Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bệnh đái tháo đường kiêng khem quá mức nguy hiểm tính mạng
Thứ hai: 16:28 ngày 07/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) gắn liền với nguy cơ phát triển các bệnh lý thận, mắt, thần kinh, tim mạch và làm tăng nguy cơ tử vong. Chính vì vậy, nhiều người kiêng khem quá mức dẫn đến tình trạng hạ đường huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo TS.BS. Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết Đái tháo đường - BV Bạch Mai, để đạt mục tiêu về chỉ số đường huyết ( HbA1C ), các bệnh nhân thường được cho điều trị tích cực, ăn uống kiêng khem hà khắc nên cái giá phải trả là bị hạ đường huyết. Đơn cử như bệnh nhân nữ 65 tuổi, ở Hà Nội, được chẩn đoán đái tháo đường 2 năm, đang điều trị Gliclazide 80mg x 2 v/ngày và Metformin 1000mg/ngày.

Trước khi nhập viện khám, người bệnh đi xe máy tự ngã, sau đó tỉnh, được chụp CT sọ không thấy tổn thương. Sau đó thấy đau khuỷu tay đi kiểm tra, được đo đường huyết mao mạch là 2,4 mmol/L nên nhập viện cấp cứu hạ đường huyết.

Khi khám lâm sàng bệnh nhân chia sẻ, có nhiều lần đi khám, xét nghiệm đường máu không thấp nhưng đều ở mức < 5,5 mmol/L, được đánh giá là kiểm soát tốt nên cho duy trì liều thuốc.

Cần cá thể hóa tất cả các mục tiêu đường huyết (HbA1C, chỉ số quản lý glucose,...

Ở lần vào viện này, xét nghiệm HbA1C của bệnh nhân là 6,7%, tức là đạt mục tiêu (< 7,0%) theo các hướng dẫn điều trị. “Theo kinh nghiệm thì bệnh nhân này có thể đã có nhiều lần bị hạ đường huyết, và đó có thể là nguyên nhân của lần”tự“ngã này”- TS.BS Quang Bảy chia sẻ.

"Tuy nhiên, để đạt mục tiêu HbA1C, các bệnh nhân thường được cho điều trị tích cực nên cái giá phải trả là bị hạ đường huyết. Để tránh bị hạ đường huyết, bệnh nhân cần được sử dụng các thuốc ít gây hạ đường huyết (nhưng lại là các thuốc đắt tiền), đo đường huyết mao mạch thường xuyên hoặc đeo máy đo đường huyết liên tục (CGM), chế độ ăn ổn định... tóm lại phải là những người thuộc dạng “có điều kiện” kinh tế.

Còn không thì bệnh nhân nên chấp nhận đường huyết và HbA1C có thể cao hơn mục tiêu chút xíu, ví dụ HbA1C < 7,5%, nhưng sẽ hạn chế được nguy cơ bị hạ đường huyết. Tất nhiên người bệnh sẽ dễ bị các biến chứng mạn tính của đái tháo đường hơn" - TS.BS Quang Bảy chia sẻ thêm.

Theo TS.BS. Nguyễn Quang Bảy, tại Hội nghị ADA ở Sans Francisco năm 2019, có cuộc tranh luận giữa 2 vị đại diện cho Hội đái tháo đường Hoa Kỳ - ADA của các bác sĩ chuyên khoa (đặt mục tiêu HbA1C < 7,0%) và Hội thầy thuốc Hoa kỳ - ACP của các bác sĩ nội khoa (đặt mục tiêu HbA1C < 7,5%). “Sau một hồi tranh cãi họ thống nhất được điểm chung là mục tiêu điều trị tùy từng bệnh nhân cụ thể”- TS.BS Quang Bảy chia sẻ.

Trên thực tế, có nhiều câu hỏi hướng dẫn điều trị đái tháo đường type 2 mới của AACE năm 2023 có điểm gì đáng lưu ý? Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, hướng dẫn này có nhấn mạnh đến 10 điểm sau:

1. Thay đổi lối sống phải là nền tảng cho mọi liệu pháp

2. Cần duy trì hoặc đạt được cân nặng tối ưu

3. Lựa chọn các thuốc hạ đường huyết cần nhắm đến các mục tiêu đường huyết, bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch, suy tim sung huyết, bệnh thận mãn tính, thừa cân/béo phì và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).

Bệnh đái tháo đường kiêng khem quá mức nguy hiểm tính mạng
Người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát được chỉ số đường huyết, tránh để hạ đường huyết

4. Kê đơn các thuốc mà người bệnh dễ tiếp cận (mua) và dễ sử dụng

5. Mục tiêu HbA1C tối ưu là 6,5% hoặc gần với mức bình thường nhất nếu là an toàn và có thể đạt được

6. Cần cá thể hóa tất cả các mục tiêu đường huyết (HbA1C, chỉ số quản lý glucose [GMI], thời gian đường huyết trong mục tiêu [TIR], đường huyết sau ăn và lúc đói [FBG] và PPG) tùy từng người bệnh.

7. Cố gắng đạt mục tiêu đường huyết càng sớm càng tốt (trong vòng 3 tháng)

8. Tránh bị hạ đường huyết

9. Khuyến khích người bệnh sử dụng máy đo đường huyết liên tục (CGM) để hỗ trợ họ đạt được mục tiêu một cách an toàn.

10. Cần điều trị toàn diện cả các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…

Tóm lại, có thể nói nguyên nhân của bệnh đái tháo đường rất phức tạp. Cả gene và yếu tố lối sống đều đóng một vai trò nào đó gây ra đái tháo đường. Trong khi đái tháo đường type 1 chủ yếu xảy ra do cơ chế tự miễn thì nguy cơ của đái tháo đường type 2 chủ yếu là do lối sống không lành mạnh.

Phần lớn mọi người có thể phòng ngừa bệnh đái tháo đường bằng chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường hoạt động thể chất, giữ cân nặng hợp lý và có lối sống lành mạnh. Vì vậy, ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, người bệnh cũng cần có một chế độ ăn khoa học, lành mạnh phù hợp với thể trạng của chính mình. Không kiêng khem quá hà khắc, không lạm dụng vì có thể hạ đường huyết nguy hại tới tính mạng.

Theo WHO, hiện nay có khoảng 422 triệu người trên thế giới mắc bệnh tiểu đường, tăng gấp 4 lần kể từ năm 1980. Chỉ tính riêng năm 2019, đái tháo đường là nguyên nhân trực tiếp gây ra 1,5 triệu ca tử vong. Tại điều tra quốc gia của Bệnh viện Nội tiết Trung ương trên qui mô toàn quốc, đối tượng từ 30-69 tuổi năm 2002, có 2,7% người bị đái tháo đường. Năm 2012 (sau 10 năm), tăng lên 5,4%, và tới năm 2020 tăng lên 7,3%.

Sự gia tăng của đái tháo đường một phần là do sự gia tăng của tình trạng thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể chất. Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate (glucid), protein (protid) và lipid, đặc trưng bởi tăng glucose trong máu do giảm tương đối hoặc tuyệt đối tiết insulin, hiệu quả hoạt động insulin hoặc cả hai. Khi tăng đường huyết vượt quá ngưỡng thận sẽ xuất hiện đường niệu (glucose trong nước tiểu).

Nguồn SK&ĐS

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh