Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bí ẩn hòn đảo miễn nhiễm nCoV
Thứ ba: 08:28 ngày 28/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mắc kẹt trên hòn đảo nhỏ, Paola Muti, một chuyên gia nghiên cứu ung thư vú, Đại học Milan, cảm thấy vô cùng hoảng sợ khi nghe tin có ba du khách mắc Covid-19.

Cô chuẩn bị tinh thần cho một đợt bùng phát diện rộng, có thể ảnh hưởng đến 800 người dân sinh sống sát nhau tại đây, phần nhiều trong số đó cô đều quen biết. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua, không một ai phát triển bất cứ triệu chứng nào, dù điều kiện môi trường có vẻ cực kỳ thuận lợi để virus lây lan.

Đảo Giglio là một hòn đảo nằm trên biển Tyrrhenia, ngoài khơi Toscana, Italy. Người dân sinh sống trên những hẻm dốc gần cảng, hoặc trên các bậc thang đá cẩm thạch, chạy dọc con đường hẹp trong khu phố trên đỉnh đồi.

Suốt 40 năm, nơi đây chỉ có duy nhất một bác sĩ, Armando Schiaffino. Khi dịch Covid-19 mới tràn qua Italy, ông không khỏi lo lắng rằng sẽ có một đợt bùng phát lớn tại hòn đảo này.

Người dân đảo Giglio đeo khẩu trang ngừa Covid-19, ngày 23/6. Ảnh: AP

"Mỗi khi các dịch bệnh cơ bản như sởi, sốt ban đỏ hay thủy đậu bùng phát, hầu như tất cả đều lây nhiễm trong vòng vài ngày", ông nói.

Tuy nhiên, điều này không xảy ra đối với đại dịch. Tiến sĩ Muti quyết tâm tìm hiểu căn nguyên của hiện tượng. Cô thắc mắc liệu người dân đã mắc bệnh mà không biểu hiện triệu chứng, hay yếu tố di truyền khiến họ miễn nhiễm với virus? Hoặc đơn giản đây chỉ là may mắn?

"Bác sĩ Schiaffino đã đến gặp tôi và nói: ‘Này Paola, điều này thật kỳ diệu. Giữa đại dịch, với bao nhiêu du khách nhiễm nCoV đến đảo, cư dân ở đây vẫn không mắc bệnh’. Tôi đã nghĩ đây là cơ hội tốt để nghiên cứu", Tiến sĩ Muti kể lại.

Khi ấy, cô đang bị mắc kẹt ở Giglio bởi Italy rơi vào tình trạng phong tỏa. Điều đặc biệt khó hiểu là nhiều người dân đã tiếp xúc gần gũi với khách du lịch. Trường hợp dương tính đầu tiên ở đây là một nam du khách, độ tuổi 60, ghé đảo ngày 18/2, vài hôm trước khi đất nước có ca nhiễm nội địa đầu tiên. Bệnh nhân đã đến dự đám tang của một người họ hàng, bị ho khan suốt chặng đường đi. Ba tuần sau khi trở về nhà, người này tử vong tại bệnh viện.

Dù nCoV chủ yếu lây nhiễm qua giọt bắn hô hấp, chưa cư dân nào tại Giglio có biểu hiện bệnh.

Đến 5/3, 4 ngày trước khi cả nước ban bố lệnh phong tỏa, thêm ba du khách từ đất liền được xét nghiệm dương tính trên đảo. Một bệnh nhân người Đức, đến từ miền bắc Italy, tâm dịch đầu tiên tại châu Âu. Nhiều ngày liền, ông tiếp xúc và trò chuyện với những người bạn lâu năm ở Giglio, ăn uống ở những nhà hàng công cộng. Một tuần sau, người này ho nặng, được chẩn đoán nhiễm nCoV và tự cách ly.

Các trường hợp dương tính khác đều là "nhập khẩu" từ ngoài đảo, bao gồm một người gốc Giglio, sống tại Australia hai năm, trở lại vào giữa tháng 3 để thăm cha mẹ.

Kể từ đó tới nay, hòn đảo không ghi nhận bất cứ ca lây nhiễm cộng đồng nào, dù du khách khắp cả nước tiếp tục đến và đi.

Giới chức Y tế Italy đã nhanh chóng gửi bộ xét nghiệm kháng thể đến khu vực này để kiểm tra liệu người dân có mắc Covid-18 hay không. Họ được thử máu từ cuối tháng 4, khi lệnh giãn cách bắt đầu được nới lỏng. Trong số 800 cư dân, 723 người đã tình nguyện kiểm tra.

Ông Armando Schiaffino, bác sĩ duy nhất trên đảo Giglio. Ảnh: AP

Nhân viên y tế chỉ phát hiện một người có dấu hiệu kháng thể trong máu. Đây là một cụ ông cao tuổi, từng đi cùng chuyến phà với du khách người Đức được chẩn đoán dương tính trước đó.

Tiến sĩ Muti vẫn chưa kết luận lý do tại sao người dân trên đảo gần như miễn nhiễm với nCoV. Cô có kế hoạch thực hiện nghiên cứu sâu rộng hơn và xuất bản công trình sau khi rời khỏi đây. Tuy nhiên, cô phỏng đoán cư dân Giglio không tiếp xúc đủ nhiều với Covid-19 để bị nhiễm bệnh.

Tiến sĩ Massimo Andreoni, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Tor Vergata của Rome cũng đồng tình với ý kiến này. Ông lưu ý một số bệnh nhân dù mang virus, vẫn ít khả năng truyền bệnh hơn những người khác, vì lý do chưa rõ ràng.

Trong khi đó, Giáo sư Daniel Altmann, khoa miễn dịch học, Đại học Hoàng gia London phỏng đoán hiện tượng này có thể do yếu tố di truyền. Chẳng hạn loại gen phổ biến trong các cư dân sinh sống tại hòn đảo có điểm đặc biệt khiến virus không thể xâm nhập.

Để làm rõ điều này, Tiến sĩ Muti mong muốn thực hiện nghiên cứu di truyền đối với cộng đồng người dân đảo Giglio sinh sống qua nhiều thế hệ. Nhiều chuyên gia cho rằng khu vực này nằm trong vùng bảo tồn biển, có khí hậu trong lành, môi trường tự nhiên tốt cho sức khỏe. Song đến nay, lý do Covid-19 gần như không ảnh hưởng tới địa điểm này vẫn còn là bí ẩn.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục