ trong 2 năm 1986-1987, nhưng đồng chí đã có nhiều đóng góp, xây dựng, tạo đà cho Báo Tây Ninh phát triển mạnh mẽ hơn ở giai đoạn sau.

Đoàn nhà báo Campuchia sang thăm Báo Tây Ninh năm 2006. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Cụ thể với tâm thế, uy tín của một Tỉnh uỷ viên về làm Tổng Biên tập, đồng chí Lê Minh Thành có tiếng nói trong Tỉnh uỷ để đề xuất những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan Báo, một cơ quan trực thuộc Tỉnh uỷ, ngang cấp với một Ban Đảng, nhưng từ lâu nay cấp lãnh đạo tỉnh cũng như các cơ quan khác vẫn quen xem “cơ quan Báo là một bộ phận của Ban Tuyên huấn” như thời kháng chiến.

Về nội bộ, đồng chí Lê Minh Thành rà soát lại đội ngũ làm báo và phát hiện việc sắp xếp ngạch bậc phóng viên, nhân viên Toà soạn còn nhiều bất cập, hầu hết đều có bậc lương rất thấp, không ngang tầm với công việc chuyên môn của từng người. Với quyền hạn được phân cấp, đồng chí Lê Minh Thành đã làm một cuộc “cải cách tiền lương” đối với cán bộ, nhân viên Toà soạn báo.

Hầu hết đều được đồng chí ra quyết định nâng lương vượt cấp, nhiều phóng viên có năng lực, tay nghề cao được nâng lương vượt 3 bậc, ngang cấp với cán bộ cấp trưởng, phó phòng các Ban Đảng khác. Việc làm này của đồng chí Lê Minh Thành đã tạo ra sinh khí mới cho cơ quan Báo, cán bộ, nhân viên rất phấn khởi, an tâm công tác vì lãnh đạo thấu hiểu được sự thiệt thòi của anh em.

Thực tế thời gian đồng chí Lê Minh Thành làm Tổng Biên tập, công việc chuyên môn làm báo vẫn do nhà báo Nguyễn Đức Tâm, Phó Tổng biên tập điều hành. Bước sang năm 1987, đồng chí Lê Minh Thành thôi làm Tổng Biên tập để nhận nhiệm vụ Uỷ viên Ban Thường vụ - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, nhà báo Nguyễn Đức Tâm (thường gọi là ông Sáu Tâm) chính thức được bổ nhiệm giữ chức Tổng biên tập. Từ đây Báo Tây Ninh thực sự vững vàng với tư thế một tờ báo Đảng bộ tỉnh có sự nâng cao về nội dung, chất lượng thông tin, có số lượng phát hành đứng hàng đầu so với các tờ báo cùng một loại hình, phạm vi phát hành.

Khi đã là người đứng đầu, ông Sáu Tâm áp dụng “chiến lược con người” bằng “chiến thuật chim mồi” để thu hút nhân lực làm báo. Với sự đồng điệu trong tiếng nói chung, cùng với các phóng viên hoạt động từ thời kháng chiến vẫn còn tiếp tục tác nghiệp như Võ Hữu Thành (sau là Phó Tổng biên tập, Chủ tịch Hội Nhà báo Tây Ninh), Lê Năm (sau chuyển ngành làm Phó Giám đốc Công ty Du lịch Tây Ninh), những phóng viên thời mới giải phóng như Lê Bá, Phương Vũ, Mai Thu Thuỷ, Tạ Phương Dung… lần lượt những bạn đọc, cộng tác viên “có nghề” từ nhiều nơi tập họp về Toà soạn Báo Tây Ninh để cùng làm báo.

Đó là các tay viết: Hà Thế Mạnh (Thế Bảo), Nguyễn Tấn Hùng (Bàn Dân), Trần Văn Dững (Quang Dững), Võ Văn Cường (Thạch Minh), Lê Thị Thu Hương (Nhất Phượng), Trần Tam Sơn (Sơn Trần), Văn Công Cảnh (PVC), Lê Công Tân (Lê Minh), Phạm Đình Trúc Thu (Trúc Lam), Trần Việt Hùng (Trần Việt), Nguyễn Tấn Phú (Tấn Trung), Lý Thanh An (Lan Ý), Nguyễn Phước Vân (Phạm Nguyễn), Nguyễn Hữu Hậu (Duy Huân), Vũ Hoàng Trương (HT), Nguyễn Trí Chương (Trương Chí), Đặng Hoàng Thái (Khang Duy)… Tất cả hợp thành một đội ngũ làm báo vững tay nghề mà họ thường tự hào gọi nhau là “Lính ông Sáu” (Sáu Tâm).

