Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
“Ngày trước tôi bị tai nạn, ảnh hưởng đến cột sống, phải nằm điều trị ở Bệnh viện Y học cổ truyền một thời gian dài. Lúc đó, thấy nhiều người đời sống kinh tế chật vật mà phải trị bệnh thời gian dài rất, nên khi ra viện, tôi lập bếp ăn để cung cấp cơm chay mỗi ngày cho bệnh nhân ở đây”- anh Ngô Ngọc Giàu, tên thường gọi là Tuấn– hiện là chủ bếp ăn nhân ái Ngô phủ từ (ấp Long Thới, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành) cho biết.
Chuẩn bị phát cơm từ thiện.
Tính đến nay, bếp ăn nhân ái Ngô phủ từ đi vào hoạt động đã 6 năm. Những ngày đầu khi mới thành lập, bếp ăn chưa được nhiều người biết đến, nên chỉ có người nhà anh Giàu phụ anh nấu nướng.
Dần dà, người này chỉ người kia, nay bếp ăn có hẳn một đội làm bếp trên dưới 10 người. Ngày ngày, cứ 5 giờ sáng, một nhóm các anh đến phụ trách việc nấu cơm. Sáng ra, các chị em phụ nữ sẽ đến làm thức ăn.
Họ đều là những người ngụ trong xóm, tranh thủ thời gian rảnh mỗi người đến phụ một tay. Chị Trần Thị Cúc (56 tuổi)- một trong số đó cho biết, chị bắt đầu tham gia công việc tại bếp ăn Ngô phủ từ ngay từ những ngày đầu mới thành lập. Lúc đó, chị còn phải lo công việc kinh doanh ở nhà, nên tranh thủ sắp xếp, lúc nào xong việc nhà mới đến phụ giúp mọi người. Mấy năm gần đây, chị giao hẳn công việc kinh doanh cho con nên có thời gian rộng hơn.
“Cứ sáng 7 giờ tôi đến, làm tới 9-10 giờ, chiều thì 1 giờ rưỡi làm tới khoảng 4 giờ là xong. Sau đó, tôi mới về lo cơm nước cho gia đình. Tôi thấy việc phụ bếp này cũng phù hợp điều kiện sinh hoạt nhà mình. Mình có điều kiện thì giúp cho người khác đỡ khổ vậy thôi”- chị Cúc cười nói.
Chuẩn bị món dưa muối cho cơm chiều.
Không chỉ góp công, chị Cúc và một số chị em phụ giúp ở bếp ăn nhân ái Ngô phủ từ còn góp tiền mua tàu hủ để nấu ăn mỗi tháng. Chị Cúc cho biết, lúc đầu chị bỏ tiền ra mua đậu nành xong đem gửi lò cho người ta làm. Sau này khi bếp ăn đã nhiều người tham gia, các chị trực tiếp mua tàu hủ miếng. Trung bình một tháng tiền tàu hủ hết 5 triệu đồng, trong đó các chị trả một nửa, nửa còn lại chủ lò ủng hộ.
Trung bình, mỗi ngày bếp ăn nhân ái Ngô phủ từ phục vụ trên dưới 300 suất cơm từ thiện, với tổng chi phí gần 2 triệu đồng. Mỗi suất ăn gồm 2 món: món mặn hoặc xào và món canh.
“Chúng tôi kết hợp với bệnh viện để nắm số lượng bệnh nhân tăng hoặc giảm mà nấu. Thường khi bệnh nhân xuất viện thì còn có thể biết trước nhưng số nhập viện thì thất thường lắm. Như hôm nay trên bệnh viện mới điện thoại xuống báo vừa có thêm khoảng 10 người mới nhập viện, nên chúng tôi phải làm thêm 10 suất ăn nữa. Khi nấu nướng xong xuôi hết là có người phụ trách đưa cơm ra bệnh viện; sáng là 10 giờ và chiều là 16 giờ”- anh Tuấn kể.
Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, có một “đội tình nguyện” phát cơm đến từng phòng bệnh. Họ chính là những người nuôi bệnh ở đây. Chị Phạm Thị Bạch, nhà ở xã Tân Hà, huyện Tân Châu cho biết, chị đến đây nuôi mẹ bị tai biến gần 3 tháng nay. Lúc đầu mới vô Bệnh viện, thấy một anh đi phát cơm từ thiện cho các phòng, chị cũng theo phụ rồi đảm nhận luôn công việc này.
Cứ đến giờ cơm, chị Bạch lại rủ thêm vài bạn nữ đến lấy cơm ở tầng trệt rồi đẩy lên lầu, đến từng phòng nắm số lượng người mà phát cho mọi người. Chị nói: “Ở đây ai cần thì mình giúp. Chuyện cộng đồng mà, mình không làm thì người khác cũng làm, nhưng mình làm được thì vui hơn”.
Mọi người vô cơm chuẩn bị mang ra bệnh viện.
Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh hiện có trên dưới 100 bệnh nhân điều trị nội trú tại 2 khoa Nội và Ngoại. Trong tuần, trừ các ngày chủ nhật hoặc ngày mùng một và ngày Rằm (âm lịch) của tháng, bếp ăn Ngô phủ từ sẽ không nấu, những ngày còn lại đều có cơm chay phục vụ bệnh nhân.
Một bà cụ nuôi chồng bệnh tại đây chia sẻ: “Người bệnh nằm đây toàn phải điều trị lâu dài; nhẹ thì cũng 1 tháng, nặng thì nằm từ tháng này qua tháng khác. Người nào nhà ở gần đây còn có thể chạy tới chạy lui, chứ ở xa phải mua cơm ăn cũng rất tốn kém, nên có cơm từ thiện cũng đỡ lắm”.
Ngọc Diêu