Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bến Củi xưa - nay
Thứ tư: 13:18 ngày 25/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sách (đã dẫn) viết rằng: “địa danh Bến Củi… xuất xứ trong giai đoạn thực dân Pháp cai trị và lập đồn điền tại vùng đất này, người dân lập ra nhiều bến cặp sông Sài Gòn để dùng ghe thuyền chở củi buôn bán các nơi và tên Bến Củi được dân gian gọi từ đó…”.

Khu nhà ở của người Pháp ở đồn điền cao su Bến Củi 1930. Ảnh tư liệu

“Trước ngày quê hương hoàn toàn giải phóng đến năm 1984, Bến Củi được chia thành 3 làng: làng 1 nơi cư ngụ chủ yếu của dân địa phương, làng 2 và làng 3 là địa bàn sinh sống của dân công-tra. Năm 1984, xã tiếp nhận thêm một bộ phận dân cư từ xã Lộc Ninh (bàn giao dân để thực hiện xây dựng công trình thuỷ lợi hồ nước Dầu Tiếng) đến lập nghiệp và lập thêm ấp 4…” (theo Sách Truyền thống cách mạng xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu (1945-1975), Ðảng bộ huyện Dương Minh Châu xuất bản năm 2017).

Bây giờ, làng đã “lên” ấp cả rồi! Nhưng nhiều người quê gốc Bến Củi khi kể về quê mình vẫn thuận miệng mà kêu tên những làng 1, làng 2… Dường như cách gọi làng này khá xa với chữ làng, xã trong các sách Từ điển hành chính. Ðấy là cách gọi dựa theo cách phân chia những đồn điền cao su có từ thời mồ ma giặc Pháp. Như bên Dầu Tiếng, cách Bến Củi một dòng sông Sài Gòn thì có hẳn tới mấy chục làng.

Nói về Bến Củi, nhiều người biết đến làng 2, làng 3 nay đã là trung tâm xã. Mỗi làng này đều có một đền thờ Ðức thánh Trần, mà người dân bản địa thường gọi trang trọng là đình Thần. Ðền thờ do các phu cao su được mộ từ miền Bắc, miền Trung vào từ thập niên 20 của thế kỷ 20. Ngay trung tâm xã ngày nay còn có ngôi chùa Phật là chùa Linh Quang cũng đang được “lên tầng” trong cuộc tôn tạo trùng tu năm 2019. Người dân đến chùa Phật thì quanh năm, còn người tín ngưỡng Ðức thánh thường về đền thờ vào những lễ trọng, vào các ngày rằm tháng giêng, tháng bảy - nhất là vào dịp giỗ Ðức thánh Trần ngày 20.8 (âm lịch hằng năm).

Ði qua ấp 2, ấp 3 Bến Củi ngày nay vẫn còn thấy những lô cao su thẳng tắp, trải dài hai bên đường đến hút tầm mắt. Qua phố trung tâm, còn có nhà máy chế biến mủ cao su, những trường học, trạm y tế khang trang. Trên đường qua ấp 2 ra đường 789 còn có cả một Trung tâm Văn hoá - Thể thao và học tập cộng đồng với cả sân bóng đá rộng thênh thang… Nhưng Bến Củi vẫn còn một gương mặt khác tươi mới, xanh rờn, nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông. Dường như nhiều người còn chưa tới Bến Củi phía sông Sài Gòn, nay thuộc về ấp 1.

Nhà máy chế biến cao su của Pháp ở Bến Củi 1930. Ảnh tư liệu

Vâng! Ðây chính là sông Ðục (Ðục Giang) trong đoạn văn sau đây, trích từ sách Ðại Nam Thực lục: “Bên tả có sông nhỏ ăn thông với sông Quang Hoá (rạch Tây Ninh- TV); bên hữu có con đường bộ ăn thông đến sông Ðục (thuộc thủ sở Quang Phong, giáp với hạt Biên Hoà) hình thế khá đẹp. Bọn Giảng bèn dâng sớ xin đặt phủ lỵ ở đó, rồi tuỳ địa thế liên lạc nên chia hai huyện lệ thuộc vào. Lại đặt một đồn bảo ở bến sông Ðục để làm thế ỷ giốc với thành Quang Hoá, trong có thể làm phên giậu giữ vững cho Gia- Ðịnh…”.

Ðấy là đoạn mô tả nguyên do dẫn đến việc lập phủ Tây Ninh vào mùa thu năm 1836. Hình thế đất đai được mô tả, xưa gọi là đồn Xỉ Khê, nay là TP. Tây Ninh. Chữ Giảng ở trên là chỉ quan Ðại thần Trương Minh Giảng cùng với Ðại thần Trương Ðăng Quế dẫn đầu đoàn kinh lý đất Nam kỳ từ mùa xuân 1836. Ðể rồi tháng 7 mùa thu năm ấy, vua Minh Mạng ban chỉ dụ rằng: “Ðặt phủ Tây Ninh kiêm lý huyện Tân Ninh. Nhân cái đồn bảo cũ, chữa cao rộng thêm để làm phủ thành. Ðổi sông Ðục là sông Thanh Lưu, cho lệ thuộc vào huyện Tân Ninh…”.

