Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bền bỉ với nghề sửa đồng hồ
Thứ tư: 13:56 ngày 16/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngay góc ngã tư giao lộ giữa đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Chí Thanh, gần 20 năm nay, tiệm sửa đồng hồ của chị Võ Thị Kiều Hạnh (sinh năm 1978, ngụ phường 1, TP. Tây Ninh) luôn có đông khách ghé qua.

Chị Kiều Hạnh sửa đồng hồ cho khách.

Chị Hạnh sửa đồng hồ nhanh, uy tín, nói chuyện vui vẻ và gần như là thợ nữ sửa đồng hồ duy nhất ở thành phố Tây Ninh.

 

Hằng ngày, khoảng 6 giờ sáng, vợ chồng chị Hạnh mở cửa tiệm. Nói tiệm cho sang, vì tiệm của chị chỉ là chiếc xe đẩy chất đồ nghề và trưng bày vài mẫu đồng hồ cũ. Sửa đồng hồ là nghề gia truyền của gia đình chồng chị Hạnh. Chồng chị được học nghề bài bản và trở thành thợ có tay nghề giỏi. Sau khi kết hôn, chị thường ra tiệm sửa đồng hồ phụ giúp chồng và được chỉ dẫn cách sửa chữa.

Chia sẻ những khó khăn của nghề sửa đồng hồ, chị Hạnh cho biết: “Các bộ phận của đồng hồ- nhất là đồng hồ đeo tay rất nhỏ, khi sửa đòi hỏi sự tỉ mỉ và tính kiên nhẫn của người thợ.

Ban đầu, khi gặp những mẫu đồng hồ có cấu tạo phức tạp hoặc hư hỏng nặng, sửa mãi không được tôi cũng dễ sinh cáu giận, bực tức. Nhưng qua một thời gian, tôi nhận ra muốn gắn bó với nghề này mình cần phải tập tính nhẫn nại. Chính việc sửa đồng hồ đã giúp tôi trong việc rèn tâm tính của mình”.

Khi chị Hạnh đã trở thành "thợ" sửa đồng hồ thực thụ, chồng chị mạnh dạn mở thêm một tiệm riêng cho chị. Từ đó đến nay, chị luôn có một lượng khách hàng ổn định. Họ tìm đến cửa tiệm của chị một phần vì quý mến sự nhiệt tình, chân thật của chủ tiệm, một phần vì tin tưởng vào tay nghề cũng như không lo về giá cả.

Anh Minh Hoàng, một khách quen của tiệm cho biết: “Tôi thường hay đến đây sửa đồng hồ. Chị Hạnh là người chịu khó và rất nhiệt tình. Là khách quen của chị, nhiều lúc đồng hồ của tôi bị hư hỏng nhẹ, chị sửa không lấy tiền.

Sửa đồng hồ chỗ chị, tôi không bao giờ hỏi giá cả trước vì chị tính giá rất phải chăng, không bao giờ đòi sửa chữa những bộ phận khác nếu khách không yêu cầu”.

Nhờ việc sửa đồng hồ, thu nhập của vợ chồng chị Hạnh cũng khá ổn định. Thời gian gần đây, việc sửa chữa dần ế ẩm, chồng chị bỏ nghề chuyển sang làm việc khác. Chị vẫn cầm cự mở cửa tiệm.

Chị tâm sự: “Nghề này thu nhập rất bấp bênh, hôm đông khách kiếm cũng được sáu, bảy trăm ngàn; có hôm chẳng sửa được cái nào. Ðây là nghề mưu sinh của gia đình, nhiều lúc bị bệnh tôi cũng không dám nghỉ, cố gắng mở cửa để giữ khách”.

Vợ chồng chị Hạnh có hai đứa con. Cô con gái lớn thường theo mẹ ra tiệm nên đã biết sửa vài chi tiết trong đồng hồ. Khi được hỏi chị có truyền nghề lại cho con không, chị Hạnh cho biết: “Tôi cũng muốn con cái học sửa đồng hồ để giữ cái nghề của ông bà, cha mẹ. Nếu các con yêu thích nghề này, tôi sẽ chỉ dạy, không ép buộc”.

Bích Thảo Như

Tin cùng chuyên mục