Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bảo vệ dữ liệu cá nhân - quy định cần thiết trong kỷ nguyên số
Thứ sáu: 09:15 ngày 26/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tháng 4.2023, Chính phủ ban hành Nghị định 13 quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghị định này có hiệu lực từ ngày 1.7 năm nay. Đây là quy định cần thiết, thậm chí cấp thiết để bảo vệ quyền của tổ chức, cá nhân trong xã hội thông tin, kỷ nguyên số.

Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân ngang nhiên vi phạm, xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong khi Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.

5 hành vi bị nghiêm cấm

Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân có 4 chương, 44 điều, Nghị định này không chỉ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong nước mà còn mở rộng hợp tác quốc tế để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Điều 8 Nghị định 13 quy định 5 hành vi bị nghiêm cấm, gồm: Xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan có thẩm quyền và lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật.

 Trong 5 hành vi bị nghiêm cấm vừa nêu, đáng chú ý, có quy định “xử lý dữ liệu cá nhân gây ảnh hưởng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Quy định này vô cùng cần thiết, thậm chí rất cấp thiết, vì thực tế cho thấy, không ít tổ chức, cá nhân ngang nhiên, tự ý, tuỳ tiện sử dụng dữ liệu (hình ảnh, âm thanh, chữ viết…) của người khác để phục vụ cho mục đích riêng của họ. Hành vi vừa nêu không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam mà còn vi phạm luật pháp quốc tế.

Điều 17 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) quy định như sau: Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.

Thực hiện quy định nêu trên, mỗi quốc gia thành viên đều phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong việc bảo vệ quyền con người tại quốc gia mình. Hiện đã có nhiều quốc gia xây dựng đạo luật về quyền đời sống riêng tư hoặc bí mật cá nhân.

Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật... Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình...”.

 Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào; Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác…”.

Luật Giao dịch điện tử năm 2005, tại khoản 2 Điều 46 quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 16 của Luật An toàn thông tin mạng có quy định nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng như sau: Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng…

Như vậy, mặc dù chưa có luật riêng về quyền riêng tư nhưng Việt Nam đã ban hành nhiều luật hoặc văn bản dưới luật để bảo vệ quyền riêng tư, dữ liệu cá nhân.

Điều 9 Nghị định 13 quy định quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu, trong đó chủ thể dữ liệu: “quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi xảy ra vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Tự ý đăng ảnh người khác lên mạng xã hội có thể bị bỏ tù

Theo quy định tại Điều 32 của Bộ luật Dân sự năm 2015, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó và việc sử dụng hình ảnh của người khác vào mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Tương tự, Điều 38 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Điều này có nghĩa, việc tự ý đăng ảnh người khác khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc đăng ảnh có liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người đó là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm e, khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật.

Đó là các biện pháp xử lý hành chính.

Còn về hình sự, hành vi đăng ảnh người khác lên mạng xã hội khi chưa được sự cho phép của người đó nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự.

Cụ thể như sau: “Người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Trường hợp sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”. Chưa kể, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo Điều 592, Bộ luật Dân sự năm 2015, hành vi đăng ảnh người khác lên mạng xã hội có thể phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút và thiệt hại khác do luật quy định.

Năm 2016, báo chí đưa tin, tại Cộng hoà Pháp, cảnh sát nước này khuyến cáo cha mẹ không đăng ảnh con mình lên mạng xã hội vì điều này có nguy cơ “phá hoại tính riêng tư và độ an toàn của những đứa trẻ”. Luật pháp của Pháp hiện quy định bất cứ ai phát tán hình ảnh của người khác mà không được sự đồng ý sẽ đối mặt với bản án 1 năm tù và khoản phạt tương đương 45.000 Euro. Quy định này cũng áp dụng kể cả khi cha mẹ đăng ảnh con cái lên mạng.

Khoản 4, Điều 2 Nghị định 13 quy định: “Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân… bao gồm quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo; tình trạng sức khoẻ và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu; thông tin liên quan đến nhân trắc học, vật lý, sinh học, đời sống tình dục, xu hướng tình dục, nguồn gốc chủng tộc, nguồn gốc dân tộc của cá nhân; dữ liệu về tội phạm, hành vi phạm tội; thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; dữ liệu về vị trí của cá nhân được xác định qua dịch vụ định vị…”.

Việt Đông

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục