Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, người dân sống dọc theo bờ kênh rất nhiều nên việc cấm xe tải vận chuyển hàng hoá, nông sản là không khả thi vì đó là nhu cầu của người dân.
Mặt đường kênh Đông, đoạn xảy ra tai nạn khiến 2 thanh niên rơi xuống kênh thiệt mạng tại ấp 6, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu hư hỏng, xuống cấp nặng nề.
Chỉ trong hai ngày liên tiếp cuối tháng 9.2023, trên đường bờ kênh Đông đã xảy ra 2 vụ tai nạn, người điều khiển xe mô tô và xe đạp rơi xuống kênh, đoạn qua xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu và xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, làm 3 người thiệt mạng, trong đó có một em nhỏ khoảng 10 tuổi.
Đường nhỏ “oằn mình” vì xe tải lớn
Theo thiết kế, đường bờ kênh chỉ phục vụ cho công tác thuỷ lợi là chính nên có tải trọng từ 6 - 10 tấn, tuỳ theo cấp độ kênh. Tuy nhiên, thời gian qua, xe tải có tải trọng lớn lưu thông trên đường bờ kênh rất nhiều. Chủ yếu là do dọc hai bên bờ kênh là các khu dân cư, trang trại, ruộng canh tác hoa màu của người dân nên xe tải vận chuyển hàng hoá, nông sản khi thu hoạch hay chở vật liệu xây dựng nhà ở.
Mặt khác, do liên thông với các tuyến đường lớn, nên những bờ kênh có chiều rộng khoảng 6m lại trở thành con đường “lý tưởng” cho những xe tải chở vật liệu “né” lực lượng tuần tra kiểm soát của ngành giao thông. Chính vì vậy, việc đường bờ kênh nhanh chóng xuống cấp là điều khó tránh khỏi.
Tại đoạn đường bờ kênh Đông thuộc địa phận ấp 6, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm, 2 thanh niên điều khiển xe mô tô rơi xuống kênh thiệt mạng; mặt đường bờ kênh đoạn này xuống cấp trầm trọng, đầy ổ voi, ổ gà, người điều khiển xe mô tô đi trên đoạn đường này hết sức vất vả. Ban đêm, đường bờ kênh lại không có đèn chiếu sáng, thiếu hệ thống lan can cùng với mặt đường khá xấu nên luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Một người dân sống tại đây cho biết, mặt đường bờ kênh xuống cấp nhưng ngày nào cũng có xe tải lớn lưu thông. Có thời điểm, để né tránh lực lượng tuần tra giao thông, xe tải trọng lớn chở vật liệu chạy trên đường bờ kênh Đông từ hướng cầu K20 huyện Dương Minh Châu ra cầu kênh Đông rất nhiều.
Không chỉ đường bờ kênh Đông bị hư hỏng, mà trên toàn tỉnh, nhiều tuyến đường bờ kênh hư hỏng như kênh Tây - đoạn cầu K18 ra cầu K3; các tuyến kênh thuỷ lợi do Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Tây Ninh quản lý như TN17 cũng bị hư hỏng mặt đường do “gồng mình” trước xe tải lớn, xe máy cày vận chuyển nông sản của người dân. Kể cả tuyến kênh đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông mới đầu tư, đường dọc 2 bên bờ kênh cũng trở thành nơi xe tải, xe máy cày vận chuyển nông sản, hàng hoá.
Thực tế, chuyện cấm xe tải có tải trọng lớn lưu thông trên đường bờ kênh là quá khó, không khả thi. Trước đầu đường bờ kênh, các đơn vị quản lý kênh đều có đăng biển hạn chế tải trọng chứ không thể làm barrie hay cách nào khác để hạn chế do nhu cầu vận chuyển nông sản, hàng hoá của người dân sinh sống, canh tác hai bên bờ kênh.
Khó xử lý
Theo quy định, đường bờ kênh chịu sự điều chỉnh của Luật Thuỷ lợi nên việc xử lý xe tải lớn lưu thông trên đường bờ kênh khá gian nan. Ông Đinh Hùng Danh- Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông không thể xử lý hành vi xe tải lớn lưu thông trên bờ kênh, chỉ có UBND cấp xã mới xử lý được, nhưng mức phạt chỉ 1 triệu đồng nên các xe tải lớn sẵn sàng nộp phạt vì vẫn ít hơn gấp nhiều lần nếu chạy trên đường bộ bị xử lý quá tải trọng. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xe tải lớn thường xuyên chạy trên bờ kênh để “né” lực lượng chức năng.
Dù tải trọng đường bờ kênh Đông chỉ có 6 tấn nhưng thường xuyên có xe tải trọng lớn lưu thông.
Ông Đinh Hồng Danh cho biết thêm, tình trạng này gây ra mất an toàn công trình thuỷ lợi; tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố công trình, có khả năng gây thiệt hại rất lớn về người và hoa màu của người dân (trong trường hợp vỡ kênh). Đồng thời, gây chết người khi tham gia giao thông trên bờ kênh (nếu rơi xuống kênh).
Ông Đinh Hùng Danh khẳng định, công năng của bờ kênh không phải là đường giao thông mà nó là đường nội bộ để nhân viên quản lý kênh đi lại phục vụ tưới cho người dân (chịu lực nhỏ hơn 3 tấn). Tuy nhiên với sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, người dân sống dọc theo bờ kênh rất nhiều nên việc cấm xe tải vận chuyển hàng hoá, nông sản là không khả thi vì đó là nhu cầu của người dân.
Với thực trạng này, công ty đề xuất cấm xe tải lớn lưu thông trên bờ kênh do khi hư hỏng, chi phí sửa chữa, bảo đảm an toàn công trình rất lớn. Hiện gần kênh đều có hệ thống giao thông nội đồng, Nhà nước cần nghiên cứu đầu tư nâng cấp để người dân vận chuyển nông sản và đi lại cho đúng với công năng thiết kế.
Ông Trần Quang Hùng- Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam cho biết, năm 2014, Công ty phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Công an tỉnh rà soát, kiểm tra và lắp đặt hạn chế tải trọng, biển cấm trên đường bờ kênh để ngăn chặn các xe phương tiện, xe cơ giới có tải trọng lớn lưu thông trên bờ kênh.
Tiếp đó đến năm 2022, căn cứ theo quy định của Luật Thuỷ lợi, Công ty cắm biển báo tải trọng, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên bờ kênh.
Theo ông Trần Quang Hùng, tiêu chuẩn thiết kế đường bờ kênh là công trình giao thông nông thôn cấp 3, tải trọng dưới 6 tấn chỉ để phục vụ cho công tác quản lý kênh. Trong thời gian tới, Công ty đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở, ngành có chức năng phối hợp chặt chẽ với công ty xử lý nghiêm tình trạng xe tải nặng lợi dụng điểm giao cắt đường bờ kênh để đi lại làm ảnh hưởng đến kết cấu bờ kênh, nguy cơ mất an toàn công trình, trong đó hiện nay, hai tuyến kênh Tây và kênh Đông do Công ty quản lý cấp nước sản xuất bảo đảm 95%.
Chính vì vậy, trong thời gian tới công ty tăng cường các giải pháp xử lý nghiêm hành vi xe tải trọng lớn lưu thông trên bờ kênh, báo cáo kịp thời các ngành chức năng liên quan xử lý dứt điểm xe tải trọng lớn lưu thông trên bờ kênh.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi miền Nam đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh rà soát mục tiêu chương trình nông thôn mới, có quy hoạch để công ty có thể triển khai những giải pháp trong thời gian tới như hiện đại hoá toàn bộ công trình bờ kênh kết hợp công tác quản lý, nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hoá của người dân.
Tấn Hưng