Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bên kia nỗi nhớ
Thứ bảy: 04:10 ngày 17/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bước xuống khỏi chuyến xe đường dài mát rượi thì cái nắng thốc vào mặt, vào cổ, vào tay tôi ran rát. Bốn giờ chiều mà nắng còn gay gắt quá, như vậy là báo hiệu chập tối sẽ mưa to đấy!

Đầu đường Thiên Thọ Lộ bây giờ không nhiều xe ôm như mấy năm trước để mỗi khi có chuyến xe ngừng lại là lao xao âm thanh “áo xanh của tui, áo đỏ của tui, tui xí áo bông”... Mà tôi cũng đâu cần xe ôm chứ, thằng con đã hứa chở về rồi mà. Chỉ 4km từ đầu đường đến khu vực Uỷ ban xã Trường Đông mà xe ôm kêu giá bốn chục ngàn cũng “rát” lắm.

Vậy mà gọi hai cuộc nó không nghe máy, rồi cu cậu gọi lại: “Con bận công việc rồi, mẹ đi xe ôm về nhé, kệ, bốn chục cũng được, tạo niềm vui cho mấy chú vậy”.

Nói rồi cúp máy không cho trả lời. Ừ thì xe ôm chứ biết làm sao.

Anh chủ quán cà phê thấy khách đi tới đi lui với cái a lô gọi đi gọi lại nên tài lanh la lên: “Chú Năm Xị, khách xe ôm kìa!”.

Ông chú có biệt danh “Năm Xị” già xọm, mái tóc rắc muối nhiều hơn tiêu đang xì xụp bên chai nước ngọt màu vàng nhìn lên khi tôi đứng gần ra vẻ gọi xe ôm.

- Xe ôm hả cô? Ngã tư uỷ ban hả? Cho tui ba chục nhen!

Tôi gật đầu, bảo ông cứ uống hết ly nước rồi đi. Ông cười xoà: “Ngồi đây cả ngày, uống lúc nào chả được, chở khách mới quan trọng”.

Ông bước về phía cái xe cần câu cơm. Nó là chiếc xe Wave cũ xì, trành bầm quá, đến nỗi tôi cho rằng chỉ tại nó còn nổ máy nên ông chủ nó mới dùng, chứ không cũng bán ve chai rồi.

Ông xe ôm trao tôi chiếc nón bảo hiểm cũng trành bầm như chiếc xe, từ nó toát lên mùi của vạn mùi lề đường gió bụi. Ngại ngần không muốn chụp chiếc nón lên đầu, ông xe ôm hối: “Đội giùm đi cô, không thì tui bị phạt trăm rưỡi đó. Thiệt, chưa có tiền mua nón mới”.

Trong tiếng gió vù vù của cung đường 4km, chả lẽ im thin thít nên tôi bắt chuyện về tuổi tác, nhà cửa, gia cảnh ông xe ôm. Ông cũng rất vui khi có người quan tâm hỏi thăm nên không ngại trả lời:

- Lấy lề đường làm nhà thôi cô, từ 5 giờ sáng tới 10 giờ đêm ở ngã ba Thiên Thọ Lộ mà. Còn cái chỗ nằm ngủ qua đêm thì cách đó trăm mét. Nhà tình thương thôi cô, nhưng cũng có chỗ chui ra chui vào, không nồi ơ bếp núc gì hết, vì cơm hàng cháo chợ mà.

- Chú già rồi, sao dám ở một mình hay vậy?

- Chứ có ma cỏ gì ăn mà hông dám? Cái số một mình thì chịu một mình chứ sao cô? Nhưng không sao, Nhà nước mới cho cái bảo hiểm y tế hạn năm năm, chắc lúc bệnh đau hay “ngủm củ tỏi” cũng đỡ con cái lắm.

- Con chú ở xa hay gần? Trai hay gái?

- Hai gái hết, lấy chồng về Long Hoa, mỗi tháng đứa cho một triệu nên cũng đỡ.

- Rồi sao chú có biệt danh Năm Xị ghê vậy?

- Ôi… hồi trẻ ấy mà… khùng khùng điên điên rồi “chết danh” luôn.

*   *   *

Năm Xị loạng choạng đi vào nhà, chân trái vướng cái thau chó ăn liền giậm bẹp một phát nát nghiến. Chân phải vướng chiếc giày búp bê của con gái, thế là chiếc giày đó được bay ra cái ao trước sân nằm yên nghỉ mãi mãi.

Vợ Năm Xị đi bán cá chưa về, hai con gái thì đi học nên căn nhà đông người cũng thành trống huơ trống hoác. Nằm xuống chiếc võng tại hàng ba, Năm Xị tha hồ “cho chó ăn chè” để căn nhà nhỏ bốc lên cái thứ mùi của độ rượu buổi sáng. Rồi hắn mệt quá, ngủ bất biết, quên cả việc bắc nồi cơm trưa cho gia đình.

