Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bí mật những chất liệu bọc ghế ôtô
Thứ bảy: 08:45 ngày 12/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ghế ôtô làm từ nhiều chất liệu khác nhau, từ đơn giản nhất là nỉ, da nhân tạo đến cao cấp hơn như da thật hay Alcantara.

Theo nghiên cứu của Harvard Health Watch (tạp chí sức khỏe của Đại học Harvard, Mỹ), mỗi lái xe điển hình dành tới gần 38.000 giờ ngồi sau vô-lăng trong cả quãng đời, vượt qua khoảng 1,287 triệu km. Để người sử dụng dễ chịu, chất liệu ghế rất quan trọng.

Hiện có nhiều loại chất liệu, các nhà chuyên môn tổng hợp thành bốn loại chính là nỉ, da nhân tạo, da thật và da Alcantara. Mỗi loại vật liệu đều có những ưu, nhược điểm riêng và phù hợp cho từng dòng xe.

Ghế nỉ

Đây là loại vật liệu rẻ tiền nhất và đơn giản nhất dùng để làm ghế ôtô. Vải nỉ được chế tạo với thành phần là vải nylon hoặc polyester. Hai chất liệu này có ưu điểm là bền và rẻ tiền. Đặc điểm của ghế nỉ là dễ bị bám bụi, ngấm nước do được làm bằng vải. Ngoài ra, khi sử dụng vào mùa đông sẽ ấm hơn so với các vật liệu khác.

Honda Jazz sử dụng ghế nỉ.

Ghế nỉ thường được dùng trên xe phổ thông, giá thấp do chi phí rẻ. Nhiều mẫu xe phân khúc A hoặc phiên bản thấp nhất của một số dòng xe vẫn sử dụng ghế nỉ. Ngoài ra, ở nước ngoài như Âu Mỹ, một số hãng xe sang cũng sử dụng ghế nỉ như là tùy chọn cơ bản giúp giảm giá. 

Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc dùng ghế nỉ sẽ gặp những trở ngại nhất định và không được nhiều người ưa chuộng. Với đặc trưng khí hậu nóng ẩm và không khí nhiều bụi, xe sử dụng ghế nỉ sẽ nhanh bẩn hơn, dễ bám bụi. Người dùng sẽ phải vệ sinh nhiều hơn so với dùng các chất liệu da.

Da nhân tạo

Đây là loại vật liệu có hình thức và đặc tính tương đương với da thật với mức giá rẻ hơn. Da nhân tạo hiện nay được chia thành hai loại bao gồm simili và da công nghiệp.

Da Simili thường được biết đến với cách gọi khác là giả da. Loại da này có cấu tạo bao gồm tấm nền bằng vải dệt kim từ sợi polyester. Sau đó, các nhà sản xuất sẽ phủ một hoặc nhiều lớp nhựa để tạo sự kết dính và hình thành bề mặt da thô. Công đoạn tiếp theo là gia công bề mặt để tạo vân giống da thật. Cuối cùng, tấm da simili được nhuộm các màu khác nhau để phong phú hơn các lựa chọn cho khách hàng.

Da simili.

Ưu điểm của loại da này là màu sắc đa dạng, giá thành không cao. Ngoài ra, với đặc tính của nhựa PVC, da simili chống thấm nước hiệu quả, giúp việc lau chùi vệ sinh cũng dễ dàng hơn. Da simili thường được các chủ xe đang dùng ghế nỉ bọc lại. Chi phí khá thấp, chỉ dao động 3-4 triệu đồng tùy vào từng loại xe sedan hoặc SUV.

Da công nghiệp hay da tổng hợp là loại da được tạo nên bởi thành phần chính từ dầu mỏ và da thật. Các mảnh da thật được nghiền nát rồi trộn cùng với các chất kết dính và phụ gia để tạo thành tấm da hoàn chỉnh. Đặc tính của da công nghiệp khá tốt, tương đương hoặc có thể tốt hơn so với các loại da thật nhờ công nghệ ngày càng cao. Chi phí để bọc ghế một chiếc xe bằng da công nghiệp vào khoảng 6-7 triệu đồng.

BMW X1 sử dụng da tổng hợp Sensatec.

Hiện nay, nhiều mẫu xe phổ thông, thậm chí xe sang vẫn sử dụng loại da này với chất lượng cao hơn thông thường. Các mẫu xe của Mercedes như C-Class hay E-Class đang sử dụng da Aritco cũng là một loại da công nghiệp. Với BMW, các mẫu series 3 hay series 5 tại Việt Nam hầu hết sử dụng da công nghiệp có tên là Sensatec.

Da thật

Da thật lấy từ da của động vật, chủ yếu là bò. Da thật là chất liệu cao cấp nhất dùng để bọc ghế. Loại da này thường xuất hiện trên những chiếc xe hạng sang đến siêu sang.

Da thật được lấy từ những con bò nuôi theo cách đặc biệt, ở những vùng đất khác nhau chủ yếu tại xứ lạnh. Mục đích của việc này là da bò nuôi tại xứ lạnh, ở nửa Bắc bán cầu thường dày hơn, dễ sử dụng hơn. Không khí lạnh cũng giúp cho bò ít bị côn trùng cắn, sẽ giữ miếng da được lành lặn, không có vết sẹo.

Đặc tính của da thật là sự mềm mại, chống bám bụi tốt hơn. Cũng chính vì là da thật, tấm da sẽ có lỗ chân lông, giúp việc thoát khí tốt hơn. Ngoài ra, màu sắc tự nhiên và công nghệ thuộc da giúp những chiếc xe sử dụng da thật trở nên sang trọng và đẳng cấp. Trở ngại lớn nhất của da thật là giá thành cao. Nguyên nhân phần lớn đến từ việc khoảng 70% số da thật trên thế giới được dùng để làm giày dép, túi xách hay áo da cao cấp. 30% số da còn lại được dùng cho nhiều mục đích khác nhau trong đó có sử dụng trong nội thất ôtô.

Range Rover SVAutobiography sử dụng da thật.

Không nhiều hãng xe sử dụng da thật cho chiếc xe của mình. Các hãng xe sang cũng chỉ sử dụng da thật trên những mẫu xe cao cấp, đầu bảng như Mercedes-Maybach, BMW Series 7, Jaguar XJL hay Range Rover Autobiography. Đây đều là những mẫu xe có giá bán lên tới 7 tỷ đồng tại Việt Nam

Rolls-Royce và Bentley nổi tiếng sử dụng nhiều da thật. Các hãng có riêng trang trại nuôi bò theo đúng tiêu chuẩn cùng nhà máy thuộc da lâu đời. Điều này đảm bảo việc làm chủ nguồn cung, công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm cuối cùng. Các hãng xe thường ưu tiên sử dụng da bò đực bởi ít bị co dãn hơn da bò cái vì quá trình sinh sản.

Bentley từng chia sẻ, nội thất của mỗi chiếc Mulsanne được tạo nên từ bộ da của 16 con bò khác nhau. Bentley kỹ tính tới mức chỉ sử dụng bò nuôi tại hai nơi là miền Nam nước Đức và bán đảo Scandinavia. Mỗi bộ phận trong nội thất như ghế ngồi, táp lô, vô lăng, cánh cửa lại được sử dụng một phần khác nhau của bộ da. Họ chỉ sử dụng da lưng và chân, các phần cổ, đuôi và vùng da nhăn đều bị loại bỏ...

Nội thất Rolls-Royce Phantom.

Với Rolls-Royce, hãng cần tới 18 con bò để bọc nội thất một chiếc Phantom. Cầu kỳ hơn, những con bò này phải cùng một giống và có độ tuổi tương đương nhau để đảm bảo sự đồng đều về màu sắc. Sau khi phân loại và tuyển chọn, các nghệ nhân phải làm liên tục trong 17 ngày mới hoàn thành công việc của mình. Ngoài ra, Rolls-Royce còn có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng bằng việc chọn da cá sấu, dê miễn đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của xe.

Bên cạnh đó, trần xe trên những mẫu cao cấp còn sử dụng một loại da thật khác thường gọi là da lộn hay Suede. Đây là lớp da phía bên trong, tiếp xúc phần thịt động vật. Đặc điểm của loại da này là mờ ở cả hai mặt, cho cảm giác mát mịn khi sờ vào.

Da Alcantara

Nhiều người hiện nay vẫn đang nhầm lẫn Alcantara là tên của một loại da hay vật liệu làm da. Đây thực tế là tên của công ty lớn nhất và nổi tiếng nhất sản xuất loại da này. Đây là loại vải Synthetic microfiber. Năm 1970, nhà khoa học người Nhật có tên Miyoshi Okamoto đã nghiên cứu và phát triển loại vật liệu này. Nhận thấy những ưu điểm của nó, ông kết hợp cùng tập đoàn Toray Industries Inc đăng ký nhãn hiệu cho vật liệu này.

Năm 1972, tập đoàn ANIC Group của Italy hợp tác với Toray Industries Inc thành lập công ty Alcantara SpA. Trong đó tập đoàn Italy nắm giữ 51% cổ phần và 49% còn lại thuộc về đơn vị Nhật Bản. Năm 1978, chiếc FIAT X 1/9 là dự án đầu tiên sử dụng da Alcantara.

Mercedes-AMG GTs sử dụng nhiều da Alcantara trong nội thất.

Da Alcantara bao gồm khoảng 68% polyester và 32% polyurethane, giúp tăng độ bền và khả năng chống vết bẩn. Da Alcantara cho cái nhìn cũng như cảm giác giống với da lộn. Đặc tính nổi bật của da Alcantara là chống nhăn, chống mùi, chống cháy, bền, đẹp và thân thiện với môi trường và rất bền màu...

Da Alcantara thường được sử dụng trên những chiếc xe thể thao, ở ghế hoặc vô-lăng. Một vài mẫu xe ở Việt Nam sử dụng da Alcantara như Porsche 911 GT3 RS, Mercedes-AMG GT, BMW M6, Subaru WRX Sti...

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục