Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bệnh tay chân miệng-không thể xem thường * Tây Ninh đã có 2 ca tử vong.
Thứ tư: 06:07 ngày 03/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) đang diễn biến hết sức phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận có hơn 53.000 ca mắc TCM tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có hơn 25.000 trường hợp nhập viện và đã có 6 ca tử vong.

Tập cho trẻ thói quen rửa tay đúng cách với xà phòng là góp phần phòng ngừa bệnh TCM.

Diễn biến phức tạp

Từ đầu năm đến cuối tháng 9.2018, Tây NInh đã ghi nhận có 1.147 ca mắc TCM. Trong hai tháng 8 và tháng 9, số ca mắc TCM có xu hướng gia tăng, tháng 8 là 212 ca, tháng 9 là 373 ca (tăng 161 ca). Trong tháng 9, hai trường hợp đã tử vong do TCM.

Trường hợp tử vong đầu tiên là bé gái tên P.N.N.Q (4 tuổi, ngụ tại xã An Cơ, huyện Châu Thành). Bé Q phát bệnh vào ngày 14.9 với triệu chứng sốt. Người nhà có đưa Q đến phòng khám tư và được chẩn đoán là viêm amidan. Bác sĩ cho thuốc uống nhưng bệnh không giảm. Ðến sáng 17.9, bé Q phải nhập viện tại Bệnh viện Ða khoa (BVÐK) Tây Ninh. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ban đầu là viêm phổi, suy hô hấp, có triệu chứng tay chân miệng phân độ 4. Ngay sau đó, BVÐK Tây Ninh đã chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi đồng 2. Ðến 20 giờ cùng ngày, bé N tử vong.

Trường hợp thứ 2 là bé trai P.L.N.K (8 tuổi, ngụ tại xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu). K phát bệnh vào ngày 16.9, nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Tân Châu với triệu chứng sốt cao liên tục. Chẩn đoán ban đầu là viêm mũi họng và rối loạn tiêu hoá. Khi chuyển viện lên tuyến trên, K được chẩn đoán là sốc nhiễm trùng đường tiêu hoá, sốt cao liên tục, bức rức, vật vã, môi tím, ói đàm hồng, tim nhanh đều. Ðến trưa ngày 18.9, K tử vong với chẩn đoán cuối cùng là suy hô hấp, phù phổi cấp, viêm cơ tim, bệnh tay chân miệng độ 4, sốt xuất huyết dengue ngày 2.

Ông Biện Văn Tư- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng số ca mắc TCM trên địa bàn tỉnh giảm so với cùng kỳ năm 2017. Nhưng trong những tháng gần đây, đặc biệt là tháng 8 và tháng 9, số ca mắc TCM có hiện tượng tăng mạnh. Ðáng quan tâm là các ca mắc TCM năm nay có chuyển độ nặng và diễn tiến khá nhanh.

Qua giám sát dịch tễ học, phân tích virus cho thấy, trong mùa dịch bệnh năm nay, chủng virus EV71 đã xuất hiện trở lại. Chủng virus này đã gây ra vụ dịch TCM lớn trên cả nước năm 2011, khiến nhiều người tử vong. Hiện nay, chủng virus này có sự biến đổi nhóm gen làm cho người chưa mắc TCM dễ bị nhiễm bệnh. Người mắc bệnh có biểu hiện lâm sàng nặng, diễn tiến bệnh nhanh, biến chứng nặng hơn, dễ dẫn đến tử vong. Ðiều này có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh tăng nhanh chóng, có nhiều trường hợp bệnh nặng và tử vong.

Tại BVÐK Tây Ninh, số ca TCM trong tháng 9 tăng gần gấp đôi tháng 8 (tháng 8 có 46 ca, tháng 9 có 72 ca). Tính đến ngày 1.10, bệnh viện đang tiếp nhận điều trị cho 33 ca TCM, trong đó hầu hết là trẻ nhỏ. Cũng trong tháng 8 và 9, bệnh viện đã làm thủ tục chuyển viện gấp cho 8 ca TCM độ nặng lên tuyến trên điều trị. Bác sĩ Huỳnh Văn Ðệ- Trưởng Khoa Nhiễm BVÐK Tây Ninh nhận định, số ca mắc TCM đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng nhiều, có dấu hiệu tăng cao so với cùng kỳ năm 2017 do diễn biến bệnh phức tạp.

Bác sĩ Huỳnh Văn Ðệ- Trưởng Khoa Nhiễm BVÐK Tây Ninh cho biết, để phòng ngừa tốt bệnh TCM, phụ huynh cần nâng cao kiến thức về căn bệnh, giữ gìn vệ sinh nơi ở, thường xuyên tẩy rửa đồ chơi của trẻ, tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh TCM... Ngoài ra, phụ huynh cũng cần phải thường xuyên quan sát, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh TCM ở trẻ để kịp thời đưa đến các cơ sở y tế khám và điều trị.

Ðể hạn chế lây lan, Khoa Nhiễm đã dành hẳn 1 phòng riêng cho bệnh nhân mắc TCM điều trị. Ngoài ra, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều ca bệnh nhập viện trễ với chuyển biến bệnh khá nặng. Nguyên nhân có thể do bệnh khởi phát với những dấu hiệu không điển hình hoặc dễ nhầm lẫn với những triệu chứng bệnh khác như viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản…

Thực tế, số ca TCM trong tỉnh có thể còn cao hơn nhiều do có nhiều ca thăm khám và điều trị tại các phòng khám tư trên địa bàn tỉnh. Ðối với những ca nhẹ, trẻ có thể điều trị tại nhà.

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh

Theo ông Biện Văn Tư- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, trước tình hình bệnh TCM diễn biến phức tạp, Sở Y tế đã phát hành văn bản chỉ đạo gửi các đơn vị liên quan về tăng cường công tác phòng, chống bệnh TCM. Ðối với ngành Giáo dục, chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trường mẫu giáo và các nhà trẻ tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc TCM; thực hiện cách ly, báo ngay cho cơ sở y tế khi có trường hợp mắc TCM; tiến hành vệ sinh môi trường, khử trùng để tránh dịch bệnh lây lan, bùng phát.

UBND cấp huyện tăng cường công tác giám sát, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về diễn biến phức tạp của bệnh TCM và các biện pháp phòng, chống.

Ðối với hai trường hợp tử vong do TCM, ngành Y tế đã tiến hành điều tra, giám sát, xử lý ổ dịch TCM tại trường học, ở nhà bệnh nhân. Cấp cloramin B cho hộ gia đình, nhà trường xử lý, rửa tất cả các đồ chơi và vật dụng sinh hoạt, tiếp xúc hằng ngày, phòng ăn, phòng vệ sinh. Tuyên truyền và cấp tờ rơi cho phụ huynh học sinh. Nhắc nhở nhà trường liên tục theo dõi các bé trong trường, khi phát hiện có trường hợp mới phải lập tức báo ngay cho trung tâm y tế. Giám sát côn trùng, phun thuốc tại hộ gia đình bệnh nhân và các hộ trong vòng bán kính 200m.

Nhằm chủ động phòng, chống bệnh TCM, các trường học trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực triển khai công tác phòng, chống TCM. Cô Nguyễn Thị Ngọc Thu- Hiệu trưởng Trường mầm non 15/3, thị trấn Bến Cầu (huyện Bến Cầu) cho biết: “Nhận thấy tình hình diễn biến phức tạp của bệnh TCM, nhà trường đã triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống TCM như tổng vệ sinh trường lớp, làm sạch bề mặt vật dụng, đồ chơi trong lớp học.

Trang bị vòi nước, xà bông rửa tay cho trẻ. Giáo dục cho các em ý thức vệ sinh cá nhân, rửa tay sạch thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch. Phối hợp với y tế địa phương trang bị kiến thức phòng chống TCM cho các giáo viên, bảo mẫu chăm sóc trẻ ở trường. Nhắc nhở các giáo viên, phụ huynh giám sát, theo dõi tình hình sức khoẻ của trẻ, báo kịp thời khi phát hiện trường hợp mắc TCM hoặc nghi ngờ mắc. Ðến nay, nhà trường chưa phát hiện trường hợp trẻ mắc TCM”.

Cho đến nay, bệnh TCM vẫn chưa có thuốc đặc trị, trong khi đó, diễn biến bệnh lại nhanh và nguy hiểm. Thực tế, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh hơn chữa bệnh. Phòng bệnh tốt sẽ giúp trẻ hạn chế nguy cơ mắc bệnh TCM và kể cả những bệnh truyền nhiễm khác. Ðiều này đòi hỏi sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Một trường hợp trẻ mắc TCM điều trị tại Bệnh viện Ða khoa Tây Ninh.

Theo Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh TCM của Bộ Y tế, bệnh TCM là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hoá, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt ở nhóm dưới 3 tuổi. Người lớn ít bị mắc bệnh có thể do đã có kháng thể từ những lần bị nhiễm hoặc mắc bệnh trước đây.

Bệnh TCM xảy ra rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương trong cả nước, số mắc thường tăng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Trong đó, đặc biệt lưu ý tháng 9 vì là tháng tựu trường của học sinh. Trẻ bị TCM ngoài cách ly đúng cách cần chú trọng giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ như tắm rửa sạch sẽ cho trẻ mỗi ngày bằng xà phòng và nước sạch; khuyến khích trẻ thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đúng cách bằng xà phòng; cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng; vệ sinh kỹ lưỡng các vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn, muỗng ăn…

Ðặc biệt, người chăm sóc trẻ tuyệt đối tránh các quan niệm sai lầm như: kiêng tắm, kiêng gió, ủ trẻ quá kỹ, tác động để mụn nước mau vỡ… Vì như thế sẽ gây nên tình trạng bội nhiễm vi khuẩn rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Ðừng để trẻ gặp nguy hiểm chỉ vì người lớn thiếu kiến thức phòng, chống dịch bệnh.

THẾ ANH - LÊ THUỲ

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh