Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bảo vật quốc gia nằm trong lòng đất
Thứ bảy: 23:58 ngày 06/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong lúc thi công tuyến đường hành hương lên di tích chùa Ngọa Vân, máy xúc đào lộ ra một chiếc hộp bằng vàng.

Cuối năm 2018, hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử hay còn gọi là hộp vàng hình Hoa Sen được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia. Hiện vật này hiện trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, được xác định có niên đại thời Trần, nửa đầu thế kỷ 14.

Chiếc hộp vàng được phát hiện 8 năm trước trong lúc thi công tuyến đường hành hương lên di tích chùa Ngọa Vân, nơi vua Trần Nhân Tông tu hành và là vùng địa linh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử.

Chiều 21/6/2012, tại khu vực suối 1, thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều (nay là thị xã Đông Triều), nhóm công nhân đang điều khiển máy xúc để đào đất thi công đường, bất ngờ lộ ra một chiếc hộp kim loại màu vàng bên sườn đồi.

Cùng lúc đó Đại đức Thích Quảng Hiển, chủ trì chùa Trung Tiết, trên đường cùng phật tử đi lễ Phật tại chùa Ngọa Vân, đi ngang qua đã dừng lại và được nhóm công nhân đưa cho chiếc hộp vàng.

Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Minh Cương

Nhà sư Thích Quảng Hiển sau đó trao chiếc hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử cho UBND huyện Đông Triều quản lý.

Đến ngày 20/3/2015, UBND huyện Đông Triều giao lại hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử cho Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh lưu trữ bảo quản và phát huy giá trị của hiện vật.

Hộp vàng nặng 56,44 gram (tương đương khoảng 15 chỉ vàng), có hình dáng của một đóa sen đang độ mãn khai. Chân đế hộp tạo múi mô phỏng hình cánh sen, mặt để trơn, phần thân tạo múi liền với chân đế, thân cánh sen có trang trí văn hoa chanh (hay còn gọi là hoa liên tiền) nổi trên nền văn mây hình khánh; phần miệng thân có khớp để đậy nắp hộp vừa khít với thân.

Nắp hộp hình bán cầu, phần tiếp giáp với thân tạo 11 cánh chính là phần đầu của cánh sen, khớp với phần thân cánh sen ở phía dưới thân tạo thành lớp cánh lớn ngoài cùng; giữa nắp là đài sen được bao bọc bởi lớp cánh lớn.

Đài sen có bốn lớp xếp thành vòng tròn đồng tâm, trong đó, lớp ngoài cùng là lớn nhất với 11 cánh nằm đan cài với cánh lớn; các cánh to, mập, được tạo tác với đường nét rất tinh xảo và giàu tính hiện thực.

Lớp cánh thứ hai nhỏ hơn với 33 cánh, giữa lớp cánh thứ hai và lớp cánh thứ nhất có một vòng hạt cườm và hai đường chỉ nổi, các cánh ở lớp này có kích thước nhỏ hơn nhiều so với lớp cánh thứ nhất nhưng được thể hiện rất tinh xảo và mang tính tả thực.

Lớp thứ ba có 28 cánh, lớp thứ tư là lớp trong cùng có 15 cánh, các cánh ở lớp thứ ba và lớp thứ tư có kích thước nhỏ nhưng đường nét tinh xảo.

Chính giữa tâm nắp hộp là gương sen được tạo lõm xuống càng làm tăng khối hình cho các lớp sen bao quanh, đồng thời nhìn tổng thể chiếc hộp từ trên xuống giống như một đóa sen mãn khai với nhiều lớp cánh đang khoe sắc và tỏa hương.

Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử có tổng chiều cao là 42 mm, đường kính miệng 49 mm, đường kính thân chỗ lớn nhất 51 mm, đường kính chân đế 35 mm. Ảnh: Minh Cương

Về kỹ thuật chế tác, ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, cho hay một số ý kiến nhận định hộp đúc tạo dáng bằng khuôn, hoa văn được khắc. Tuy nhiên, các dấu vết kỹ thuật, đặc biệt độ mỏng của vật liệu cho thấy, hộp được gò trên khuôn tạo dáng, phần đế tạo rời sau đó hàn liền với thân; hoa văn khắc sau khi dáng hộp đã định hình.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử là một di vật quan trọng liên quan đến hoàng gia hoặc nghi lễ tôn giáo tôn nghiêm. Và đây là bát, cốc át già, một trong sáu pháp khí quan trọng được sử dụng trong nghi lễ Phật giáo Mật tông và rất có thể di vật này có liên quan đến di tích Ngọc Vân hoặc di tích Mộc Cảo.

Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử được phát hiện tại Đông Triều là di vật bằng vàng thời Trần còn tương đối nguyên vẹn duy nhất được biết đến. Và đây cũng là một trong những di vật bằng vàng hiếm hoi phản ánh những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của nền văn minh Đại Việt.   

An Sinh, Đông Triều được sử sách ghi chép lại là quê gốc của nhà Trần. Đây là nơi có rất nhiều di tích liên quan đến nhà Trần, nổi tiếng như Am Ngọa Vân nơi vua Trần Nhân Tông tu hành; chùa Quỳnh Lâm nơi đào tạo tăng ni của thiền phái Trúc Lâm; đền An Sinh nơi thờ các vua nhà Trần và đặc biệt là quần thể các Lăng tẩm vua nhà Trần; thái miếu nhà Trần.

Di tích am Mộc Cảo nằm bên tả ngạn suối Phủ Am Trà, thuộc địa phận thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều. Đây là nơi Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái Hậu tu hành khổ hạnh trong 10 năm cuối đời để trông nom lăng tẩm của vua Trần Anh Tông. Trải qua thăng trầm của lịch sử và thời gian, hiện am Mộc Cảo chỉ còn là phế tích.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục