Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bên bờ cõi âm
Chủ nhật: 13:53 ngày 23/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bà Cốc cắm cây nhang vào lư hương trên bàn thờ xong, quay ra ngồi chống một chân lên ghế, cái đầu gối gần chạm vào cái cằm lẹm. Bà chậm rãi têm miếng trầu bỏ vô ống ngoáy. Ngoáy một hồi chừng nát, bà lùa vô miệng nhai nhóp nhép, ngáp một hơi dài, ợ liền tù tì hai ba cái là vong nhập.

Bà Cốc cắm cây nhang vào lư hương trên bàn thờ xong, quay ra ngồi chống một chân lên ghế, cái đầu gối gần chạm vào cái cằm lẹm. Bà chậm rãi têm miếng trầu bỏ vô ống ngoáy. Ngoáy một hồi chừng nát, bà lùa vô miệng nhai nhóp nhép, ngáp một hơi dài, ợ liền tù tì hai ba cái là vong nhập.

Bà vẫn ngồi trên ghế, đầu lắc lư nhè nhẹ, mắt lim dim dài dại, miệng lẩm bẩm phát ra tiếng lơ lớ khó hiểu. Hai Màng chừng hết chờ nổi, rụt rè hỏi:

- Thằng nhỏ sao rồi bà Cốc?

- Cậu nó khoẻ, học hành giỏi lắm. Hằng ngày cậu ấy vẫn đi theo phù hộ cho bây mạnh giỏi, làm ăn phát tài.

Hai Màng ngồi im. Rớt nước mắt khi nhớ lại gương mặt trắng trẻo xinh đẹp của con trai. Nó thông minh, lanh lợi, sáng sủa vậy mà vắn số. Bà Cốc hi hí mắt nhìn Hai Màng, tiếp tục xí xa xí xồ những câu nghe không hiểu được.

Khi vong nhập, bà tự xưng bà không phải người Kinh, bà huơ tay múa chân, độc thoại độc diễn một hồi. Chừng hết sức, bà Cốc thở hắt ra, toàn thân xuôi xị, vậy là vong thoát. Bà tỏ vẻ mệt nhọc, bưng chung trà hớp một ngụm bặm môi xột xoẹt rồi nuốt cái ực. Hai Màng vẫn ngồi ủ rủ. Bà Cốc vỗ về:

- Cậu mắc đi học, không có rảnh. Khi nào cậu rảnh, cậu nói chuyện nhiều hơn. Bây để yên cho cậu học hành. Bây về lo mần ăn đi, có tiền gởi chút đỉnh mua quần áo mới cho cậu.

Hai Màng chợt tỉnh. Tiếc rẻ vì chưa hỏi con được gì, nhưng nghe mấy lời bà Cốc nói Hai Màng cũng yên tâm. Lúc bình thường mọi người kêu bà Cốc là bà Tư. Còn khi vong nhập bà Tư thành bà Cốc. Tại sao là bà Cốc thì Hai Màng không thắc mắc và hỏi làm gì, chỉ biết người trước kêu sao thì người đến sau kêu y vậy.

Bà Tư hơn bảy mươi tuổi, dáng người tầm trung, gương mặt khắc khổ. Răng hai hàm rụng hết chỉ còn cái lợi đỏ hỏn ăn trầu bỏm bẻm có duyên. Chồng bà Tư chết trẻ, bà có hai người con, một trai, một gái. Cháu chắt thì có rồi, nhưng tất cả sống riêng kế bên, có bề gì chạy qua chạy lại cũng dễ.

Trước nhà bà Tư là khoảng sân rộng, cây cối mọc âm u. Nhà bà Tư xiêu vẹo như lúc bà lên đồng. Căn nhà gỗ kiểu xưa, vách ván đơn sơ bị mối ăn gần bứt chân. Các mối nối giữa hai tấm ván cong vênh theo thời gian hở dài từ trên xuống dưới, khiến những người đến cầu hồn lúc nào cũng thấy thảm thương cho cái nghiệp của bà. Nhìn cái nhà mắc rầu, hư hao vậy mà con cháu không có ý định sửa. Họ trông cho ngôi nhà sập luôn, cho bà Tư giải tán nghiệp nuôi và bắt vong. Cái nghề không ai mong muốn.

Ngay cửa ra vô nhà bà Tư có kê cái bàn cây tạp, ố vằn, cũ mèm và bộ tách trà sứt tay gãy gọng nhìn thắt thẻo. Bên hông là bộ gõ ngựa phủ đầy bụi, nhìn qua là biết thưa thớt khách. Còn lại là bàn thờ. Bàn thờ cái treo, cái kê, cái lớn, cái nhỏ, cao thấp lộn xộn đủ kiểu.

Trên mỗi bàn thờ có một bóng đèn cà na màu đỏ, phát ánh sáng nhờ nhờ ma mị và một lư hương nho nhỏ cắm đầy chân nhang. Tàn nhang tràn và vương vãi đóng nhiều lớp tưởng chừng đã lâu lắm chưa ai quét dọn. Bà thờ ai, thờ gì chỉ mình bà biết, vì trên bàn thờ chỉ có vậy, tuyệt nhiên không có hình hay chữ.

Nghe nói bà Tư nhận nuôi nhiều đứa con chẳng may vắn số. Toàn là con nít. Bà nuôi cho ăn học làm người tử tế, sau đó đưa vào chùa tu. Ai đem con cháu tới gởi, bà Tư nhận hết. Bà nói đó là nghiệp của bà.

Thủ tục nhận nuôi vong đơn giản. Bà không yêu cầu hay vòi vĩnh gì, món bắt buộc phải có là bông hoa, trái cây, nhang đèn đủ bộ. Tuỳ hoàn cảnh từng nhà và tình thương gia chủ dành cho đứa nhỏ đã mất nhiều hay ít mà đến cúng viếng. Có người đến gởi lần đầu rồi không thấy trở lại. Họ bỏ đi biệt tăm biệt tích, coi như xong cái nhân duyên ngắn ngủi.

Nhà Hai Màng gần nhà bà Tư. Nói gần là vậy, nhưng người đầu xóm, người cuối xóm. Biết mặt nhau nhưng chưa lần nói chuyện. Hai Màng không tin lắm chuyện bắt vong. Lúc thằng Hải con Hai Màng đuối nước chết, Hai Màng đau buồn thương con bỏ ăn mất ngủ, gầy rạc như thây ma.

Tình cờ gặp nhau, bà Cốc kêu: “Con bây nó thương bây, đeo bám hoài đi không đặng nên bây mới bị hành dữ vậy, ghé nhà tao giúp cho”. Bán tín bán nghi, nhưng nghĩ thương mình thương con, Hai Màng mua bông hoa trái cây nhang đèn đủ lễ tìm đến nhà bà Tư.

Vậy là mỗi năm vài bận, Hai Màng ghé nhà bà Tư gởi tiền nhờ mua đồ cúng cho thằng Hải. Hồi rằm tháng bảy năm ngoái, Hai Màng đi chợ sớm, thấy đồ hàng mã làm đẹp như thật nên mua mấy bộ quần áo học sinh, giày dép đủ kiểu và nhiều thứ khác đem đến thì bà Tư thở dài: “Thằng nhỏ nay lớn bộn rồi, bây mua đồ nhỏ xíu sao nó mặc vừa”. Hai Màng chắc lưỡi than: “Con có thấy được thằng nhỏ mập ốm cao thấp ra sao mà mua trừ hao”. Kể từ đó Hai Màng gởi tiền bà Tư mua cho chắc.

Hai Màng mồ côi cha từ nhỏ. Nghỉ học sớm ở nhà phụ má luông tà, đơm nút áo bà ba cho tiệm may xóm trên. Bà chủ tiệm thấy Hai Màng xinh gái, khéo tay, cưới về làm dâu. Rồi truyền nghề và giao luôn cái tiệm. Hai Màng không có số làm bà chủ, tiệm may ngày càng ế ẩm. Nói cho ngay, hồi xưa cả xóm chỉ có mỗi tiệm may nhà Hai Màng, đàn bà con gái ở quê thích mặc áo bà ba truyền thống.

Giờ đi mấy bước có cái tiệm, quần áo may kiểu tân thời, già trẻ gì cũng thích. Còn Hai Màng có một công thức may hoài nên lỗi thời. Tiệm của Hai Màng giờ may lai rai, sửa quần áo cũ đắp đổi qua ngày. Tiệm chủ yếu may cho mấy ông già bà cả, mà ông già bà cả xóm này lần lượt theo ông theo bà sắp hết.

Chồng Hai Màng không đồng tình chuyện gởi tiền mua đồ cúng vong. Không phải sợ tốn tiền, tính ra cũng không đáng bao nhiêu, nhưng thấy nó không thật. Làm gì có chuyện người trần mà giao du với người âm tối ngày sáng đêm. Muốn là gặp, thích là đi. Nghe Hai Màng nói ngày mai muốn qua bà Tư gởi tiền sắm đồ cho thằng Hải, chồng Hai Màng ghẹo: “Qua đó nói bà Cốc cho tui gặp nó hỏi thăm chút được hông?”. Hai Màng xụ mặt nạt ngang: “Không tin thì thôi, nói bậy trúng giờ linh, vong nhập thấy bà đó nhen…”.

Hai Màng về từ lâu mà bà Tư vẫn còn ngồi thần thừ ở đó. Bà nghe trong mình không khoẻ. Hàng tơ lơ thơ trước nhà hôm qua mưa lớn ngả nghiêng ngả ngửa. Nhìn buồn. Cái giống cây gì mà lả lướt yếu đuối. Vậy mà bà thích, bà thấy nó có hồn. Bà cố gầy giống chiết ra trồng tùm lum chỗ.

Không biết bà trồng vậy để vong dễ về hay không thì bà không nói, mọi người chỉ đoán vậy thôi. Mà đoán già đoán non chi cho mệt, thế giới của bà thì bà biết. Bà Tư chậm rãi đốt nắm nhang đi cắm từng cái bàn thờ cho ấm. Đến cái bàn thờ nhỏ trong góc, bà rưng rưng gom mớ tàn nhang lại cho sạch. Cắm cây nhang còn lại vô lư hương, bà lẩm bẩm: “Chắc mình sắp gặp đứa nhỏ này, nên mấy nay nằm ngủ, sao cứ thấy chuyện hồi xưa”.

Hồi xưa. Cái hồi mà Tư Mịn với Xum là bạn học. Lớn lên xíu thì thương nhau. Cái xóm nhỏ có mấy nóc nhà quanh đi quẩn lại đều là bà con. Tư Mịn với Xum bà con đầu ông sơ ông sờ từ đời tám hoánh. Tư Mịn giấu mọi người chuyện quen Xum vì cả hai còn quá nhỏ, sợ bị rầy. Nghĩ cũng mắc cười. Mọi chuyện bắt đầu từ cái vụ ngứa chỗ gãi không tới.

Lần đầu hai đứa chính thức hẹn hò là cây rơm cạnh chuồng bò nhà Xum. Đụn rơm khô bốc mùi ngai ngái. Hồi mới đầu dựa lưng vô Tư Mịn ngứa ngái, gãi xể mình xể mẩy. Nằm riết quen nghe êm ái cái bắt ghiền. Cứ hai ba ngày Tư Mịn không ghé lưng vô đụn rơm là về bứt rứt không ngủ được.

Tối đó, Tư Mịn với Xum nằm ngó sao kể chuyện trên trời dưới đất. Rắn mắc cá với nhau đếm số thứ tự coi con bò cái nhà Xum đái tới số mấy là dứt. Lần nào Tư Mịn cũng thua. Rồi Mịn ngứa lưng. Mịn đưa tay xuống rồi vòng tay lên, bẻ cái cùi chỏ lận ngược mà gãi cũng không tới. Xum phát tức cười: “Ngứa chỗ nào, đưa đây tui gãi cho”. Bàn tay nóng ấm của Xum đánh thức dậy thì của đứa gái quê còi cọc. Hai đứa nhìn nhau lạ lẫm. Xum nói với Mịn:

- Tự dưng tui muốn ôm bà quá!

- Thì ông ôm đi.

Cái ôm đi đó của Xum nuôi tình yêu của hai đứa ngày càng thêm lớn.

Đêm chia tay Xum về Sài Gòn đi học. Tư Mịn nghe Xum hứa hẹn đủ điều, thề thốt bạt mạng: “Bà biết rồi đó, tui thương bà dữ lắm, ráng chờ tui học xong về mình cưới nhau hen… Cho tui đi, tui kiềm không nổi nữa. Trước sau gì bà cũng làm vợ tui thôi hà… Tui nói thiệt! Tui thề. Láo Bà bắn!”. Tư Mịn tin. Rồi Tư Mịn để cho Xum thương mình. Đêm đó, có ánh trăng, có đụn rơm và con bò làm chứng.

Hồi nghi mình có bầu, Tư Mịn sợ tới phát bịnh rồi nghĩ mình sẽ chết. Con gái không chồng có chửa, sống gì nổi ở xứ này. Tư Mịn cuống quýt nhắn Xum về. Ngày hai bữa, Tư Mịn giả đò đi công chuyện tạt ngang nhà coi Xum về tới chưa. Chờ đợi thiệt là mỏi mòn.

Cuối cùng thì Xum cũng về. Tắm nước Sài Gòn, Xum trắng trẻo đẹp trai ra dáng người thành phố. Xum nói Xum nhớ nhà, nhớ Mịn, nhớ con bò, nhớ đủ thứ. Lúc nghe Tư Mịn nói có bầu, Xum bủn rủn tay chân: “Chắc chưa đó, bà đừng làm tui sợ nhen”. Tư Mịn hờn, ngồi nín thinh không trả lời. Xum lạc giọng: “Gì kỳ vậy, mới có một lần”. Lời vừa thốt ra, Xum biết mình nói bậy.

Ngồi dựa lưng vào cây rơm bò ăn hết phân nửa, Tư Mịn nghe lòng trống trải. Trăng hôm nay cũng buồn hay sao mà nép dưới đám mây không chịu ló mặt ra. Xum cố nén tiếng thở dài, vì Xum biết tiếng thở dài lúc này có thể làm tổn thương ai đó. Xum giận mình có ăn có học, biết hết trơn mà ẩu tả. Tư Mịn cũng giận mình con gái mà không biết e thẹn giữ gìn, giờ mới ra nông nỗi. Thấy Xum nín thinh hoài, Tư Mịn dè dặt:

- Hay là tui lên Sài Gòn với Xum luôn nhen.

- Lên rồi ở đâu, làm gì sống? Ý này không được đâu.

- Hổng đi Sài Gòn, vài bữa nữa cái bụng tui bự ra, ba má tui cạo đầu tui đó. Tư Mịn oà khóc.

Xum bối rối vỗ về Tư Mịn, vỗ về luôn mình. Tư Mịn nín khóc, cố nhớ ra bạn bè, bà con dòng họ nào có mối thâm tình đủ tình thương để chứa chấp cái nông nổi của riêng hai đứa. Xum hắng giọng: “Tui nghĩ kỹ rồi, tui học còn lâu dài lắm. Tui là lo tương lai cho hai đứa mình.

Lúc này mà… một mình bà chống chọi không nổi đâu, hay là mình...”, Xum nín ngang không dám nói hết câu. Tư Mịn hoảng hốt: “Ý ông là…?”.  Xum gật đầu. Tư Mịn nghe có ai đó đấm một cái thụi vô lồng ngực. Nhìn Xum, Tư Mịn biết là không trông mong được gì. Giờ thì Tư Mịn hiểu tại sao có người chết vì tình.

Tư Mịn ra sau nhà ngó đám rau răm vượt ngọn xanh um rồi ứa nước mắt. Chén nước rau răm thứ ba xanh lè đặc kẹo hơn hai chén trước làm Tư Mịn rùng mình. Tư Mịn thề từ đây tới chết không ăn thứ rau cay nồng ác độc này nữa.

