Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Viết tiếp chuyện đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới:
Bất cập đến mức phi lý
Thứ ba: 23:40 ngày 22/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực tế chứng minh, những nhận định, phân tích, “cảnh báo” trên đã và đang xảy ra và tình hình ngày càng khó khăn hơn. Không riêng cấp THPT, sau hai năm thay sách giáo khoa theo Chương trình 2018, hàng loạt bất cập đã bộc lộ.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT kiểm tra kỹ năng đọc của học sinh lớp 1 ở Tây Ninh theo Chương trình 2018.

Trước hết cần nói rõ, chuyện thừa, thiếu giáo viên của ngành Giáo dục không phải điều gì mới mẻ, vấn đề này từng được đề cập nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có Báo Tây Ninh. Rất sớm, trước khi Chương trình 2018 triển khai, Báo Tây Ninh đăng nhiều bài viết, lấy ý kiến từ cơ sở, phỏng vấn cán bộ quản lý và đã dự báo: Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, Chương trình 2018 có nguy cơ lặp lại thất bại của chương trình phân ban năm 2005 ở cấp THPT. 

Thực tế chứng minh, những nhận định, phân tích, “cảnh báo” trên đã và đang xảy ra và tình hình ngày càng khó khăn hơn. Không riêng cấp THPT, sau hai năm thay sách giáo khoa theo Chương trình 2018, hàng loạt bất cập đã bộc lộ.

Chưa thể triển khai một số môn học

Cần thiết phải nhắc lại, tháng 5.2021, tức trước năm học 2021-2022 khoảng bốn tháng, Bộ GD&ĐT ra văn bản gửi 63 Sở GD&ĐT trong cả nước yêu cầu chưa triển khai dạy môn Tin học ở lớp 6 theo Chương trình 2018. Bộ GD&ĐT nêu rõ: “Đối với các lớp của cấp trung học cơ sở chưa thực hiện được môn Tin học theo lộ trình quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều 2 của Thông tư này (Thông tư 32 năm 2018), tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5.5.2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông đến hết lớp 9”.

Điều 2 của Thông tư 32 quy định lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018). Theo thiết kế của chương trình đã được phê duyệt, Tin học là môn học bắt buộc đối với lớp 6, không còn tự chọn như chương trình 2000. Điều này có nghĩa, năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 học môn học này như những môn học bình thường khác. Tuy nhiên, việc triển khai dạy môn Tin học không phải trường THCS nào cũng thực hiện được, vì thiếu giáo viên cũng như cơ sở vật chất.

Trong trường hợp đó, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trường THCS tiếp tục thực hiện chương trình theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5.5.2006. Quyết định này ban hành chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tức Chương trình năm 2000 (không phải chương trình giáo dục phổ thông mới). Theo Quyết định 16, Tin học, Tiếng dân tộc thiểu số là một trong hai chủ đề tự chọn, chưa phải môn học chính thức.

Như vậy, ngay từ lớp 6, lớp đầu tiên của cấp THCS theo Chương trình 2018 (năm học 2021-2022), nhà trường chưa thể dạy môn Tin học và điều này có thể kéo dài đến hết lớp 9. Có nghĩa rằng, đối với cấp THCS, ít nhất có một môn học chính thức trong cấu trúc chương trình giáo dục phổ thông mới chưa thực hiện được và chưa biết bao giờ môn học này mới có thể dạy đồng loạt.

Trong khi chưa thể triển khai môn Tin học ở lớp 6 (năm học 2021-2022) thì chỉ ít tháng nữa, khi năm học 2022-2023 bắt đầu, điều tương tự cũng sẽ xảy ra đối với lớp 3 và lớp 10. Một vị trưởng phòng Giáo dục (đề nghị không nêu danh tính) cho biết, chắc chắn môn Tin học không thể dạy đối với học sinh lớp 3 trong năm học 2022-2023.

“Nơi tôi công tác, chỉ có trường nào đạt chuẩn quốc gia những năm gần đây hoặc những trường nào thuộc xã nông thôn mới mới được trang bị phòng máy tính. Những trường đạt chuẩn quốc gia từ lâu, có khi vài chục năm trước, lúc đó chưa quy định bắt buộc phải có phòng máy tính hoặc nếu trang bị cũng chỉ... cho có. Địa bàn này- nơi tôi đang làm trưởng phòng- nhưng phải nói thật, có mấy trường tiểu học được trang phòng máy tính đâu.

Tiểu học có đặc điểm khác với cấp học khác, đó là một trường ngoài điểm chính còn các điểm phụ. Sau khi sáp nhập một số trường tiểu học với nhau, cơ sở vật chất chủ yếu ở điểm chính. Nếu trang bị được máy tính cũng chỉ đặt ở điểm chính, điểm phụ không có. Quan trọng hơn, phần lớn trường tiểu học chưa có giáo viên Tin học, do vậy, ngay cả khi được trang bị phòng máy cũng chưa thể dạy học sinh môn học này, vì không có giáo viên.

Không chỉ cấp tiểu học ở năm học tới, ngay năm học này, ở lớp 6, dù là môn học bắt buộc nhưng chúng tôi không thể triển khai. Đây là bất cập lớn khi triển khai Chương trình 2018 ở cấp tiểu học và THCS”- vị trưởng phòng “trải lòng”.

Ngoài môn Tin học ở cấp tiểu học và THCS, ở cấp THPT, việc không có giáo viên dạy môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) là điều chắc chắn. Khi được hỏi liệu có áp dụng giải pháp điều giáo viên hai môn học nêu trên ở cấp tiểu học và THCS lên dạy cấp THPT không, các cán bộ đang làm công tác quản lý ngành Giáo dục trong tỉnh bày tỏ hoài nghi về giải pháp này.

“Cấp tiểu học, THCS đang thiếu giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật, không phải trường nào cũng có đủ. Chúng tôi cần tuyển dụng giáo viên hai môn này nhưng không có nguồn tuyển, lấy đâu “chi viện” cho cấp THPT”- một ý kiến nêu.

Mặt khác, việc điều động giáo viên tiểu học, THCS dạy Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT không phải chuyện dễ vì chương trình giáo dục, nội dung, mục tiêu, đối tượng giáo dục… ở ba cấp học khác nhau.

Đó còn chưa kể yếu tố địa lý, trường THPT thường ở khu vực đô thị, mỗi huyện, thị chỉ có vài ba trường, trong khi giáo viên tiểu học, THCS phần lớn ở nông thôn, vùng sâu vùng xa không thể vừa dạy trường này vừa dạy trường khác, đặc biệt khác cấp học. Hàng loạt yếu tố khác như đánh giá chuyên môn, chế độ lương đối với giáo viên dạy nhiều trường, xếp loại thi đua… không dễ gì giải quyết.

Mặc dù Chương trình 2018 có môn Tin học, nhưng học sinh lớp 6 chưa được học và dự kiến đến hết lớp 9 vẫn chưa thể triển khai. Ảnh minh hoạ

Bài học chương trình phân ban

Mặc dù còn khoảng gần nửa năm nữa, chương trình lớp 3 và lớp 10 mới triển khai ở cấp tiểu học và THPT, nhưng ngay từ bây giờ, nhiều cán bộ quản lý ở cơ sở giáo dục, đặc biệt cấp THPT đã chỉ ra rằng, Chương trình 2018 ở cấp học này (THPT) rất có thể sẽ lặp lại những bất cập, thất bại của chương trình phân ban năm 2006. 16 năm trước, Bộ GD&ĐT triển khai chương trình phân ban ở cấp THPT gồm bốn ban chính: ban A, ban B, ban C và ban Cơ bản theo từng nhóm môn học.

Trong đó, để kéo học sinh đăng ký học ban C, vốn bị “ghẻ lạnh” vì cơ hội tìm việc làm thấp sau khi ra trường, Bộ GD&ĐT thêm vào ban C môn tiếng Anh, ngoài ba môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý. Kết quả, sau một học kỳ triển khai ở lớp 10, tất cả các ban A, B, C và Cơ bản không giữ được cấu trúc theo chương trình, vì số học sinh đăng ký học từng ban quá chênh lệch.

Một giải pháp tình thế, “chữa cháy” được ban ra: tất cả học sinh, kể cả học sinh trường chuyên đều được nhà trường hướng dẫn chọn ban Cơ bản kèm theo một số môn nâng cao để thi tuyển sinh đại học.

Giải pháp lúc đầu tưởng chỉ có tính tình thế này kéo dài cho đến hôm nay. Phương án phân ban, cho học sinh tự chọn ban để học hoàn toàn phá sản nhưng không ai thừa nhận hoặc lên tiếng nhận trách nhiệm về thất bại của chương trình phân ban cấp THPT.

Có nhiều lý do dẫn đến thất bại, trong đó phải kể đến sự lựa chọn môn học, nhóm môn học của học sinh quá phong phú, nhà trường không thể nào sắp xếp, bố trí được giáo viên để dạy theo từng ban, theo lựa chọn của người học.

“Chương trình phổ thông năm 2018, ngoài những môn học bắt buộc, học sinh được phép lựa chọn một số môn học khác, tuỳ theo nguyện vọng, sở thích, xu hướng nghề nghiệp. Nhưng tôi hoài nghi về điều này. Nếu cho học sinh tự do lựa chọn, nhà trường không thể bố trí, sắp xếp được giáo viên để dạy.

Trước mắt, môn Âm nhạc và Mỹ thuật chưa có giáo viên, nếu học sinh chọn hai môn này, chúng tôi biết làm thế nào? Tôi nghĩ, cũng như chương trình phân ban trước đây, nhà trường sẽ phải “định hướng” để học sinh chọn”- hiệu trưởng một trường THPT ở Tây Ninh trao đổi. Tương tự, một hiệu trưởng khác “tiên đoán” việc để cho học sinh lựa chọn môn học sẽ không thành công, vì một trường có hàng trăm học sinh, kết quả chọn có thể cho ra hàng chục nhóm môn học khác nhau, nhà trường không thể bố trí được giáo viên.

“Trước khi triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, đúng ra phải có kế hoạch tuyển sinh đào tạo giáo viên từ năm 2016, vì học đại học mất hơn 4 năm mới ra trường. Bây giờ chương trình triển khai, sách đã xuất bản nhưng lại chưa có giáo viên. Tôi làm trong ngành nhưng đôi khi cũng lấy làm khó hiểu”- một trưởng phòng Giáo dục bày tỏ ý kiến.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục