Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bài dự thi phóng sự, ký sự:
Bất hợp lý việc bảo vệ rừng ở xã Phước Ninh Kỳ 1: Rừng trồng tập trung đẹp nhất Đông Nam bộ
Thứ sáu: 05:10 ngày 25/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo quy định, tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nếu xảy ra những sự cố về rừng như hoả hoạn, lấn chiếm, bao chiếm rừng, mất cắp lâm sản, lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm. Do vậy, chính quyền địa phương nơi đây đang kiến nghị về bất cập trong việc quản lý khu rừng này.

Căn lều của chị Gái tại rừng thuộc tiểu khu 65.

Ở xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu hiện có 220 ha rừng đặc dụng, khu rừng này do Ban quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen quản lý. Theo quy định, tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nếu xảy ra những sự cố về rừng như hoả hoạn, lấn chiếm, bao chiếm rừng, mất cắp lâm sản, lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm. Do vậy, chính quyền địa phương nơi đây đang kiến nghị về bất cập trong việc quản lý khu rừng này.

RỪNG từng CHE BỘ ĐỘI

Rừng ở xã Phước Ninh có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Ông Phạm Văn Công, nguyên Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Dương Minh Châu cho biết: “Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây từng là căn cứ cách mạng của Huyện uỷ Dương Minh Châu, trong đó có Chi bộ Phước Hiệp (xã Phước Ninh), và là nơi đóng quân của nhiều lực lượng tham gia kháng chiến như Công an huyện, Dân y huyện v.v…”.

Khu rừng đã che chở cho biết bao cán bộ, chiến sĩ cách mạng trong những năm chiến tranh ác liệt. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh lớn, nhỏ, góp phần quan trọng vào việc giải phóng Tây Ninh nói riêng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nói chung. Sau khi hoà bình lập lại, lãnh đạo huyện quyết định chọn khu rừng này làm Khu di tích lịch sử văn hoá Căn cứ Dương Minh Châu.

Tại đây, có mô hình súng AK dài nhất đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS) công nhận kỷ lục và là nơi sinh hoạt truyền thống tập thể của địa phương.

Hằng năm, vào những dịp hè, lễ, tết, tiễn thanh niên nhập ngũ, dưới tán cây rừng thường xuyên diễn ra các hoạt động về nguồn của học sinh, đoàn viên thanh niên, cựu chiến binh, hoặc lễ hội, giao lưu văn nghệ, hội trại tòng quân v.v…

Mới đây, huyện cũng chọn khu di tích này làm nơi tổ chức mít tinh kỷ niệm 65 năm thành lập huyện Dương Minh Châu- tháng 2.2016.

Rừng ở xã Phước Ninh thuộc tiểu khu 65. Năm 1984 trồng 20 ha rừng dầu rái. Năm 1993, Bộ Lâm nghiệp quyết định phê duyệt “Dự án về giống và vườn ươm phục vụ trồng rừng của tỉnh”. Năm 1998, UBND tỉnh quyết định bổ sung thêm vào khu vực này 197 ha rừng khoanh nuôi tái sinh và trồng rừng mới.

Theo kết quả rà soát hiện trạng quỹ đất, cắm mốc ranh giới đất các nông, lâm trường quốc doanh năm 2010, rừng Phước Ninh có tổng diện tích 220 ha. Riêng số rừng dầu rái thuần được Cục Phát triển lâm nghiệp đánh giá là một trong những khu rừng trồng tập trung đẹp nhất vùng Đông Nam bộ, và đã chọn 5 ha để đầu tư xây dựng thành rừng giống chuyển hoá.

Giai đoạn 2011- 2015, tiến hành di dời 36 hộ dân sinh sống trái phép trong đất lâm nghiệp ra khu dân cư tập trung, đồng thời trồng bổ sung cây lâm nghiệp trên diện tích đất đã trồng cây cao su theo mô hình DCs1 (1 hàng dầu xen kẽ 1 hàng cây cao su) và trồng mô hình dầu + sao thuần trên diện tích đất trống, trảng cỏ.

CHĂN NUÔI GIA SÚC TRONG RỪNG

Trước đây, rừng ở xã Phước Ninh do Ban Quản lý khu rừng lịch sử - văn hoá núi Bà, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Tháng 11.2016, Sở chủ trì cuộc họp đề xuất UBND tỉnh đổi tên chủ đầu tư Dự án bảo vệ và phát triển rừng khu rừng lịch sử - văn hoá núi Bà do đã giải thể và chuyển quyền quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp tại tiểu khu 65 xã Phước Ninh cho Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen với lý do Ban Quản lý khu rừng lịch sử - văn hoá núi Bà được sáp nhập vào Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen và trở thành Phòng Quản lý bảo vệ rừng, trực thuộc Ban Quản lý mới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn có những điều chưa thể yên tâm về việc quản lý, bảo vệ khu rừng trồng tập trung đẹp nhất vùng Đông Nam bộ này.

Cụ thể, 220 ha rừng ở xã Phước Ninh không tập trung thành một khu mà có nhiều cụm rải rác trên khắp địa bàn trong xã. Mặt khác, tiểu khu 65 nằm cách xa Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen hơn 20km. Nếu xảy ra sự cố cháy rừng, Ban Quản lý không thể kịp thời ứng cứu.

Đã vậy, từ nhiều năm qua, toàn bộ diện tích rừng ở xã Phước Ninh chỉ giao trách nhiệm quản lý, giữ gìn cho gia đình ông Nguyễn Văn Khương, ở thị trấn Dương Minh Châu. Ông Khương không phải là người dân địa phương nên khó nắm bắt kịp thời những diễn biến liên quan tới toàn bộ khu rừng.

Dễ nhận thấy trong việc buông lỏng quản lý là hiện nay có một số người dân vào rừng chăn nuôi gia súc. Ngày 17.8.2017, khi chúng tôi đến rừng Phước Ninh, thấy một phụ nữ đang cào phơi một đống phân trâu khá lớn. Cạnh đó là một chiếc lều dựng dưới tán cây rừng.

Trong lều có đầy đủ dụng cụ sinh hoạt, phương tiện đi lại. Cạnh lều có hai con trâu mẹ đang cho nghé bú sữa. Người phụ nữ này cho biết tên là Gái, ngụ ở xã Phước Minh. Hai vợ chồng chị ở đây đã được khoảng một tháng để nuôi trâu mướn cho người khác. Đàn trâu có tới 50 con, đang được chồng chị lùa đi ăn cỏ bên bờ hồ Dầu Tiếng.

Nuôi thả trong khu rừng, những chú trâu này giẫm đạp lên gốc rễ  cây rừng, cọ sừng lên thân cây, dễ làm chết cây rừng. Trên thực tế, ở một nơi trước đây từng nhốt trâu đã có nhiều cây rừng bị chết khô hoặc còi cọc.

Cạnh nơi chị Gái ở còn có một chuồng nuôi heo rừng khá lớn của ông Lợi. Chuồng heo khá kiên cố, vách chuồng được xây tường gạch, rào lưới B40, lợp mái tôn. Trong chuồng, hàng chục con heo lớn, nhỏ thi nhau ủi phá gốc cây rừng. Nếu để tình trạng này kéo dài, đàn heo sinh sôi nảy nở ngày càng nhiều, đe doạ tới sự sinh trưởng, phát triển cây rừng.

Ông Lợi cho biết, ông vào đây xây chuồng nuôi heo đã được hơn một năm nay. Việc chăn nuôi gia súc trong rừng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, hoạt động tham quan, du lịch, sinh hoạt truyền thống của người dân địa phương.

Theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng thì trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có rừng rất nặng nề và quan trọng. Trong đó có nhiều phần việc thuộc trách nhiệm của UBND xã như: quản lý diện tích, ranh giới các khu rừng; các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.

Tổ chức việc lập, thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phương án bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn theo quy định của pháp luật. Tiếp và xác nhận hồ sơ xin giao rừng, thuê rừng và giao đất, thuê đất lâm nghiệp đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư theo thẩm quyền.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu địa phương chỉ đạo cộng đồng dân cư xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật; hướng dẫn thực hiện sản xuất lâm nghiệp; canh tác nương rẫy và chăn thả gia súc theo quy hoạch, kế hoạch được duyệt.

Tổ chức hoạt động của các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng với nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ; huy động các lực lượng trên địa bàn kịp thời ngăn chặn các hành vi phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án bốn tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần); kịp thời báo cáo lên cấp trên khi vượt quá tầm kiểm soát của xã; giám sát hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ, lâm sản.

Bên cạnh đó, UBND xã còn có trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp. Theo dõi, cập nhật diễn biến rừng, đất lâm nghiệp; thường xuyên kiểm tra việc sử dụng rừng, đất lâm nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trên địa bàn xã.

Tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê và xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để giao lại cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê diện tích rừng này để rừng thực sự có chủ cụ thể. Hoà giải các tranh chấp về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Đặc biệt, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng, giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trái quy định pháp luật, cháy rừng nghiêm trọng, kéo dài mà trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để, lãnh đạo địa phương đó phải kiểm điểm và bị xử lý trách nhiệm quản lý theo quy định của pháp luật.

Với những yêu cầu trên, UBND xã Phước Ninh thường xuyên chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ bảo vệ khu rừng lịch sử có ý nghĩa quan trọng này. Trong khi đó, kinh phí để có thể bảo đảm công tác và trang cấp các thiết bị cần thiết gần như bằng không, có chăng chỉ là kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng chống cháy rừng từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh với số tiền hơn 10 triệu đồng/năm. Điều đó dẫn đến việc chính quyền địa phương phải “gồng mình” để bảo vệ rừng.

ĐẠI DƯƠNG - THÁI HOÀ

(Kỳ sau: Nên chăng, uỷ thác việc quản lý rừng cho xã Phước Ninh?)

Tin cùng chuyên mục