Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bên kia núi Bà Đen
Thứ ba: 09:12 ngày 08/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vâng, tôi gọi theo cách nói của con người thời nay. Bên này là phía núi hướng về TP.Tây Ninh, cũng coi như mặt tiền của núi; thì bên kia là phía những địa danh như Khe Đon, Suối Đá hoặc Phan của những miền quê núi Tây Ninh. Và, xa hơn sẽ là lòng hồ Dầu Tiếng những 27.000 héc ta mặt nước.

Mặt sau của núi Bà Đen.

Mặt tiền núi thì chắc bạn đã quen, đã thấy hoặc gắn sâu trong tâm tưởng. Hình ảnh ấy đã được cách điệu hóa trong khối hình biểu tượng của Tây Ninh. Đấy là núi Bà hai ngọn. Ngọn lớn nằm bên phải (của người nhìn). Còn bên trái là ngọn nhỏ hơn. Thấp bé hơn, nhưng vẫn nhắc lại dáng hình núi mẹ.

Nhìn từ xa, mặt tiền núi có lúc đậm đà xanh sẫm, mà cũng có khi dưới nắng lại ửng sắc vàng xanh. Nhưng đến gần hơn, như ở trong rừng dương của khu du lịch núi, sẽ thấy lộ ra nhiều mảng đá bạc màu xen giữa rừng cây. Đô thị hóa cũng đã len lỏi tới mặt tiền của núi này, với những cụm công trình hay chùa chiền trên sườn non thấp thoáng. Cáp treo trôi lững thững trên đá, trên hoa và những cụm cây rừng…

Cánh đồng Khe Đon.

Thế còn ở mặt sau, hay bên kia của núi? Không tới thì khó mà tin được. Rằng phía Khe Đon núi xanh như không thể xanh hơn. Toàn rừng nguyên sinh phủ khắp sườn cheo leo dốc đứng. Bên này rất dốc nên cũng chẳng ai leo lên mà trồng chuối, trồng mãng cầu như phía núi Phụng, núi Bà và Ma Thiên Lãnh. Chỉ có rừng cây um tùm phủ bóng, vấn vít dây leo. Đây mới chính là nơi mơ ước của những người ưa khám phá hay các nhà thám hiểm. Bởi dưới bóng những tán rừng cổ thụ kia còn biết bao bí ẩn, như hang động, hầm hinh ngóc ngách…

Có nơi lại gặp một rừng tre. Ở vài khoảnh rừng bớt rậm thì, ô kìa- những khóm phát tài núi xòe xanh đón nắng. Từ con đường Khe Đon- Suối Đá nhìn lên, chỉ có một nơi duy nhất lộ ra một vỉa đá xám ở lưng chừng núi, như một nhân chứng duy nhất còn từ lập địa, khai thiên.

Những hồ chứa nước dưới chân núi.

Dẫu khó, nhưng cũng nên leo phía núi bên kia một lần cho biết. Chỉ từ lưng núi mà lên, ngoái lại đã thấy cánh đồng Khe Đon vàng rực dưới tầm nhìn. Ôi chà! Như một cánh diều đang sải cánh bay về phía đằng tây. Hai cánh diều ấy sải rộng ra hai bên thân diều là trục đường Khe Đon- Suối Đá. Đầu diều là xóm dân cư, nổi bật sắc đỏ vàng của mái chùa Khmer, như một búp sen giữa cánh đồng vàng. Dưới chân núi người dân đã tự tạo những cái hồ chứa nước, chắc là cho những mùa vụ trong mùa khô, như những tấm gương trời cho mây.

Con đường Khe Đon- Suối Đá.

Lên tới đỉnh, dĩ nhiên ta có thể ngắm nhìn cả hai phía núi. Để thấy bên phía Tây Nam là thành phố Tây Ninh với những khoảng xa ở chân trời luênh loang màu trắng đục. Phía Đông bắc cũng vậy thôi, nhưng rõ rệt hơn vì lòng hồ ở ngay dưới tầm nhìn. Hai phía núi đều là nước, nước sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn, đã hòa nhập vào lòng hồ mênh mông…

“Ông Voi” phủ phục bên sườn núi.

Có phải ngày xưa, quan Hiệp tổng trấn thành Gia Định- Trịnh Hoài Đức đã lên tới đỉnh núi này không? Để ông viết những câu văn hào hứng, đầy khí thế trong sách Gia Định Thành thông chí. Mở đầu quyển 2 Sơn Xuyên chí (chép về núi sông) là đoạn: “Núi là xương của đất, nước là máu của đất ấp ủ lưu thông để làm ra đất đai một phương. Những người anh hùng hào kiệt, trung thần liệt nữ cũng từ đó mà sinh ra…”.

Lau trắng bời bời chân núi.

Vòng qua đường phía đông núi qua xã Phan, bạn sẽ gặp những ruộng mía, bờ lau mùa đông bạt ngàn hoa trắng. Dĩ nhiên cũng gặp những vườn mãng cầu đang hớn hở đón những làn mưa nhân tạo từ các vòi phun. Núi bên này y như đầu một ông voi đang phủ phục, vòi voi vươn dài về phía đông nam. Người ta đã chọn tuyến cáp treo trên chính chiếc vòi voi ấy. Để khách gần xa dễ dàng lên lạy Phật, cúng Bà.

Nguyễn Quốc Việt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục