Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc sử dụng internet của trẻ và có những định hướng, chia sẻ, cảnh báo cho trẻ kịp thời để trẻ nâng cao cảnh giác, nhận thức trước những mối nguy hại trên môi trường mạng.
Ðó là một đúc kết qua hội nghị tập huấn nâng cao vai trò của cán bộ Hội Bảo vệ quyền trẻ em các tỉnh, thành phía Nam do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức tại Tây Ninh mới đây. Trong đó, công tác truyền thông, nâng cao vai trò của người dân nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Môi trường mạng - lợi và hại song hành
Trong những năm qua, dưới sự phát triển của khoa học và công nghệ, các dịch vụ thông tin trên môi trường mạng đã tạo ra những biến đổi to lớn trong truyền thông, giúp con người dễ dàng tiếp cận với những thông tin vô cùng phong phú, đa dạng được cập nhật hằng ngày, hằng giờ từ khắp nơi trên thế giới, tạo ra nhiều khả năng giao lưu, trao đổi thông tin giữa mọi người với nhau, thúc đẩy xã hội phát triển.
Ði cùng với những lợi ích to lớn, môi trường mạng cũng mang lại cho con người những rủi ro và mối đe doạ về an toàn và an ninh thông tin cá nhân. Trong đó, trẻ em là đối tượng dễ bị tấn công, dụ dỗ trên môi trường mạng. Ngày nay, thông qua internet, trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận với thế giới bên ngoài, vượt qua sự kiểm soát của gia đình. Nơi nào có trẻ em, nơi đó sẽ có những người muốn tiếp cận nhằm mục đích xâm hại, gây tổn thương tâm, sinh lý của trẻ. Trong những năm gần đây, nhiều trường hợp trẻ em đưa mâu thuẫn trên mạng ra ngoài thực tế xử lý gây nên những hậu quả khôn lường.
Có thể nói, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng có vai trò quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Làm sao để trẻ có thể tiếp cận công nghệ thông tin phục vụ nhu cầu giải trí, tìm tòi, khám phá, trau dồi kiến thức nhưng vẫn đảm bảo an toàn trước những cám dỗ, xâm hại trên môi trường mạng. Ðấy là nhiệm vụ không chỉ của các ngành chức năng mà còn là nhiệm vụ của tất cả mọi người.
Các biện pháp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Trong buổi tập huấn, đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã chia sẻ các chính sách và chiến lược để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong đó nhiệm vụ tạo nhận thức cộng đồng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Các bậc phụ huynh cần quan tâm đến việc sử dụng internet của trẻ và có những định hướng, chia sẻ, cảnh báo cho trẻ kịp thời để trẻ nâng cao cảnh giác, nhận thức trước những mối nguy hại trên môi trường mạng.
Những biểu hiện trẻ em thích sử dụng internet như: thích tìm hiểu về các chủ đề hấp dẫn; giao lưu, kết bạn; tìm hiểu với những người nổi tiếng; chia sẻ hình ảnh ghi lại những trải nghiệm cá nhân; xem video từ khắp nơi trên thế giới; học hỏi thêm nhiều kỹ năng; cập nhật tin tức và các xu hướng hiện hành trên mạng xã hội; chơi trò chơi trực tuyến…
Cần cảnh giác với trường hợp trẻ em bị những kẻ sử dụng internet gây ảnh hưởng xấu như: lôi kéo trẻ làm những việc trẻ không mong muốn; cho trẻ em xem các hình ảnh hoặc video bạo lực; dụ dỗ trẻ xem nội dung tình dục, khiêu dâm; chia sẻ địa chỉ cá nhân hoặc hình ảnh, video riêng tư của trẻ; tiết lộ các bí mật và thông tin riêng tư của trẻ; nói xấu và đặt điều về trẻ; lôi kéo trẻ tham gia vào các hoạt động tiêu cực, bạo lực; làm trẻ em tin vào những thông tin sai lệch…
Trong các gia đình có trẻ em, người lớn có trách nhiệm quan sát, kiểm tra các mối quan hệ, chia sẻ của trẻ trên mạng đồng thời hướng dẫn trẻ sử dụng internet đúng cách như: hướng dẫn trẻ tiếp cận với nguồn thông tin chính thống, lành mạnh; chia sẻ trang thông tin cá nhân một cách thận trọng (chỉ cho những người mà trẻ quen biết); sử dụng chế độ chấm dứt kết nối với những ai khiến ta thấy không thoải mái; đăng xuất tài khoản khi không sử dụng; lờ đi những lời lẽ công kích của người lạ trên mạng xã hội; khuyến khích trẻ mạnh dạn nói ra vấn đề của mình và tìm kiếm sự hỗ trợ…
Ðặc biệt, người lớn cần tích cực phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trên môi trường mạng đối với trẻ em bao gồm tất cả các hành vi xâm hại thể chất và phi thể chất. Một ví dụ của hành vi xâm hại phi thể chất là xúi giục trẻ tạo dáng trước máy quay để trò chuyện bằng hình ảnh; kết bạn và thuyết phục trẻ em quan hệ tình dục hoặc bỏ nhà đi… Trong thời gian qua, không ít trường hợp trẻ bị dụ dỗ bỏ nhà đi thông qua mạng xã hội, tạo nên mối lo ngại cho các bậc phụ huynh.
Trên thực tế, chúng ta cần nhớ rằng, bản chất của trẻ em là tò mò và muốn khám phá nhiều điều liên quan đến giới tính, tình dục. Sự tò mò của trẻ khiến trẻ dễ phát sinh ý định làm quen với những tài khoản lạ trên mạng và chia sẻ những bí mật thầm kín của mình.
Thay vì để trẻ tự tìm hiểu và tìm hiểu sai lệch, các bậc phụ huynh cần chủ động chia sẻ những vấn đề về giới tính một cách tế nhị để giải toả ham muốn tìm hiểu của trẻ, nhất là đối với trẻ trong độ tuổi dậy thì; định hướng cho trẻ tìm hiểu nguồn thông tin tích cực, lành mạnh, bổ ích cho việc học tập trên mạng; thường xuyên trò chuyện để tìm hiểu những vấn đề mà trẻ đang quan tâm; không cho trẻ tiếp cận internet quá sớm; cố gắng không sử dụng máy tính bảng, điện thoại để trông trẻ…
Các thành phần, tác nhân khác góp phần bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là các nhà giáo dục, Chính quyền, các cơ quan quản lý mạng, những người tổ chức cho trẻ tham gia mạng…
Lê Thuỳ