Sau chỉ dụ ấy, sông Ðục đã mang tên Thanh Lưu- một dòng xanh. Ðể rồi những thế kỷ tiếp theo là những cuộc kháng chiến chống xâm lăng khi ba tỉnh miền Ðông đã vào tay giặc Pháp. Cái tên đẹp đẽ ấy cũng bị trôi vào quên lãng. Ngay cả cái đồn bảo Thanh Lưu được xây dựng trên đất xã Ðôn Thuận cận kề Bến Củi ấy cũng đã hoàn toàn biến mất sau những năm bom đạn đầy trời của giặc Mỹ trên vùng Tam giác sắt.

Nhưng dòng sông ấy vẫn còn đây, dù đã mang tên khác: Sài Gòn. Sông ngoằn nghèo, gấp khúc chảy qua Bến Củi với chiều dài gần 20 km. Nước đã không còn leo lẻo xanh trong mà sóng sánh một màu vàng đất của phù sa. Qua Bến Củi, sông chỉ còn rộng chừng 50 - 70m. Có chỗ cả hai bên, Bến Củi bên này và Dầu Tiếng bên kia đều sừng sững bức "tường thành" cao su xanh ngắt. Nhưng vẫn nhiều chỗ còn hoang hoải đôi bờ lùm bụi.

Nếu bờ bên Dầu Tiếng đã thấy thấp thoáng cửa nhà chen ra phía bờ sông, thì ở bên Bến Củi vẫn chỉ là rừng cao su dằng dặc nối dài. Theo con đường từ Bến Củi đi sang Dầu Tiếng, tới gần cầu mới thấy vài ba công trình nhà nuôi chim kêu ríu rít. Qua cầu, chiếc cổng chào của “huyện Dầu Tiếng kính chào quý khách” với hậu cảnh là cái tháp nước cũ xưa hiện ra. Ngoài bến sông vẫn còn chiếc cầu tàu bê tông cốt thép đã đen đúa màu kỷ niệm.

Bên này, Bến Củi vẫn chỉ ngời xanh một sắc biếc rừng chồi, rừng tre xen với cao su. Sông Sài Gòn đoạn có cầu dường như hẹp lại, như muốn kéo gần hơn Dầu Tiếng vào Bến Củi. Dưới sông vẫn chộn rộn ghe tàu, với cả một ca-nô cảnh sát đường sông đang rẽ sóng tuần tra. Chắc là ban đêm vẫn có tàu ghe hút trộm cát trên sông, nên bờ phía Bến Củi có đoạn nứt, lõm thành khe chạy dọc báo hiệu bờ sông sạt lở…

Sách (đã dẫn) viết rằng: “địa danh Bến Củi… xuất xứ trong giai đoạn thực dân Pháp cai trị và lập đồn điền tại vùng đất này, người dân lập ra nhiều bến cặp sông Sài Gòn để dùng ghe thuyền chở củi buôn bán các nơi và tên Bến Củi được dân gian gọi từ đó…”.

Một thợ cạo mủ cao su kỳ cựu của ấp 1 cho rằng cái bến sông lớn nhất, tấp nập nhất thời xưa do ông bà kể lại là ở bến Trâu, còn gọi bến Dinh (Vinh). Ðây mới chính là vùng Bến Củi ngày xưa. Quả nhiên, sông tới đoạn này bỗng lõm vào như một con vịnh nhỏ. Bến sông rộng thênh thang nay chỉ có đậu một con xuồng gỗ nhỏ chèo tay. Trên bến nước còn một triền cỏ rộng thoải dần về mép nước Anh thợ bảo: - Gọi Bến Trâu vì đã có thời đàn trâu về đầm bùn nước mỗi ngày. Xa xôi hơn nữa thì bến có tên gọi là Dinh (hoặc Vinh). 

Ở đây nào có dinh thự nào đâu! Vậy chỉ có thể lý giải rằng Dinh là tiếng gọi chệch ra từ Vinh. Theo cách lý giải của ông Nguyễn Ngọc An trong sách Tiểu sử làng An Tịnh, rằng cái tên: “ấp Vùng Vinh. Thuở trước chốn này còn rừng già rậm rạp, một loại thú rừng có sừng to là con Vinh gặp mùa hạn khô thường đến tắm và lăn bùn trong một vũng nước lớn phía trước đình thần bây giờ…”. Theo cách lý giải ấy, cùng địa thế bến Trâu hiện nay thì rất có thể là bầy thú rừng tên gọi là Vinh ấy đã từng có ở nơi đây, tắm và lăn bùn trên bến sông mà sau này đã thành tên Bến Củi.

Sông qua bến vẫn tràn trề tuôn chảy, dù đã làm nên một sự nghiệp vinh quang là tích nước cho lòng hồ lớn nhất miền Nam. Gió luồn qua những tán lá cao su vẫn thì thầm câu chuyện chưa xa về miền đất Bến Củi anh hùng, cửa ngõ chiến khu Dương Minh Châu thời kháng chiến.

TRẦN VŨ

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục