Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bàu Châu É - ngày ấy, bây giờ
Thứ năm: 23:31 ngày 10/11/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bàu Châu É là một căn cứ bí mật quan trọng nằm cặp tỉnh lộ 4, ăn thông bốn hướng, đặc biệt là Căn cứ Trà Vong và Chiến khu Dương Minh Châu.

Lớp trung cấp giáo lý Islam ở Bàu Châu É.

Ở Tân Châu có nhiều địa danh mang yếu tố “bàu” như Bàu Cỏ, Bàu Bắc, Bàu Săng Máu… nhưng có lẽ Bàu Châu É là địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử nhất. Bởi Bàu Châu É là một căn cứ bí mật quan trọng nằm cặp tỉnh lộ 4, ăn thông bốn hướng, đặc biệt là Căn cứ Trà Vong và Chiến khu Dương Minh Châu. Chính vì vậy mà nơi đây cũng là mục tiêu của nhiều thế lực thù trong giặc ngoài càn bố, bắn phá trong suốt thời kỳ chiến tranh.

Bàu Châu É trước đây thuộc xã Tân Hưng, nay là ấp Tân Châu của xã Tân Phú. Nếu tính từ trung tâm huyện đến Bàu Châu É khoảng chừng 8km, nằm bên phải trục đường 785, cách UBND xã chừng 2km. Nơi này trước năm 1975 chủ yếu là rừng và bàu trảng, người ở rất ít do nhiều yếu tố- chủ yếu là chiến tranh, nhưng từ sau hoà bình lại trở thành khu dân cư khá đông đúc.

Ngày nay, nơi này tuy đã có tên mới và có cổng ấp văn hoá hẳn hoi, nhưng hầu hết mọi người vẫn thích dùng tên cũ là Bàu Châu É. Nhiều người vẫn hay thắc mắc tại sau khu bàu này lại có tên là Châu É. Châu É là phiên âm của từ “Chho és”, tiếng Khmer nghĩa là mùi khai.

Tại sao lại như vậy? Chẳng qua là trong kháng chiến, quân đội Mỹ đã rải và bỏ lại nơi đây những thùng chất độc hoá học, phát tán ra ngoài có mùi khai và cay, nên người dân mới lấy đặc điểm đó mà đặt tên cho cả khu bàu này.

Cũng cần nói thêm, cái tên Bàu Châu É chỉ có về sau này khi người dân bên Campuchia chạy về Tây Ninh lánh nạn diệt chủng của Pol Pot, ban đầu họ chạy về Châu Thành, sau được chính quyền di dời về đây, còn trước đó chỉ là khu rừng bàu hoang vắng thuộc làng Khedol của tổng Chơn Bà Đen mà thôi. Việc lâu ngày ít ai còn nhớ cũng là rất bình thường.

Tuy Bàu Châu É nằm sát sườn tỉnh lộ 4 trước đây, nhưng lại là khu bí mật chế tạo vũ khí của bộ phận Công binh trong thời kháng chiến chống Pháp. Giữa năm 1948 Văn phòng chi hội các cơ quan Đảng - Dân chính lần lượt về ở khu vực quy định trong căn cứ. Bộ phận Công binh xưởng được cấp trên bố trí bên kia suối Trà Vong qua Bàu Châu É là khu vực tách biệt để sản xuất vũ khí, gài mìn, bố phòng bảo đảm an toàn và bảo vệ khu căn cứ từ xa.

Ngày nay nhìn trên bản đồ ta thấy người xưa chọn địa điểm này làm căn cứ là hết sức sáng suốt và cơ động. Bởi đây là vùng rừng nối liền hai cánh Trà Vong, Tân Phong, Mỏ Công và cánh Đồng Pal dài lên Bàu Văn Lịch - Kà Tum. Toàn là những cứ hiểm yếu, sát nách đồn bốt của kẻ thù. Chính vì vậy mà trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cả khu vực rộng lớn này là vùng chiến sự rất ác liệt.

Đó là ngày ấy, còn bây giờ Bàu Châu É là một ấp rất trù phú, hàng ngàn mẫu đất rợp màu xanh cây trái. Phải nói rằng, trời không phụ lòng người, đất canh tác ở nơi đây rất màu mỡ, bởi Tân Phú là nơi tiếp giáp giữa loại đất đen và đất xám, nên thích hợp với nhiều loại cây trồng.

Trong khu Bàu Châu É có kênh thuỷ lợi đi qua nên thuận tiện cho việc đào ao nuôi cá ở vùng trũng của khu bàu xưa và tưới tiêu cho mùa khô. Người dân còn lập vườn dừa, mít, cam…, nhiều nhất là mô hình nuôi bò thịt cho thu nhập rất ổn định. 

Một điều đặc biệt là, phần đông bà con người Chăm ở Bàu Châu É đến từ Bàu Bắc, ban đầu chỉ đến làm ruộng rẫy, lâu dần phát triển thành xóm làng. Hầu hết nhà cửa đều xây theo lối mới, khang trang sạch sẽ, hoàn toàn không có hiện tượng nuôi trâu bò trước sân nhà.

Cũng như Suối Dây, Bàu Bắc… làng Chăm Bàu Châu É không những có thánh đường đẹp mà còn có trường dạy lớp trung cấp giáo lý Islam. Sự ra đời của ngôi trường này đã giúp cho việc học giáo lý của con em người Chăm thuận lợi rất nhiều.

Bên cạnh những thuận lợi, Bàu Châu É còn nhiều khó khăn. Đó là đường giao thông chưa thuận tiện. Các con đường nhỏ trong khu dân cư hầu hết là đường đất, nhiều nơi sình lầy; nếu con đường chính trong khu dân cư thông qua được đường 793 thì mọi phương tiện vận tải từ đường 785 qua hướng Tân Biên, cắt qua ấp sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Hy vọng trong thời gian tới, xã Tân Phú xây dựng xã nông thôn mới sẽ khắc phục vấn đề này để đời sống, sinh hoạt của bà con ở nơi đây được thuận lợi hơn.

Hoài Chi

Tin cùng chuyên mục