Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Có bao nhiêu địa phương đã nhận xe và không chỉ xe từ các DN như ở Cà Mau, Đà Nẵng? Và còn nhiều câu hỏi khác đang được dư luận đặt ra, bởi một lẽ thường tình: không ai cho không ai cái gì cả!
Sau Cà Mau, nay đến lượt TP Đà Nẵng công khai “nguồn gốc xuất xứ” 8 chiếc xe sang đang quản lý, sử dụng là do doanh nghiệp (DN) tặng.
Trả lời báo chí, lãnh đạo các địa phương khẳng định “không có tiêu cực trong việc tặng xe”, trong khi các DN tặng xe cũng thề thốt mình tặng xe với động cơ trong sạch.
Xét về luật, giao dịch trên không trái với Bộ luật dân sự hiện hành. Tuy nhiên nếu đem “soi” dưới góc độ xã hội, công tác điều hành thì rõ ràng có điều gì đó không ổn, thậm chí bất thường.
Giải thích về mục đích của giao dịch trên, lãnh đạo các địa phương cho rằng “do tỉnh không có xe tốt để đưa rước các đoàn cán bộ trung ương về làm việc nên DN tặng xe để làm phương tiện đưa rước”.
Liệu có vị lãnh đạo trung ương nào khi về công tác lại đòi địa phương phải dùng xe xịn đưa đón họ?
Cho tặng là hợp pháp, nhưng pháp luật vẫn quan tâm đến động cơ thực sự của các bên liên quan.
Từ việc tặng xe với mục đích không hợp lý kèm theo những đơn giá “rẻ bất ngờ”, dư luận có quyền nghĩ đến một kịch bản của các bên dựng lên để lách thuế, lách luật (không vượt quá tiêu chuẩn quy định tại điều 5 khoản 2 quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm hợp thức hóa món quà “trên mức tình cảm”.
Một điều không thể không đặt ra nữa là liệu có sự minh bạch, vô tư đối với việc cho tặng này không? Tại sao không phải ai tặng mà chính DN đang có lợi ích kinh tế ở địa phương?
Cụ thể, tại Cà Mau, đơn vị tặng 2 chiếc xe sang (trên 6 tỉ) là Công ty Công Lý đang đầu tư vào khu du lịch ở bãi biển Khai Long (gần Mũi Cà Mau) và nhà máy xử lý rác thải tại TP Cà Mau.
Còn bên tặng xe cho TP Đà Nẵng là Công ty Minh Hưng Phát cũng đang đầu tư, kinh doanh tại địa phương này.
Rất khó có thể chứng minh việc cho, nhận có tiêu cực hay không, nhưng dư luận có quyền hoài nghi khi đặt vấn đề sau khi nhận xe, địa phương có ưu ái, hỗ trợ cho DN theo kiểu “bánh ít đi, bánh quy lại”?
Rõ ràng địa phương tự đưa mình vào thế khó khi việc tặng, cho diễn ra giữa một bên là chủ thể quản lý nhà nước và một bên là chủ thể được quản lý ngay trong phạm vi địa phương.
Đây là vấn đề rất nhạy cảm vì trong trường hợp này khó giải thích động cơ tặng cho của DN, đồng thời khó tránh khỏi sự suy đoán về một động cơ không phù hợp.
Có những việc đúng luật nhưng chưa hẳn đúng lý. Việc cho và nhận có thể diễn ra vô tư nhưng trong mắt dư luận có thể sẽ rất phản cảm.
Chính phủ đã ban hành quy chế tặng quà, nhận quà tặng của cơ quan nhà nước. Theo đó, nếu quà tặng không phù hợp thì cơ quan đơn vị được tặng phải từ chối hoặc xử lý bán theo giá thị trường. Nhưng xem ra việc từ chối món quà tiền tỉ quá khó.
Còn nhớ năm ngoái, tỉnh Ninh Bình từng từ chối nhận 3 chiếc ôtô (trị giá khoảng 6,5 tỉ đồng) từ một DN ở địa phương tặng sau khi Bộ Tài chính “cảnh báo” địa phương không vì nhận xe mà phải ưu ái, hỗ trợ cho DN.
Một câu hỏi đặt ra: có bao nhiêu địa phương đã nhận xe và không chỉ xe từ các DN như ở Cà Mau, Đà Nẵng? Và bao giờ thì chuyện này chấm dứt, khi Thủ tướng luôn nhấn mạnh đến một chính quyền liêm chính và phục vụ.
Và còn nhiều câu hỏi khác đang được dư luận đặt ra, bởi một lẽ thường tình trong trường hợp này: Không ai cho không ai cái gì cả!
Nguồn TTO