Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ði giữa màu xanh miên man của các làng ấp cao su hôm nay, hay đứng trước dòng sông Sài Gòn lộng gió dằng dặc đôi bờ cây lá, thật khó mà hình dung ra Bến Củi một thời trải qua 2 cuộc kháng chiến cực kỳ gian khó và ác liệt. Bởi vì Bến Củi cùng với Lộc Ninh, Truông Mít có thể coi là vành đai, là tiền đồn của chiến khu Dương Minh Châu lừng lẫy.
Sông Sài Gòn, giữa Bến Củi và Dầu Tiếng.
Sách Truyền thống Cách mạng xã Bến Củi (1945-1975) có đoạn kể tóm tắt rằng: “Trong hai cuộc kháng chiến, Bến Củi chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, là vùng đệm quan trọng giữa căn cứ địa cách mạng của Trung ương Cục và Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh; là hành lang tiếp giáp giữa căn cứ Bắc Tây Ninh với vùng tam giác sắt (Bến Cát - Củ Chi - Trảng Bàng).
Ðồng thời nơi đây còn là hành lang vận chuyển vũ khí, tiền, vàng, lương thực thực phẩm về Trung ương Cục và cho chiến trường Sài Gòn - Gia Ðịnh. Cho nên, Bến Củi là vùng tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch…Vì có địa thế hết sức quan trọng, nên từ năm 1963, Tỉnh uỷ Tây Ninh đã quyết định chuyển địa bàn Bến Củi do Tỉnh uỷ trực tiếp quản lý và chỉ đạo…” (trang 96).
Lịch sử đã có sự trùng lặp rồi đây! Khi triều Nguyễn thiết lập phủ Tây Ninh đã đặt vùng đất này lệ thuộc huyện Tân Ninh, do phủ Tây Ninh kiêm lý vào năm 1836. Ðến năm 1963, chính quyền cách mạng lại đặt Bến Củi vào vị thế do Tỉnh uỷ quản lý. Nếu năm 1836, làng Ðôn Thuận còn bao trùm cả Bến Củi, được chọn là nơi đặt đồn bảo Thanh Lưu: “làm thành thế ỷ giốc cho thành Quang Hoá”, để phủ Tây Ninh trở thành “làm phên giậu giữ vững cho Gia Ðịnh” (Tổ chức Hành chính Tây Ninh 1836-1970- Nguyễn Ðình Ðầu, Tạp chí Xưa Nay số 96, 2001); thì 127 năm sau, chính quyền cách mạng Tây Ninh cũng nhận thức rõ Bến Củi là địa bàn chiến lược trong các cuộc kháng chiến chống xâm lăng.
Những năm 1920, khi các chủ người Pháp lập những đồn điền cao su đầu tiên ở đất này, cùng với việc mộ phu miền Bắc, miền Trung với chế độ cực kỳ hà khắc thì cũng đồng thời gieo mầm cho lớp công nhân đầu tiên của giai cấp công nhân Tây Ninh. Ðể rồi tới: “tháng 4.1946…được Tỉnh uỷ đồng ý, đồng chí Nguyễn Gia Ðằng đã xây dựng 2 tổ chức công đoàn cơ sở đầu tiên ở Tây Ninh… tại Bình Linh và Bến Củi…”. Và trước đó, cũng đã có một hình ảnh đẹp tuyệt vời về ngày Cách mạng tháng Tám ở Tây Ninh trên những vùng rừng mải miết cao su: “Công nhân cao su Bến Củi tay dao tay gậy kéo đến trụ sở đồn điền biểu tình thị uy, các chủ đồn điền khiếp sợ bỏ chạy về Sài Gòn… Toàn bộ đồn điền cao su thuộc về tay nhân dân…”.
Kể từ đây, công nhân Bến Củi đã một lòng theo Ðảng. Không chỉ đấu tranh chống áp bức bóc lột của các chủ đồn điền, mà còn tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm: “Tổng kết 2 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân xã Bến Củi kết hợp chủ lực Quân giải phóng liên tục tổ chức đánh địch với trên 500 trận đánh lớn nhỏ, đã tiêu diệt hàng ngàn tên địch, tiêu huỷ và phá hỏng trên 220 xe quân sự của Mỹ nguỵ. Trong đó diệt và tiêu huỷ 120 xe tăng M113, 4 xe M118, 5 xe GMC và 1 xe Jeep. Ðặc biệt, quân và dân xã Bến Củi đã anh dũng nổi dậy tiến công địch giải phóng đồn điền cao su Bến Củi lần thứ I vào ngày 25.10.1965 và giải phóng quê hương vào ngày 13.3.1975…”.
