Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 14/7, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla cho biết Bộ Y tế Belarus đã phê duyệt vaccine Cimavax điều trị ung thư phổi do Cuba sản xuất.
Đến thời điểm hiện tại, đây là dược phẩm duy nhất trên thế giới sử dụng liệu pháp miễn dịch điều trị một số dạng ung thư phổi.
Ảnh: cubamedic.net
Đại sứ Cuba tại Minsk Santiago Perez nhấn mạnh rằng quyết định của cơ quan y tế Belarus ghi dấu thêm một thành tựu không thể chối cãi của ngành công nghệ sinh học Cuba. Belarus là quốc gia có tiêu chuẩn cao và khắt khe về y tế. Đây cũng chính là quốc gia châu Âu đầu tiên phê duyệt vaccine Soberana của Cuba ngừa COVID-19.
Cimavax là vaccine chữa ung thư phổi đầu tiên được cấp bằng sáng chế và đăng ký chính thức trên thế giới. Chế phẩm này không có chức năng phòng bệnh theo như cách hiểu thông thường về công năng của vaccine, mà có khả năng ức chế sự phát triển của những khối u đã có trong cơ thể người bệnh.
Theo các nhà nghiên cứu, khác với cơ chế hoạt động của những loại thuốc điều trị ung thư phổi khác là tấn công trực tiếp tế bào ung thư, vaccine Cimavax hỗ trợ tăng cường cơ chế miễn dịch cho cơ thể người bệnh, giúp sản sinh kháng thể ngăn chặn ung thư và làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư, qua đó kéo dài cuộc sống cho người bệnh.
Cimavax hoạt động như một loại thuốc điều trị ung thư phổi, và được gọi là “vaccine điều trị”.
Vaccine Cimavax được sử dụng kết hợp với các biện pháp hóa trị và xạ trị. Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc không để lại tác dụng phụ (như gây khó thở, biếng ăn, giảm cân), giúp bệnh nhân bớt đau đớn và có thể kéo dài thời gian sống của họ thêm trung bình hơn 11 tháng, thậm chí trong một số trường hợp có thể lâu hơn.
Chế phẩm nêu trên của Cuba cũng có tác dụng trong điều trị ung thư não, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư tử cung. Các nhà khoa học Cuba vẫn tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về công dụng của biệt dược này trong điều trị ung thư.
Vaccine Cimavax do Trung tâm Miễn dịch học Phân tử của Cuba nghiên cứu, thu hút sự quan tâm của toàn thế giới và đã được thử nghiệm tại Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Cơ quan quản lý của Mỹ đã đề xuất sử dụng vaccine này cho nhóm bệnh nhân nặng nhất.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi là loại ung thư phổ biến và nguy hiểm nhất, khiến 1,4 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm. Mặc dù những phương pháp điều trị hiện tại có thể nâng cao tỷ lệ sống cho bệnh nhân ung thư khi được phát hiện sớm, nhưng đối với những bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối thì tỷ lệ sống được 5 năm chỉ chưa đầy 1%.
Nguồn BHT