Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bài dự thi phóng sự, ký sự:
Bất hợp lý việc bảo vệ rừng ở xã Phước Ninh Kỳ 2: Nên chăng, uỷ thác việc quản lý rừng cho xã Phước Ninh?
Thứ ba: 15:58 ngày 29/08/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thực tế cho thấy, việc giao trách nhiệm quản lý rừng cho một cá nhân, thì việc xảy ra những bất cập như đã nói ở số báo trước là chuyện khó tránh khỏi. Nên chăng, giao việc quản lý lại cho tập thể để bảo đảm an toàn hơn như một số địa phương khác đã làm.

Một góc rừng lịch sử ở xã Phước Ninh.

Nhiều năm qua, 220 ha rừng lịch sử ở xã Phước Ninh, tức tiểu khu 65 rừng đặc dụng thuộc Ban quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, chỉ giao cho một cá nhân quản lý, bảo vệ rừng. Trong khi đó, ở các xã có rừng khác, việc quản lý, bảo vệ được giao cho chính quyền hoặc lực lượng dân quân địa phương. Thực tế cho thấy, việc giao trách nhiệm quản lý rừng cho một cá nhân, thì việc xảy ra những bất cập như đã nói ở số báo trước là chuyện khó tránh khỏi. Nên chăng, giao việc quản lý lại cho tập thể để bảo đảm an toàn hơn như một số địa phương khác đã làm.

HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, BẢO VỆ RỪNG Ở CÁC XÃ CÓ RỪNG

Để tìm hiểu cơ chế hoạt động quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng ở địa phương khác như thế nào, chúng tôi đã đến hai xã có rừng ở hai huyện khác nhau. Và kết quả là, rừng ở những nơi này được bảo vệ gần như an toàn tuyệt đối.

Điển hình như ở xã Hoà Hội, huyện Châu Thành, hiện có hơn 1.000 ha rừng, trải dài trên địa bàn 4 ấp của xã. Trong đó, đa số diện tích là rừng tự nhiên, chỉ có 3 ha là rừng trồng. Từ trước tới nay, toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn xã Hoà Hội được giao cho chính quyền địa phương trực tiếp quản lý, chăm sóc, bảo vệ.

Ông Phạm Đình Lâm- Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã thành lập một đội bảo vệ rừng chuyên trách. Hằng năm, đội lập phương án phòng, chống cháy rừng, trình lên lãnh đạo xã xem xét, phê duyệt. Trong đó, phân tích điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội có liên quan đến rừng.

Cụ thể, chú trọng đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp có nguy cơ dẫn đến cháy rừng, như đốt nương rẫy, đốt lửa bắt ong, đốt gốc cây, nấu thức ăn, hút thuốc trong rừng v.v… Phương án phòng, chống cháy rừng hằng năm luôn tập trung chú ý đến những hộ dân làm ăn sinh sống ven rừng chưa có ý thức bảo vệ rừng, cũng như hiện trạng hệ thống giao thông ven rừng và trong rừng để xác định giải pháp khi có hoả hoạn xảy ra. Đặc biệt, phương án còn dự phòng các tình huống giả định để tập huấn chữa cháy.

Đội bảo vệ rừng xã Hoà Hội luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Văn hoá - Thông tin xã mở các đợt tuyên truyền giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường hệ thống bảng cấm lửa, bảng cảnh báo phòng, chống cháy rừng ở các khu vực trọng điểm; kịp thời đưa tin về cấp độ nguy cơ cháy rừng, về những vụ cháy rừng, cũng như nêu gương những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đồng thời, UBND xã còn đầu tư kinh phí móc mương bao quanh gần hết diện tích rừng để chống lấn chiếm đất và phòng, chống cháy trong mùa khô; mua sắm máy xịt nước, bình chứa nước; trang bị quần áo, giày, nón, đèn pin cho các thành viên đội bảo vệ rừng và trả lương cho mỗi thành viên 3 triệu đồng/tháng.