Ðấy là còn chưa kể tới những chiến công của một thời “Miền Ðông gian lao mà anh dũng” thời chống Pháp. Du kích Bến Củi từng phối hợp Trung đoàn 311 bắn chìm tàu giặc trên sông Sài Gòn vào tháng 11.1949. Hay tháng 11.1952: “Lực lượng vũ trang công nhân Bến Củi xã Ðịnh Thành phục kích…đốt cháy 10 xe, đánh thiệt hại nặng một đại đội lính Lê Dương…”.
Trận này đã góp phần bảo vệ Xứ uỷ Nam bộ trước cuộc càn lớn của 20 tiểu đoàn viễn chinh đánh vào căn cứ Dương Minh Châu. Giống như trận chống càn Junction City khét tiếng 15 năm sau: “Ngày 15.2.1967, lực lượng vũ trang cao su và đội thiếu niên chiến đấu gài mìn đón đánh Trung đoàn thiết giáp Mỹ khi chúng vượt sông Sài Gòn tập kết về Bến Củi chuẩn bị cho chiến dịch hành quân càn quét. Trong trận này, ta tiêu diệt 8 xe tăng M113…”.
Xem cuốn sách Truyền thống cách mạng xã Bến Củi này, còn rất nhiều chiến công vẻ vang như thế trong những thời điểm rất quyết định của cuộc chiến tranh giải phóng. Những tên người gắn liền với chiến công tiếp tục vang lên, là những: “Ðồng chí Ba Tiến, Chín Ðịnh, Tư Cầm, Ba Ðang, Ba Hoà hay Hai Lưu, Ba Tòng, Tam Hiệp, Tam Liệt, Tư Ốm…”. Sau 30.4.1975, nhiều người trong số họ là những cán bộ giữ trọng trách ở Tây Ninh.
Còn chưa rõ vì lý do gì mà trong sách lại không có tấm ảnh nào về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Bến Củi. Vì sự ác liệt quá hay chăng? Khi miền đất này lại ở cận kề vùng tam giác sắt, với ba đỉnh là Bến Cát, Trảng Bàng và Củ Chi đất thép. Và ngay cả Bến Củi, cũng từng bị đạn bom và xe tăng phi pháo địch chà đi xát lại nhiều lần để hòng biến nơi đây thành một “vành đai trắng”.
Vậy mà, may sao vẫn có hai tấm ảnh do cựu chiến binh Mỹ cung cấp, in tại trang 104. Không ghi rõ thời điểm, ảnh chỉ được ghi chú là chụp tại vùng Bến Củi này thôi. Một tấm chụp đoàn xe bọc thép M113 đang tiến trong rừng cao su. Lô cao su hồi ấy như rộng hơn và cây thì rất lớn, chẻ ra nhiều thân nhánh cong queo khắc khổ. Vài cựu chiến binh Bến Củi còn nhớ, vào những năm Mỹ mở các cuộc càn của chiến dịch mùa khô các năm 1966 đến 1970, xe tăng Mỹ còn quây lại thành những cụm chốt trong rừng.
Từ đấy, xe tăng có thể tiến ra bất thần truy quét Quân giải phóng. Gặp cây cao su lớn chặn đường, xe tăng chúc nòng bắn vào gốc cho cây gãy đổ để lấy đường tiến tới. Lợi hại như vậy nhưng chúng cũng không thể đạt mục tiêu gì tại vùng quê dân dã hiền lành mang tên Bến Củi. Kể cả trong những cuộc hành quân như Hòn Ðá Vàng tháng 12.1967, địch chỉ nhằm chiếm trọn vùng quê Bến Củi, chặn đứng hành lang nối chiến khu Dương Minh Châu về tới Sài Gòn.
Tấm ảnh thứ hai chính là ghi lại cảnh tháo chạy của quân Mỹ. Ðấy là trên một vùng đất chúng đã “khai quang” huỷ diệt, máy bay trực thăng Mỹ hạ xuống để giải cứu những tên lính đang khom lưng, khiêng cáng thương binh chạy tới.
Ngày nay đã không thể nhận ra đấy là ở vùng nào của Bến Củi: ấp 1 ven bờ sông, hay ấp 2, ấp 3 dằng dặc những cao su. Cây cao su hôm nay cũng không còn khắc khổ như xưa, chúng cứ đều đặn mọc thẳng tắp, mỡ màng vươn cao trong những vườn rừng hoặc bên bờ sông vắng. Vậy mà kỳ lạ thay, con đường mòn từ vườn cao su ra bến Củi, hay bến Trâu, bến Vinh theo các tên gọi ngày xưa vẫn phải luồn qua một bụi le. Cả những bụi hoa dại nở bừng màu tươi đỏ. Qua bao cuộc chiến rồi, cái bến sông thơ mộng đã trở nên hoang vắng này vẫn còn thơ thới như xưa.
TRẦN VŨ