Đến khi mùi cá kho, mùi rau muống luộc bay lên thơm lựng căn nhà thì Năm Xị mới tỉnh dậy. Ủa, cái đống “chè” hắn thải ra hồi nãy đâu mất tiêu rồi cà? Nhà có hai con chó nhỏ trong tuổi gặm nhấm, chắc không làm sao chúng ăn hết mớ “chè” ấy?

Bé Ni và bé Na, đứa kéo chân đứa kéo tay gọi hắn: “Ba ơi dậy rửa mặt ăn cơm, mẹ về rồi, nấu cơm rồi ngon lắm”. “Hôm nay mẹ bán cá được nhiều tiền lắm, còn mua cho tụi con hai cái áo đầm màu hồng, hai cái cài tóc cũng màu hồng”.

Hắn ôm chầm lấy hai báu vật, lòng dậy lên cảm giác có lỗi với vợ con. Chồng gì mà nằm đây ngủ còn vợ phải tảo tần như thế? Nhưng rồi ý nghĩ ấy chỉ vụt qua trong đầu thôi, bởi ban đêm vợ hắn ở nhà ngủ, còn hắn đi soi cá, lưới cá. Thì sáng ra cô ấy đi bán, mình ở nhà ngủ hoặc nhậu là quyền của mình chứ!

Vợ hắn chẳng nói gì sau những lời líu lo của con trẻ, chị chỉ lẳng lặng bưng mâm cơm đặt lên chiếc giường tre, cũng là chỗ ngủ duy nhất của gia đình.

Rồi chị ra khu vực bếp, xúc thêm mớ tro lên rắc xuống nơi chiếc võng chồng nằm ói ban nãy. Những con ruồi bị bụi tro bay lên đậu vào chảo cá kho quẹt, vào chén cơm trắng tinh khôi ấy khiến hai đôi tay bé nhỏ phải huơ lấy huơ để mà đuổi ruồi.

Vợ hắn nói bâng quơ:

- Để mẹ ráng sắm cây quạt, quạt ruồi…

Vợ hắn “ráng sắm” có nghĩa là hắn phải ráng giăng câu thả lưới thêm, về muộn thêm một chút để có nhiều cá hơn. Ngoài cơm áo gạo tiền thì sẽ dư ra một chút để mua cây quạt để đêm quạt cho hai công chúa ngủ ngon, ngày quạt ruồi cũng được.

Năm Xị nhìn vợ, khi cô ấy nghiêng qua nồi cơm để bới thêm cho hai con, ôi da mặt của người phụ nữ mới ngoài ba mươi mà đã bắt đầu nám rồi. Kỳ cục hà! Sao da mặt con vợ thằng chủ quán nhậu “Ba Lít” láng o vậy không biết? Mà hình như con mẻ hơn tuổi vợ mình ấy chứ? Đã láng còn thơm nữa mới ác. Mấy lúc con mẻ xách rượu ra cho bàn mấy cha nhậu á, cứ nghe mùi son phấn, nước hoa thơm nức chứ chẳng nghe mùi men tí nào. Còn vợ mình… đàn bà gì đâu mà không biết làm đẹp, vậy nên thế giới này mới có chuyện đàn ông vợ bé vợ mọn bồ bịch lăng nhăng đó, biết không?

Hắn thầm nói với vợ như vậy nhưng không tự hỏi rằng rồi vợ mình lấy tiền đâu để son phấn, nước hoa. Ngày một thau cá tầm hai, ba ký. Lóc, trê, rô, sặc, chốt… đủ loại chứ không phải riêng gì một loại. Nếu bán khéo khéo một chút thì đủ cơm gạo muối dưa cả gia đình. Gặp xấu mối mở hàng thì chê ỏng chê eo, cù cưa cù nhằng cá chết hết thành ra mất thêm mớ tiền nữa.

Vậy đó, cơm áo gạo tiền, thuốc hút cho chồng, thuốc uống cho con, quà bánh, áo quần sách vở, xà bông bột giặt… tất tần tật đều trông vào mấy ký cá đó. Thì lấy cái gì để đổi ra son phấn, nước hoa?

Năm Xị thì vẫn vô tư, một ngày của hắn bắt đầu từ chín giờ sáng, sau khi nhậu sương sương một chập thì về ăn cơm trưa và đi bốc vác ở bến ghe vài tiếng đồng hồ. Về ăn cơm chiều thì đi giăng câu thả lưới đến tầm hai giờ sáng thì về ngủ. Giao mớ cua cá lổn nhổn còn trong tay lưới cho vợ “tự xử”, hắn ngủ một giấc đến sáng bạch rồi dậy… đi nhậu.

Người ta nhậu chiều còn hắn nhậu sáng mới là đỉnh của đỉnh chứ! Nhậu sáng, sau một giấc ngủ ngon nên “đô” hắn cao lắm. Những Năm Xị mới chịu “chìm xuồng”.

Biệt danh “Năm Xị” từ đó mà ra.

Nhưng hễ bữa nào uống đúng Năm Xị là bữa đó không đi bốc vác nổi đâu. Hoặc dù có bốc vác thì phần tiền đó hắn cũng không bao giờ đem về nhà, mà để đó “hùn” nhậu với anh em bạn bè. Chỉ có thau cá buổi đêm là cuộc sống của gia đình nên cảnh nhà chưa bao giờ khá giả được.

Cái nhà gọi là “nhà” cho nó oai chứ chỉ là một cái chòi trên thẻo đất của người quen. Thẻo đất ấy chó ngồi ló đuôi nhưng có cái ao thông với con rạch, hằng ngày nước từ ngoài sông Cẩm Giang chảy vào thành ra nó cũng có những cơn lớn - ròng vui mắt lắm. Cái ao này vợ hắn thả mớ kèo nèo, rau muống, bông súng làm rau ăn đỡ tiền chợ.

Rồi con bé Ni của Năm Xị bệnh gì lạ lắm. Nó cứ kêu đau bụng, mua thuốc ở tiệm thuốc tây về uống không hết, nó đau đến đổ mồ hôi hột, mặt mày xanh lè xanh lét. Làng xóm nói chắc nó bị đau ruột thừa, kêu xe chở bệnh viện coi sao? Xe thì có rồi, chiếc xe lôi của một người tốt bụng hằng ngày anh chở vật dụng nông nghiệp ấy mà. Nhưng tiền thì sao? Cũng cần tiền đóng viện phí chứ? Vợ Năm Xị bảo chồng đến bến ghe nơi anh bốc vác hằng ngày để xin ứng lương mà chữa bệnh cho con. Hắn trù trừ ư a… để rồi sau đó mới biết, hắn âm lương cả ba tháng nay, thì làm sao ai dám cho ứng nữa?

Nhưng con bệnh ngặt như thế thì không thể không nhập viện. Bà con bến sông quê nghèo này góp lại mỗi người một ít để con bé có tiền đóng viện phí.

Nhưng rồi ca mổ ruột thừa ấy cần nhiều tiền hơn cho cuộc bổ dưỡng hậu phẫu. Nhà không có gì để bán chác, người mẹ đành bán máu của mình để có tiền bồi dưỡng cho con.

Năm Xị chẳng biết điều hy sinh vĩ đại ấy của vợ, vì thời gian biểu hằng ngày của hắn vẫn là: ngủ trưa dậy nhậu, ăn cơm, đi bốc vác, rồi đi giăng câu đến nửa khuya, về ngủ…

Cho đến một hôm vợ hắn đi bán cá và ngất xỉu. Người tốt bụng đưa đi bệnh viện, bác sĩ cho biết người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi ấy thiếu máu trầm trọng, cơ thể suy nhược kiệt cùng và qua đời khi chưa kịp tiếp máu vào cơ thể.

Năm Xị trách mình quá đỗi, nên bỏ nhậu, chí thú làm ăn nuôi hai con gái lớn khôn. Cái cảnh “gà trống nuôi con” thật chẳng dễ dàng gì, nhất là tụi nó là con gái. Lứa tuổi mới lớn thật là nan giải với người làm cha khi căn nhà trống hoác, khoảng cách cơ bản giữa cha và con gái cũng không có, nên thật là quá khó khăn.

Chính quyền địa phương biết chuyện gia đình Năm Xị nên cất cho cái nhà tình thương, ít nhất cũng có cái phòng riêng cho con gái. Chúng còn được giới thiệu vào học việc ở cơ sở may gia công tại địa phương nên đã là cô thợ may rành nghề ở tuổi đôi mươi.

Rồi hai con gái lần lượt lấy chồng mấy năm nay. Năm Xị ra vô một mình trong căn nhà bé nhỏ mà trống hoác. Không bốc vác nổi nữa, cũng chẳng đi giăng câu thả lưới vì còn ai đi bán cá nữa đâu. Lại sợ khi chạm tới tay lưới hay bộ đồ nghề soi cá thì nỗi nhớ vợ sẽ trào lên, cảm giác ăn năn tội lỗi sẽ cuộn lên… Nên thôi, xách cái xe ra lề đường hành nghề xe ôm. Quanh quẩn ngày kiếm trăm ngàn, trừ tiền xăng cũng đủ cà phê nước ngọt. Còn cơm thì mấy năm nay chuyển qua ăn chay rồi. Sao ăn chay? Thì … có chùa phát cơm chay, mình xin mỗi ngày thế là… bỗng dưng tu luôn. Rồi tự nhiên thấy mình đỡ tội hẳn ra, chỉ còn nỗi nhớ vợ là chưa bao giờ nguôi được.

Tiền hai con gái cho thì gửi vô cái sổ tiết kiệm để dành mai mốt mình “khuất núi” sẽ cho tụi nhỏ thừa kế, xem như món quà cuối đời cha để lại cho con, vậy thôi cô!

Chuyến xe ôm buổi chiều hôm ấy của tôi đã đến nơi cần đến. Dáng người đàn ông đứng tuổi quay đi sao lặng lẽ đến vô cùng.

Đ.P.T.T

Tin cùng chuyên mục