Hằng năm, vào mùa khô, đội bảo vệ rừng chủ động thực hiện công tác phòng, chống cháy bằng cách phát quang, dọn đường băng cản lửa, chủ động đốt thực bì, thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng v.v…

Chủ tịch UBND xã Hoà Hội Phạm Đình Lâm khẳng định: “Nhờ chủ động hoàn toàn về nhân lực, kinh phí và sử dụng nguồn lực tại chỗ nên hàng chục năm qua, rừng ở xã chưa một lần xảy ra hoả hoạn, lấn chiếm đất rừng hay bị trộm cắp lâm sản”.

Tương tự như thế, ở xã Long Phước, huyện Bến Cầu có 770 ha rừng tái sinh là khu rừng Nhum. Từ nhiều năm nay, Huyện đội Bến Cầu là “chủ rừng”. Huyện đội uỷ thác cho Xã đội Long Phước trực tiếp quản lý, bảo vệ.

Ngày 22.8, khi chúng tôi đến đây, thấy trong rừng Nhum có điểm chốt bảo vệ hẳn hoi. Trong chốt, một số chiến sĩ ngồi canh gác, số khác đi tuần tra, bảo vệ quanh khu rừng bằng xe mô tô. Trong rừng còn có một chòi canh lửa dùng để quan sát từ trên cao, toàn bộ diện tích khu rừng đều đã được đào mương chống cháy bao bọc xung quanh. Dù là mùa mưa hay mùa nắng con mương này đều chứa đầy nước để phòng chống cháy và ngăn chặn tình trạng xâm hại rừng.

Chỉ huy phó Xã đội Long Phước Trương Văn Cung chia sẻ, trước khi anh tham gia Xã đội đã thấy rừng Nhum được giao cho lực lượng dân quân quản lý, bảo vệ. Anh em trong Xã đội chia thành nhiều tốp thay phiên nhau làm nhiệm vụ. Mùa mưa, mỗi tuần, anh em đi tuần tra 2-3 lần. Mùa khô, mỗi ngày anh em đi tuần tra một lần.

Đặc biệt, vào những ngày cao điểm nắng nóng, anh em vào rừng mỗi ngày 2-3 lần ở những nơi có nguy cơ xảy ra cháy rừng, đơn vị cắt cử anh em trực chiến gần như 24/24 giờ/ngày để sẵn sàng ứng phó nếu có hoả hoạn.

Về kinh phí, Xã đội nhận từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện mỗi năm 54 triệu đồng. Trong đó, trừ tiền ăn, uống, đổ xăng xe để đi tuần tra, mỗi anh em tham gia bảo vệ rừng được hỗ trợ 600.000 đồng/tháng. Anh Cung nói: “Nhờ làm tốt công tác phòng, chống cháy rừng nên từ trước đến nay, rừng Nhum chưa xảy ra vụ hoả hoạn hay trộm cắp lâm sản nào đáng kể”.

Ý KIẾN CỦA NHỮNG NGƯỜI QUAN TÂM BẢO VỆ RỪNG

 Trở lại tiểu khu 65 rừng đặc dụng trên địa bàn xã Phước Ninh, được biết từ nhiều năm trước, UBND xã luôn hết sức lo lắng cho sự an toàn của khu rừng ở xã và trách nhiệm của mình. Lãnh đạo xã đã làm công văn gửi đến Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông kiến nghị uỷ nhiệm toàn bộ tiểu khu 65 lại cho xã quản lý, bảo vệ, nhưng chưa được đơn vị “chủ rừng” chấp nhận. Vì sao như thế?

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, căn cứ quyết định của UBND tỉnh, toàn bộ diện tích rừng này thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen. Do đó, để tạo nguồn kinh phí cho hoạt động bảo vệ, phòng, chống cháy rừng trên địa bàn xã Phước Ninh, Sở đề nghị UBND xã liên hệ với Ban Quản lý Khu du lịch để xin nhận khoán bảo vệ rừng ở tiểu khu 65. “Sở rất hoan nghênh tinh thần trách nhiệm về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của UBND xã Phước Ninh”- văn bản của Sở nêu rõ.

Về phía Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, ông Vũ Đức Kim- Phó trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng cho biết, những năm qua, lãnh đạo xã Phước Ninh đã làm công văn gửi đến Ban Quản lý Khu du lịch xin giao toàn bộ tiểu khu 65 lại cho xã Phước Ninh quản lý, bảo vệ, nhưng BQL cũng nhiều lần trả lời rằng không được, vì tiểu khu 65 nằm trong Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.

Đây là một dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2011-2020. Năm 2016, khi chuyển giao tiểu khu 65 xã Phước Ninh cho Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, BQL cũng muốn tách ra, giao cho xã Phước Ninh quản lý, bảo vệ, nhưng không được vì diện tích rừng ở xã này vướng trong dự án đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt. "Bây giờ muốn thay đổi Dự án này là vấn đề rất khó", ông Kim nói.

Ông Tạ Văn Đáo- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bày tỏ quan điểm. "Về mặt chuyên môn, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen giao khoán nhiệm vụ bảo vệ rừng lại cho xã Phước Ninh hay hơn, sát hơn, vì chính quyền địa phương biết rõ về con người trên địa bàn xã mình.

Nếu người dân có hành vi phá rừng, hoặc nuôi thả trâu, bò trong rừng, chính quyền địa phương mời họ lên làm việc dễ dàng, còn ông Nguyễn Văn Khương, người được giao quản lý rừng ở xã Phước Ninh hiện nay  không thể mời người dân vi phạm về rừng đến giáo dục, xử lý".

Một cán bộ thuộc Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh cũng chia sẻ, về mặt quản lý Nhà nước, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen hay UBND xã Phước Ninh đều là cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, việc để UBND xã làm “chủ rừng” vẫn hiệu quả hơn về góc độ quản lý. Bởi lẽ, không ai sâu sát và thông thạo địa bàn bằng chính quyền sở tại. Vì vậy, để việc quản lý, bảo vệ rừng được sâu sát, chặt chẽ, không gì bằng giao cho chính quyền địa phương.

Chòi canh lửa ở rừng Phước Ninh hiện nay đã bị xuống cấp, không còn sử dụng được.

THAY LỜI KẾT

Khu rừng toạ lạc trên địa bàn xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu xưa nay vẫn được gọi là “Rừng lịch sử”, thực chất là di tích căn cứ địa kháng chiến, có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Nhưng hiện tại, công tác quản, lý bảo vệ rừng ở đây lại giao cho một cá nhân quản lý thực sự chưa bảo đảm về nhiều mặt. Tất nhiên, rừng là tài nguyên quý giá của quốc gia, đất rừng dù nằm trong dự án hay nằm ngoài dự án khu du lịch quốc gia cũng thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước “của dân, do dân, vì dân” thống nhất quản lý.

Như thế, việc giao tiểu khu 65 cho chính quyền xã Phước Ninh tổ chức quản lý, bảo vệ không có nghĩa là “giao quyền sử dụng đất” cho tập thể hay cá nhân nào trong UBND xã này! Thiết nghĩ, việc giao cho chính quyền hoặc lực lượng vũ trang địa phương quản lý, bảo vệ rừng, dù sao vẫn có “thế và lực” đủ mạnh để bảo vệ, ngăn ngừa tình trạng xâm hại rừng, tổ chức phòng, chống cháy rừng, bảo đảm an toàn hơn là giao một cá nhân. Và nếu như việc giao rừng cho địa phương quản lý có vướng mắc gì đó về mặt thủ tục hành chính thì cũng đâu phải là “vô kế khả thi”. 

Qua khảo sát, tiếp cận thực tế, chúng tôi ghi nhận được nguyện vọng của nhiều cán bộ, người dân xã Phước Ninh mong mỏi UBND tỉnh xem xét lại vấn đề này và có phương án tháo gỡ vướng mắc để giao cho UBND xã chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ tiểu khu 65 “Rừng lịch sử Dương Minh Châu” một cách an toàn, hiệu quả.

Đại Dương- Thái Hoà

Tin cùng chuyên mục