Trong những năm 1986-2000, đội ngũ này thường xuyên có những tác phẩm báo chí, tuy chưa đạt giải thưởng cấp quốc gia nhưng hằng năm vẫn được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen và được bạn đọc hào hứng theo dõi, nhớ lâu, chẳng hạn như những bài, loạt bài viết về các đề tài: chiếc máy Kubota chùa Hiệp Lâm, vụ án “cay đắng mùi trầm” Công ty xuất nhập khẩu Tanimexco buôn trầm hương, kỳ nam, vụ “mặt trận ngoài chợ” (Công ty liên doanh chợ Hoà Thành), vụ tranh chấp đường 797 (cửa 1 chợ Long Hoa), vụ án đêm kinh hoàng ở cánh đồng An Tịnh, vụ “tam đoạn luận thời đại” dự án 327-Bàu Rã, vụ “vua đất Tân Châu” (tiểu khu 41-Nước Trong), vụ án cô giáo Ảnh hành hạ trẻ em (thực chất là “cuộc chiến pháp lý” giữa các ông Viện trưởng Viện KSND tỉnh, huyện Dương Minh Châu), vụ thầy giáo Bùi Thanh Liêm bị phụ huynh học sinh đánh trọng thương… Hầu hết những bài, loạt bài kể trên đã được tập hợp in trong sách Tác phẩm báo chí chất lượng cao do Hội Nhà báo Tây Ninh xuất bản, các tập Kỷ yếu truyền thống Báo Tây Ninh 66 năm, 70 năm do Toà soạn Báo Tây Ninh xuất bản.

Bước sang thế kỷ XXI, nhà báo Nguyễn Đức Tâm về hưu, chuyên trách nhiệm vụ Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Phó Tổng biên tập Phạm Đăng Khoa (thường gọi ông Chín Khoa) được bổ nhiệm quyền Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập (năm 2001). Ông Chín Khoa không chỉ là một cán bộ quản lý báo chí vững vàng, chặt chẽ mà còn là một tay bút chính luận sắc sảo với bút danh Thiên Hạ.

Dưới thời ông Chín Khoa làm Tổng biên tập, đội ngũ làm báo “Lính ông Sáu” tiếp tục phát huy tay nghề, vững vàng trên “trường văn, trận bút”, đồng thời phát triển thêm đội ngũ với những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nhiều người được đào tạo bài bản ở trường lớp chính quy vẫn còn đang tác nghiệp rất xông xáo, nhiều người có tác phẩm báo chí chất lượng cao đạt nhiều giải báo chí cấp toàn quốc.

Sau khi Tổng Biên tập Phạm Đăng Khoa nghỉ hưu, năm 2008, Tỉnh uỷ điều động một Tỉnh uỷ viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo là đồng chí Dương Văn Phong làm Tổng Biên tập Báo Tây Ninh.

Thời gian đồng chí Dương Văn Phong lãnh đạo Báo cũng không dài, chỉ hơn 4 năm (2008-2012), nhưng ông vẫn để lại những dấu ấn đậm nét trong truyền thống tờ báo Đảng bộ tỉnh nhà. Ông tiếp tục thực hiện và hoàn thành công việc mà hai đời Tổng Biên tập trước còn dở dang, đó là việc kịp thời mở nhiều cuộc hội thảo lịch sử báo chí tỉnh nhà khi nhiều vị lão thành là nhân chứng lịch sử của năm đầu tiên tờ báo ra đời (1946) vẫn còn sống để góp ý, chỉnh sửa, bổ sung tập Sơ thảo lịch sử truyền thống Báo Tây Ninh (1946-2010), được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chấp thuận cho xuất bản.

Đồng thời Tổng Biên tập Dương Văn Phong tiếp tục nâng cao chất lượng tờ báo trong việc chăm lo đào tạo đội ngũ phóng viên và làm tốt công tác cộng tác viên, thường xuyên tạo điều kiện cho phóng viên, cộng tác viên thâm nhập thực tế, hoạt động ở nhiều địa chỉ quan trọng trong tỉnh như các khu di tích lịch sử, các khu công nghiệp, các đồn biên phòng, vườn quốc gia, nhà máy xi măng…

Đặc biệt quan trọng là dưới thời Tổng Biên tập Dương Văn Phong, Báo Tây Ninh có được ấn phẩm xuất bản trên mạng thông tin toàn cầu internet là Báo Tây Ninh online với số lượt bạn đọc truy cập cao.    

Trong tiến trình lịch sử 97 năm của báo chí cách mạng Việt Nam, sự góp mặt của tờ báo Đảng bộ tỉnh Tây Ninh muộn hơn hai thập kỷ (1925-1946), nhưng trong điều kiện đặc biệt “đi trước về sau” của miền Nam nói chung, tỉnh nhà nói riêng, thời gian tờ báo đến với bạn đọc như thế kể cũng khá dài.

Tuy nhiên, trong giới hạn của giai đoạn đầu “thời kỳ đổi mới”, bài báo này chỉ có thể điểm qua một vài nét sơ lược, chắc chắn không tránh khỏi sơ sót, không thể phản ánh hết những việc đã làm được, cũng như chưa làm được của đội ngũ có một thời làm báo khá sinh động, phong phú của tờ báo Đảng bộ tỉnh nhà, mong bạn đọc và quý đồng nghiệp lượng thứ.

NGUYỄN TẤN HÙNG

Tin cùng chuyên mục