Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Phát triển du lịch Tây Ninh:
Bắt đầu từ thế mạnh đang có
Thứ sáu: 06:21 ngày 09/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Từ nay đến năm 2020, du lịch sẽ là nền kinh tế quan trọng, đến năm 2030 là kinh tế mũi nhọn của tỉnh” là mục tiêu của tỉnh Tây Ninh đối với ngành du lịch. Vấn đề là, giải pháp nào để ngành du lịch đạt được mục tiêu trên? Ðó cũng là nội dung của buổi toạ đàm Giải pháp phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh do Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp Câu lạc bộ (CLB) phóng viên Du lịch tại TP.HCM tổ chức vào cuối tháng 10 vừa qua.

Du lịch sinh thái ven sông Vàm Cỏ Ðông nếu được đầu tư đúng mức sẽ tạo nên đặc trưng cho du lịch Tây Ninh.

Phát triển du lịch ẩm thực

Khi đến bất cứ vùng đất, địa danh nào, bên cạnh việc khám phá những cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di sản văn hoá, du khách còn muốn thưởng thức văn hoá ẩm thực ở nơi đó. Bởi, từ những món ăn, khách tham quan sẽ cảm nhận rõ nét hơn về đời sống của người dân bản địa. Nếu khai thác được văn hoá ẩm thực chắc chắn sẽ tạo nên thế mạnh cho du lịch.

“Bánh tráng phơi sương là một sản phẩm rất nổi tiếng của Tây Ninh. Tôi nghĩ địa phương cần liên kết, tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này phát triển  và phát huy làng nghề bánh tráng phơi sương ở Trảng Bàng trước tiên”- Biên tập viên Kỳ Nam của Tạp chí Du lịch và Giải trí gợi ý.

Ông Kỳ Nam chia sẻ thêm, tại đây, du khách có thể trải nghiệm việc tráng bánh như thế nào, đêm xuống mang bánh ra phơi sương ra sao, rồi hôm sau tự tay đi hái rau rừng, rau sông để chế biến và thưởng thức món bánh tráng có một không hai này. Ðây là kiểu du lịch trải nghiệm đang rất được mọi người quan tâm. Tây Ninh nên tập trung vào phát triển và đẩy mạnh du lịch ẩm thực, lấy những món ăn nổi tiếng của mình làm thế mạnh để thu hút du khách, ngoài núi Bà Ðen và Toà thánh Tây Ninh. Chúng ta nên phát triển những thế mạnh mà mình đang có.

Cùng nói về bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, bà Thanh Thảo- Tổng Biên tập Tạp chí Du lịch (TP.HCM) cho rằng, nếu nói về Tây Ninh để thưởng thức bánh tráng Trảng Bàng thì không cần đi, bởi hiện nay, TP.HCM có hàng trăm quán bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng. Nhưng nếu một lần về Tây Ninh để thưởng thức món bánh tráng, bánh canh Trảng Bàng sẽ thấy hương vị của hai nơi hoàn toàn khác nhau.

Bà Thanh Thảo nói: “Trước đây, tôi chỉ ăn bánh canh Trảng Bàng bán ở TP.HCM nhưng chưa bao giờ được ăn tô bánh canh giò heo ngon như tại Trảng Bàng này. Qua buổi đi khảo sát, tôi được biết có rất nhiều sự khác biệt giữa bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng ở đây với bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng được bán tại TP.HCM.

“Tây Ninh cần tập trung nghiên cứu một số hoạt động nghệ thuật để không chỉ thu hút khách tham quan mà còn có thể giữ chân du khách lại. Tôi đơn cử một loại hình nghệ thuật múa trống Chhay-dăm của người Khmer tại Tây Ninh- một di sản văn hoá phi vật thể của quốc gia nhưng chưa được biểu diễn rộng rãi.

Theo tôi, cần phát huy những thế mạnh hiện có này. Trước mắt, nên thí điểm tại một nơi nào đó, như Khu trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí Cà Na chẳng hạn. Và mỗi tối đều có lịch biểu diễn để mọi người có thể đến xem, tìm hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật đặc sắc này”- ông Lâm Thành Quý, Chủ nhiệm CLB phóng viên Du lịch tại TP.HCM phát biểu.

Nghệ thuật múa trống Chhay-dăm.

Từ việc nêm mỡ hành, đến nước chấm và cả thịt heo cuốn cũng hoàn toàn khác nhau. Nếu so sánh độ hấp dẫn giữa hai nơi thì cách chế biến ở TP.HCM chỉ được 5 điểm so với món gốc ở đây. Do đó, Tây Ninh cần quảng bá, giới thiệu để mọi người cảm nhận được sự khác biệt này và quyết định đi Tây Ninh để được ăn những món gốc”.

Tây Ninh hiện có rất nhiều những món ăn gắn liền với tên mình: muối ớt Tây Ninh, bò tơ Tây Ninh, mãng cầu Tây Ninh… Ðặc biệt khi đến Tây Ninh, mọi người còn ngỡ ngàng trước văn hoá ẩm thực chay đơn giản nhưng hấp dẫn, tạo nên thương hiệu “rất Tây Ninh”.

“Tây Ninh đang phát triển du lịch tâm linh về Toà thánh, núi Bà Ðen, chùa Thiền Lâm (Gò Kén), tôi nghĩ, chúng ta nên kết hợp những tour này cùng với giới thiệu về ẩm thực chay của Tây Ninh cũng là một nét đặc sắc”- bà Thiên Kim, Biên tập viên cao cấp Báo Người lao động góp ý.

Tăng cường liên kết vùng

Tây Ninh cách TP.HCM không xa so với các tỉnh khác như Bà Rịa - Vũng Tàu hay thành phố Phan Thiết của Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng du khách đổ về Tây Ninh tham quan còn rất ít. Nguyên nhân được mọi người cho rằng, không phải do Tây Ninh thiếu tiềm năng, mà vì thời gian qua Tây Ninh chưa có sự kết nối, thống nhất giữa các doanh nghiệp, người dân trong việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch.

“Nói đến Tây Ninh, chúng ta có làng nghề: làng nghề mây tre lá, làng nghề nón lá, làng nghề bánh tráng… Ðặc sản cũng khá nhiều, chỉ riêng khu vực Trường Ðông (Hoà Thành) đã có những vườn trái cây sum suê có thể kết hợp phát triển homestay. Về giá trị văn hoá, Tây Ninh là vùng đất đa sắc tộc, đa văn hoá, trong đó, tôn giáo chính là Cao Ðài - chúng ta cũng cần giới thiệu, chia sẻ đến mọi người…

Tôi nghĩ, tất cả đã có, điều cần bây giờ là sự liên kết đồng bộ để làm sao thổi hồn được vào các sản phẩm du lịch, tạo nên một bức tranh du lịch tổng thể của Tây Ninh chứ không phải tình trạng manh mún, nhỏ lẻ như trước đây- ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Giám đốc Hội Doanh nhân trẻ Tây Ninh, Giám đốc Công ty Trần Quốc đề nghị.

Ðồng tình về sự cần thiết trong liên kết giữa các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp với nhau trong phát triển du lịch, ông Lâm Thành Quý- Chủ nhiệm CLB phóng viên Du lịch TP.HCM cho rằng, Tây Ninh là vùng đất sát Thành phố Hồ Chí Minh, có nhiều ưu đãi về thiên nhiên như sông Vàm Cỏ Ðông và nhiều đặc sản không nơi nào có như mãng cầu Bà Ðen, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng... “Có sản phẩm tốt nhưng phải có sự kết nối mới tạo ra được bước ngoặt cho du lịch Tây Ninh.

Và sự ra đời của Hiệp hội Du lịch Tây Ninh đã đáp ứng vai trò kết nối hiện nay. Hiệp hội phải làm sao để Tây Ninh kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau, kết nối giữa Tây Ninh với TP.HCM và các tỉnh lân cận. Khi đã làm được điều này, chắc chắn Tây Ninh sẽ bắt kịp với những nơi khác”- ông Quý nhận định.

Ðể phát triển du lịch, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi nhà đầu tư đến với Tây Ninh, công tác quảng bá cũng giữ vai trò cực kỳ quan trọng. Theo ông Nguyễn Hoàng Nam- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, việc phối hợp với CLB phóng viên Du lịch lần này là một trong những hoạt động quảng bá đầu tiên mà Hiệp hội Du lịch Tây Ninh thực hiện, để qua các kênh truyền thông báo, đài của cả nước để đưa hình ảnh của Tây Ninh đến với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy là, gắn công tác quảng bá du lịch với việc tổ chức các sự kiện chính trị, văn hoá, thể dục thể thao sẽ nâng cao hiệu quả về công tác xúc tiến rất lớn, thông qua đó sẽ quảng bá về con người và vùng đất Tây Ninh đến du khách trong và ngoài nước. Như năm 2017, Tây Ninh tổ chức 2 giải thể thao VTV9 Bình Ðiền và Giải bóng chuyền vô địch quốc gia PV GAS nam, nữ; tổ chức Ngày Văn hoá du lịch Tây Ninh tại thủ đô Hà Nội.

Qua đó đã giúp mọi người hiểu nhiều hơn về Tây Ninh. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá bằng nhiều hình thức để đẩy mạnh phát triển du lịch”- ông Nam chia sẻ.

Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát với hệ sinh thái đa dạng sinh học là một trong những điểm đến đang được tỉnh đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia làm du lịch

Hiệp hội Du lịch Tây Ninh hiện có 58 thành viên, với 30 tổ chức và 28 cá nhân. Tất cả đều mong muốn góp phần vào sự phát triển của du lịch tỉnh nhà.

Nói về bánh canh Trảng Bàng, chị Lâm Kiều Trinh- chủ nhà hàng bánh canh Hoàng Minh III chia sẻ, đây là nghề truyền thống 4 đời của gia đình chị. Ðầu tiên, ông bà cố chị khởi nghiệp bằng gánh bánh canh. Và hơn 50 năm trước, ông bà nội chị tiếp nối bằng một quán bánh canh tại nhà lấy tên gọi là Hoàng Minh. Cũng từ đây, thương hiệu bánh canh Hoàng Minh bắt đầu nổi tiếng.

“Sau đó là đời ba tôi và bây giờ là tôi. Chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ và phát huy nghề truyền thống gia đình. Nếu có điều kiện, chúng tôi mong muốn phục dựng lại làng nghề truyền thống này, để không chỉ con cháu mà nhiều người khi đến với Tây Ninh, với Trảng Bàng sẽ hiểu hơn về nghề truyền thống lâu đời của của vùng đất nơi đây”- chị Trinh nói.

Ông Bùi Kim Nga- Giám đốc DNTN Hoàn Ngọc 7 Nga cho biết, ông sẽ xây dựng một khu khép kín gồm vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất, bào chế trà thảo dược Hoàn Ngọc. Khi du khách đến tham quan, có thể tìm hiểu về dược tính của cây Hoàn Ngọc, trải nghiệm quy trình sản xuất trà thảo dược Hoàn Ngọc tại đây. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đang tập trung vào xây dựng khu bảo tồn các gene các cây dược liệu của Việt Nam.

“Bản thân tôi qua chuyến đi thực tế này mới biết được một loại dược liệu quý có khả năng kháng khối u, như cây Hoàn Ngọc. Thật sự nếu xây dựng được một điểm trải nghiệm quy trình chế biến trà như vậy sẽ thu hút rất nhiều du khách. Ðây cũng là cách để mọi người hiểu rõ hơn về các công dụng của cây Hoàn Ngọc cùng nhiều loại dược liệu của Việt Nam”-phóng viên Hồng Nhi của Báo Thanh Niên chia sẻ.

Ðã có cơ quan đứng ra kết nối, đã có những định hướng của Nhà nước, việc cần làm còn lại là nỗ lực từ phía các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để du lịch Tây Ninh phát triển bền vững, lâu dài, các doanh nghiệp cần xác định, xây dựng và tạo nên những sản phẩm du lịch uy tín, chất lượng. “Tây Ninh hội đủ các tiềm năng cho phát triển du lịch nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có nhiều sản phẩm du lịch.

Vì vậy, các doanh nghiệp thiết tha phát triển du lịch cần nắm bắt thời cơ này ngay từ bây giờ. Nhiệm vụ của các doanh nghiệp là tạo ra những sản phẩm du lịch bảo đảm chất lượng và ổn định. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm quảng bá, đưa những sản phẩm này ra toàn thế giới”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam nói.

Ngọc Diêu

Tây Ninh có 90 di tích, gồm 1 di tích quốc gia đặc biệt là Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, 24 di tích cấp quốc gia và 65 di tích cấp tỉnh, đặc biệt, có 5 di sản được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia: Lễ hội Kỳ yên tại đình Gia Lộc (công nhận năm 2012); Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn Tây Ninh (công nhận năm 2013); Nghệ thuật trình diễn trống dân gian Chhay-dăm (công nhận năm 2014); Nghề truyền thống thủ công làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (công nhận năm 2015) và Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh mẫu- núi Bà Ðen vừa được công nhận vào tháng 9.2018. Nếu phát huy được những giá trị sẵn có này sẽ là những lợi thế rất lớn trong quá trình phát triển du lịch của tỉnh nhà trong thời gian tới.
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh