Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bầu cử Quốc hội Pháp: Sẽ không có bất ngờ lớn
Chủ nhật: 16:48 ngày 07/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội Pháp dự kiến diễn ra trong ngày 7/7 sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc đối đầu "khốc liệt" giữa ba khối chính trị lớn nhất, gồm đảng Tập hợp Quốc gia (RN) và các đồng minh, liên minh Mặt trận Bình dân Mới (NFP) và phe đa số sắp mãn nhiệm của Tổng thống Macron.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rời điểm bầu cử Quốc hội ở Le Touquet ngày 30/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, vòng hai cuộc bầu cử sẽ diễn ra tại 500 khu vực bầu cử, với hơn 1.000 ứng cử viên tham gia cạnh tranh những ghế còn lại trong tổng số 577 ghế tại Quốc hội, sau khi đã có 76 ứng cử viên trúng cử trong vòng một. 

Khoảng 30.000 cảnh sát và hiến binh đã được triển khai tại các điểm bầu cử, trong đó có 5.000 nhân viên ở thủ đô và các vùng ngoại ô Paris, cho thấy mức độ căng thẳng và nguy cơ bất ổn tiềm ẩn trong sự kiện có ý nghĩa quyết định đến đời sống chính trị tại nước Pháp này.

Bước vào vòng hai, RN có lợi thế dẫn trước tại 258 trên tổng số 439 khu vực bầu cử có đại diện tham gia. Thách thức đặt ra cho phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy này không còn là chiến thắng, mà là giành đủ số phiếu để trở thành đa số tuyệt đối trong Quốc hội để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ mới. 

Ở chiều ngược lại, nỗ lực ngăn chặn phe cực hữu giành đa số tuyệt đối cũng là mục tiêu quan trọng của phe đa số sắp mãn nhiệm và liên minh cánh tả. Hai bên đã cùng nhau thiết lập "Mặt trận Cộng hòa" chống RN bằng chiến lược rút ứng cử viên cạnh tranh nhằm tập trung phiếu bầu. 

Trong vòng một cuộc bầu cử đã ghi nhận sự cạnh tranh kỷ lục, khi có tới 308 khu vực bầu cử có 3 hoặc 4 ứng cử viên cạnh tranh ở vòng tiếp theo. Nhưng trong vòng chưa đầy 48 giờ sau khi có kết quả vòng một, đã có 221 ứng cử viên, chủ yếu của NFP (131) và phe tổng thống (82), tuyên bố rút lui. Đây đều là những ứng cử viên được đánh giá là khó có cơ hội thắng cử ở vòng hai. 

Việc các đối thủ chính trị bắt tay nhau thực hiện chiến lược rút lui hàng loạt có thể tước đi đa số tuyệt đối của RN. Tuy vậy, kết quả thực tế sẽ tùy thuộc vào thông điệp chỉ đạo bầu cử cụ thể của các đảng và một yếu tố then chốt là quyết định chuyển phiếu bầu của cử tri khi các ứng cử viên mà họ ủng hộ rút lui hoặc bị loại. 

Trước bầu cử vòng hai, bà Marine le Pen - người đứng đầu nhóm RN trong Quốc hội sắp mãn nhiệm, bày tỏ tin tưởng đảng này có thể đạt ngưỡng khoảng 270 ghế trong cơ quan lập pháp mới. Tuy nhiên, theo cuộc thăm dò ý định cử tri do OpinionWay thực hiện, RN có thể chỉ giành được từ 205 - 230 ghế, cách xa con số 289 cần thiết để đạt được đa số tuyệt đối. Liên minh cánh tả NFP dự kiến sẽ giành được từ 145 - 175 ghế, trong khi phe tổng thống sẽ có khoảng 130 - 162 ghế và đảng Những người Cộng hòa (LR) từ 38 - 50 ghế. 

Cuộc khảo sát cũng cho thấy trên 40% cử tri Pháp tin rằng sẽ không có nhóm chính trị nào trong ba khối tranh cử chính giành được đa số tuyệt đối, trong khi chỉ có 35% tin rằng phe cực hữu sẽ đạt được mục tiêu này. Kết quả thăm dò cũng phù hợp với nhận định của giới quan sát chính trị và dư luận báo chí và truyền thông, theo đó cuộc đua vòng hai tổng tuyển cử tại Pháp sẽ rất gay cấn nhưng không có quá nhiều bất ngờ. Tuy nhiên, đảng cực hữu và các đồng minh giành được nhiều ghế nhất khiến phe đa số sắp mãn nhiệm của Tổng thống Emmanuel Macron trở thành phe thiểu số và buộc ông sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong chặng đường ba năm còn lại của nhiệm kỳ.

Nguồn TTXVN

Tin liên quan