Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra
Thứ bảy: 16:57 ngày 30/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hỏi: Nữ, 36 tuổi, có 2 con, sức khoẻ trước nay bình thường. Mới đây, tôi thấy khí hư khó chịu, đi khám và xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh lậu, điều trị bằng thuốc tiêm một liều duy nhất cho cả tôi và chồng tôi. Tôi lo lắm, không biết có điều trị khỏi không? Làm sao biết chắc chắn đã điều trị khỏi hoàn toàn?

Một bạn đọc

Ðáp: Bệnh lậu là nhiễm trùng sinh mủ trên bề mặt niêm mạc cơ thể như cổ tử cung, niệu đạo, miệng họng… Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra, lây lan qua đường tình dục và lây từ mẹ sang con khi sinh qua ngả âm đạo. Người mắc bệnh lậu thường đồng nhiễm với Chlamydia trachomatis.

Ða số phụ nữ mắc bệnh lậu biểu hiện với các triệu chứng như khí hư âm đạo thường có mùi hôi và như mủ, kèm theo tiểu đau, rát, giao hợp đau, xuất huyết âm đạo giữa chu kỳ, và đau vùng bụng dưới.

Nếu không điều trị đúng và kịp thời, bệnh lậu ở âm đạo, cổ tử cung có thể lan rộng thành viêm vùng chậu, người bệnh có thêm các triệu chứng như đau nhiều khi thăm khám cổ tử cung, tử cung và buồng trứng, ống dẫn trứng. Viêm vùng chậu do lậu làm tăng nguy cơ biến chứng nặng hơn về sau như vô sinh và thai ngoài tử cung.

Kết quả nuôi cấy dịch, mủ ở vị trí nhiễm trùng là tiêu chuẩn vàng cho chẩn đoán bệnh lậu. Nếu không có điều kiện nuôi cấy, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh lậu dựa vào các xét nghiệm tìm DNA của vi khuẩn lậu bằng các kỹ thuật khuếch đại acid nucleic (NAATs) như PCR, TMA, SDA hoặc không khuếch đại acid nucleic như DNA probe, hoặc nhuộm Gram với độ tin cậy thấp nhất. Tuy nhiên, bệnh lậu có thể chẩn đoán và điều trị hoàn toàn dựa vào lâm sàng.

Trường hợp của bạn, mắc bệnh lậu lần đầu, chỉ có khí hư bất thường và xét nghiệm, nên có nhiều khả năng là bệnh lậu chưa gây biến chứng. Do đó, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2016, có thể cân nhắc điều trị dựa trên phác đồ phối hợp 2 loại thuốc hoặc phác đồ 1 loại thuốc, uống hoặc tiêm bắp một lần duy nhất.

Ðiều trị đồng thời cả người phối ngẫu (vợ, chồng) luôn cần thiết. Ðể hạn chế tái nhiễm, cần lưu ý kiêng cữ giao hợp trong khi điều trị và trong 1 tuần sau điều trị. Xét nghiệm lại để khẳng định điều trị khỏi không được khuyến cáo thực hiện cho mọi trường hợp.

Như vậy, bạn và chồng cần điều trị, kiêng cữ giao hợp và nên tái khám sau 2 tuần để đánh giá bệnh đã khỏi dựa trên các triệu chứng và dấu hiệu qua thăm khám hoặc xét nghiệm nếu cần. Chúc bạn điều trị hiệu quả.

Bác sĩ Huỳnh Văn Tú

Tin cùng chuyên mục