Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khoảng một năm qua, nhiều hộ dân gần nhà bà Phan Thị Lan (tổ 27, ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) phải sống trong môi trường bị ô nhiễm vì ở gần bãi rác công nghiệp (nhựa phế liệu). Oái oăm, chính gia đình bà Lan “tác giả” của những đống rác khổng lồ này, cũng đành bất lực, phải kêu cứu.
Bãi rác từ nhựa phế liệu do gia đình bà Lan mua về .
“Ôm” rác vì bị lừa
Theo lời kể chưa được kiểm chứng từ bà Phan Thị Lan, cách nay khoảng 1 năm, bà có quen một người đàn ông tên Phan Thanh Huệ (ước chừng 46 tuổi, ngụ TP. HCM, không rõ địa chỉ) trong một dịp đi rút tiền ở ngân hàng. Người đàn ông này chủ động bắt chuyện làm quen, sau đó đưa ra gợi ý muốn cùng hợp tác với bà Lan mở cơ sở sản xuất nhựa tái chế.
Ông Huệ “nổ”, đây là một công việc làm ăn đầu tư ít mà thu lợi nhuận cao. Chỉ sau vài lần gặp mặt, với “một đòn phủ đầu” là lời hẹn đã hứa, ông Huệ thuê liền hai bãi đất trống ngay phía sau nhà bà Lan. Sau đó liên tục cho xe chở các bao tải nhựa phế liệu (những mảnh vụn nhựa từ vỏ bao bì, nhãn mác trên một số loại chai nước giải khát đủ thương hiệu) về đổ bừa ra bãi, ông Huệ bắt đầu “vận động” gia đình bà Lan góp vốn.
Ông Huệ vạch ra cách kinh doanh lý tưởng như sau, cứ đầu tư “nhập” nguyên liệu từ TP.HCM về, mỗi xe tải loại 8 tấn chở đầy nhựa phế liệu có giá chỉ 1,5 triệu đồng, cộng thêm 400.000 đồng tiền công bốc vác xuống bãi nữa là 1,9 triệu đồng, tất cả khoản chi phí này do gia đình bà Lan chi trả.
Chưa hết, ông Huệ còn “tư vấn” cho con trai bà Lan xin giấy phép lập cơ sở kinh doanh nhựa tái chế. Tiếp theo, muốn vận hành được cơ sở phải đầu tư mua máy băm, máy ép nhựa, “thuật ngữ kỹ thuật” gọi là “máy ó” (?!) để chế biến nhựa phế liệu ra thành viên.
Có như vậy, phế liệu mới trở thành “nguyên liệu mới” và đem bán cho các công ty chuyên sản xuất đồ nhựa sẽ… thu được lãi khủng. Để tạo lòng tin, ông Huệ trưng ra một số bịch mẫu nhựa màu đen đã được ép thành viên nhỏ.
Hy vọng sẽ được lợi từ việc tái chế nhựa phế liệu, bà Lan không ngần ngại, chấp nhận đầu tư với số tiền 350 triệu đồng, chủ yếu dùng vào khoản “nhập” nhựa phế liệu và trả tiền công bốc vác.
Con trai của bà Lan là anh Trần Hoàng Em cũng mạnh dạn xin đăng ký mở cơ sở tái chế hạt nhựa và đã được cấp giấy phép kinh doanh, đồng thời bỏ ra 100 triệu đồng để mua máy băm. Một người cháu gái trong dòng họ bà Lan thấy vậy cũng mạnh tay đầu tư 300 triệu đồng mua máy ó.
Em gái ruột bà Lan cũng quyết định tham gia kinh doanh bằng cách mua máy ó trị giá 200 triệu đồng. Thế rồi, máy móc nhập về lại không phát huy được công năng, tác dụng; số nhựa phế liệu từ các bao bì, nhãn mác chai nước giải khát nhập về không thể ép ra thành phẩm hạt nhựa màu đen.
“Nghe nói” các loại máy này chỉ có thể hoạt động với nguồn nguyên liệu là một loại nhựa chuyên dụng khác mới ép ra thành phẩm, như ông Huệ giới thiệu trước đó, gia đình bà Lan đã lỡ “phóng lao” cũng tìm mọi cách mua nguồn nguyên liệu phù hợp “nhập từ nước ngoài” để tái chế ra sản phẩm bán được. Thế nhưng công việc này vẫn tiếp tục… lỗ chứ không có lãi. Mặt khác, khi áp dụng quy trình vận hành máy tái chế nhựa, chỉ có chiếc máy ó của cháu gái bà Lan là chạy được, số còn lại phải “trùm mền”.
Sự việc diễn ra theo chiều hướng ngày càng tệ, hàng trăm tấn nhựa phế liệu và máy móc “nhập” về đều có nguy cơ thành phế thải. Trong khi đó, để mua được những thứ này, gia đình bà Lan phải đi vay mượn tiền, hằng tháng phải trả số lãi không nhỏ.
Còn ông Phan Thanh Huệ đã mất dạng qua nhiều tháng, số điện thoại của ông gọi mãi cũng chỉ nghe trả lời… ò í e! “Chúng tôi bắt đầu suy sụp, hỏi ra mới biết máy móc mà ông Huệ đi mua giùm đều có giá thấp hơn nhiều so với số tiền đã chi trả.
Nguồn nhựa phế liệu nhập về chỉ là thứ bỏ đi, có thể nguồn rác thải này do một công ty nào đó ở dưới Sài Gòn thuê ông Huệ chở đi xử lý”, bà Lan ngậm ngùi cho hay.
Được biết, chiếc máy ó trị giá 300 triệu đồng vừa mới được chủ nhân bán lại với giá 150 triệu đồng; máy ó 100 triệu đồng của anh Hoàng Em có người định giá chỉ hơn 20 triệu đồng, các máy còn lại cũng được kêu bán nhưng chưa có ai mua. Bà Lan than rằng, gia đình bà đang chịu nhiều áp lực từ các khoản nợ vay, chưa kể việc bị hàng xóm than phiền vì gây ô nhiễm môi trường.
BẤT LỰC NHÌN… RÁC GÂY Ô NHIỄM
Cùng với số rác ông Huệ đổ trước, gia đình bà Lan đã “nhập” cả trăm tấn nhựa phế liệu chở về đổ thành hai bãi. Một bãi gần ngay sau nhà (bãi này còn có thêm nhiều loại rác tạp khác), bãi còn lại lớn hơn cách đó khoảng 50m.
Nhựa phế liệu chất đống tồn lâu ngày không sử dụng đã biến thành “núi” rác trông rất nhếch nhác. Cộng thêm việc giặt rửa, băm nhỏ, phơi khô mảnh nhựa bị bỏ dở qua nhiều tháng đã làm cho môi trường khu vực bãi rác ô nhiễm nặng.
Không khó nhận ra sự nguy hại từ hầm chất thải khu chế biến. Nước thải ra hoà chung với một hỗn hợp giống như bột nhựa, đặc quánh, phủ dày trên mặt hầm. Cỏ dại và lục bình gặp phải chất này cũng không sống nổi.
Gây phiền toái nhiều nhất cho người dân sống xung quanh là việc gia đình bà Lan tiến hành đốt rác công nghiệp. Mỗi lần đốt như vậy, muội than từ chất nhựa tổng hợp phát tán khắp nơi, bốc mùi khét lẹt rất khó ngửi. Khi chúng tôi đến đây vào ngày 8.8, bà Lan đang đốt dang dở bãi rác gần ngay sau nhà. Lúc chúng tôi quay lại vào ngày 30.8, nhiều tấn rác của bãi này đã bị đốt, hiện chỉ còn lại bãi đất trống đầy muội than.
Đồng thời, ở một bãi chứa khác lớn cũng đang có khói lửa bốc lên gần khu đặt máy chế biến nhựa. Một hộ dân sống gần đó kể lại: “Tình trạng đốt rác vẫn cứ tiếp tục diễn ra, nhất là vào ban đêm, gây ra mùi khét lẹt, thật khó mà ăn uống hay ngủ được”.
Trước tình hình này, qua phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã nhiều lần làm việc với gia đình bà Lan. Cụ thể, ngày 21.3, UBND xã An Thạnh đã lập biên bản nhắc nhở anh Trần Hoàng Em phải thu gom bãi phế liệu gọn gàng, liên hệ đăng ký phòng cháy chữa cháy, lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản, đồng thời cho thời hạn 7 ngày để hoàn tất việc thực hiện theo nội dung biên bản yêu cầu.
Biên bản thứ hai được lập vào ngày 13.4, theo đó, bà Lan đã cam kết không thực hiện việc đốt rác, xả nước thải ra môi trường, đồng thời trong thời hạn 60 ngày sẽ vận chuyển đi hết số nhựa phế liệu đang tồn đọng gây ô nhiễm môi trường. Biên bản thứ ba được lập vào ngày 11.7, lần này, ngoài chính quyền địa phương còn có sự chứng kiến của đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Cầu.
Trong biên bản, anh Hoàng Em trình bày do gia đình “bị lừa” nên đã nhập cả trăm tấn nhựa phế liệu về bỏ bãi. Ngoài ra, do hoàn cảnh gia đình đang gặp khó khăn vì nợ nần nên không có tiền thuê xe chở rác phế liệu đi nơi khác xử lý đúng quy định đối với rác công nghiệp.
Cũng biên bản này, thêm một lần nữa chính quyền nhắc nhở gia đình bà Lan phải ngưng ngay việc đốt rác, thực hiện đăng ký phòng cháy chữa cháy, lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản, đồng thời tiếp tục cho thời hạn trong vòng 15 ngày để thực hiện. Biên bản thứ tư được lập vào ngày 11.8, đại khái nội dung cũng giống như những lần trước, tuy nhiên, biên bản cũng ghi nhận gia đình bà Lan đã thu gom rác gọn gàng hơn, mặc dù vẫn còn khối lượng lớn rác tồn đọng chưa được xử lý triệt để.
Ông Trần Văn Dương- Chủ tịch UBND xã An Thạnh nêu ý kiến: “Qua xác minh bước đầu từ một số hộ dân gần nhà bà Lan, được biết gia đình bà có dấu hiệu bị người khác lừa đảo trong việc mở cơ sở kinh doanh nhựa tái chế. Mặc dù vậy, người gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn phải chịu trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng.
Sắp tới, xã sẽ hướng dẫn cho gia đình bà Lan liên hệ với công ty xử lý rác để giải quyết dứt điểm”. Có thể gia đình bà Lan đang gặp khó khăn thật, nhưng không thể để tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài thêm nữa, người dân sống xung quanh bãi rác đang rất bất an.
Ông Trịnh Văn Đồng- Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Cầu cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ mới nhận được báo cáo cụ thể về vụ việc từ UBND xã An Thạnh, Phòng sẽ tiến hành xác minh và xử lý trong thời gian sớm nhất”.
Riêng bà Lan như bất lực kêu cứu: “Có cách nào giúp gia đình tôi không! Chúng tôi đang thực sự bế tắc. Nếu được, xin điều tra rõ về đối tượng Phan Thanh Huệ để truy cứu trách nhiệm có liên quan”.
QUỐC SƠN - MINH TIÊN