Đầu hôm, Tư Mịn đau dữ dội như có ai cầm chày vồ nện liên tu vào bụng, vào lưng. Tư Mịn muốn rên một tiếng cho hả mà sợ má nằm bên chái nhà nghe được, người già tỉnh ngủ lắm. Sau này nhớ lại, không biết bằng cách nào Tư Mịn lết ra được tới đụn rơm. Trong đêm, Tư Mịn nghe dòng máu ấm đang loang dần giữa hai đùi. Tư Mịn hức lên một tiếng: “Con ơi!”.

 Trong mơ màng, Tư Mịn nghe tiếng Xum đếm một, hai, ba, bốn, khi nghe tiếng nước chảy tỏn tỏn của con bò nhà Xum bắt đầu đái. Tư Mịn nghiến răng đếm theo năm, sáu, bảy, tám… Con bò đái dứt từ lâu mà Tư Mịn vẫn còn đếm số. Đếm tới mấy trăm rồi mà cơn đau vẫn chưa tan.

Trời ơi! Học ít quá giờ đếm số thứ tự lộn tới lộn lui, chắc phải đếm lại từ đầu. Tư Mịn nhớ lời Xum: “Tui học là lo tương lai cho hai đứa mình, một mình bà chống chọi không được đâu”. Tư Mịn chua chát: “Được hết! Tui chịu được hết. Không chịu thì biết phải làm sao”. Nhớ lời thề của Xum, Tư Mịn cười đau. Nếu Phật Bà linh, thì giờ này có người bị ăn đạn chết rồi. Mà Phật Bà làm gì có súng. Vậy mà cũng tin. Mắc cười!

Gà gáy canh ba. Nhà ai bắt vọng cổ sớm. Tiếng hát não nề của ca sĩ Bạch Tuyết văng vẳng: “Đàn ông đi biển có đôi, đàn bà đi biển mồ côi một mình…”. Tư Mịn khóc. Nước mắt tủi hờn, len lén nhỏ giọt theo chân Tư Mịn rời đụn rơm về tới nhà.

Từ nhà Hai Màng đến nhà bà Tư có mấy bước chân. Mỗi khi nhớ con, Hai Màng lại tới. Hai người đàn bà có cùng nỗi đau mất con, dù nín thinh không nói gì, chỉ cần nhìn nhau là hiểu. Bà Tư nhắm nghiền mắt. Bàn tay nhăn nheo đẩy cục thuốc xỉa bờm xờm che muốn hết cái miệng dính cốt trầu đỏ chét.

Bà Tư thủng thỉnh nói: “Sắp tới rằm tháng bảy rồi. Ngày xá tội vong nhân. Lần này bây khỏi đưa tiền tao mua đồ”. Hai Màng nhìn bà Tư ngạc nhiên dò hỏi. Bà Tư chép miệng: Tao cúng lớn lần cuối rồi dẹp. Tao cũng sắp theo ông theo bà rồi. Sắp nhỏ muốn dỡ bỏ cái nhà này, cất tiệm mua bán gì đó kiếm thêm.

Vậy cũng phải. Bây cũng quên hết chuyện đứa nhỏ kia đi, đừng đến đây nữa. Về lo mần ăn, lo cho mấy đứa ở nhà, biết đâu thằng nhỏ lộn ngược trở lên làm con bây mà bây không biết. Hai Màng ớ lên một tiếng thảng thốt.

Bà Tư chậm rãi đứng lên tiễn khách. Hai Màng nấn ná ý không muốn về. Bà Tư nói với Hai Màng, và tự nói với mình: “Do mình tưởng thôi. Có nhớ có thương thì cất giữ trong lòng. Quan trọng là người còn sống”. Nhìn theo dáng Hai Màng tất tưởi, mấy bụi tơ thiếu phân vàng lá ngả nghiêng ngả ngửa, bà Tư thở dài. Đời sao buồn quá!

H.N

Tin cùng chuyên mục