Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bị quên panh trong bụng 18,5 năm: Bệnh nhân có được đền bù?
Thứ ba: 14:39 ngày 03/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sáng 1-1, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê đã đến Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên thăm ông M.V.N. vừa trải qua ca phẫu thuật lấy chiếc panh nằm trong bụng từ tháng 6-1998.


PGS.TS Lương Ngọc Khuê thăm ông M.V.N. sau ca mổ lấy panh tại Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên - Ảnh: NGỌC KHANH

Ông Khuê cho biết ông N. đang ở giai đoạn hậu phẫu cần chăm sóc nhưng ông đã tỉnh và có thể nói chuyện được.

Sơ sót hi hữu?

Sau 18 năm rưỡi nằm trong ổ bụng bệnh nhân N. sau một ca phẫu thuật, chiếc panh hầu như không bị gỉ sét và một số phần của cơ thể có dấu hiệu ôm bám vào chiếc panh. Theo ông Khuê, đây có lẽ là lý do làm chiếc panh không chạy lung tung trong cơ thể bệnh nhân.

Ông Khuê cho rằng đây là sơ sót rất hi hữu và ông N. là trường hợp bệnh nhân hi hữu, chiếc panh tồn tại trong cơ thể 18 năm rưỡi mà bệnh nhân hầu như không thấy gì bất thường.

Theo ông Khuê, xác định đây là sơ sót y khoa nên Bộ Y tế đã mời ông Trịnh Hồng Sơn, phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức và là bác sĩ đầu ngành ngoại khoa cùng ông Công Quyết Thắng, bác sĩ đầu ngành về gây mê, hỗ trợ Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên thực hiện ca mổ lấy panh cho ông N..

Ông Khuê cho hay sơ sót y khoa có thể xảy ra ở bất kỳ bệnh viện nào, ngay cả ở Mỹ điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển và quy trình chặt chẽ.

"Ngay năm 2016 vừa qua đã xảy ra những vụ việc như chẩn đoán sai dẫn đến việc cháu Hà Vi ở Đắk Lắk phải cắt chân, mổ nhầm chân ở Bệnh viện Việt Đức hay trường hợp các bé sơ sinh bị gãy xương, xẹp phổi, gãy chân... có nguyên nhân do không tuân thủ quy trình hay nhầm lẫn, thiếu cẩn trọng trong chẩn đoán, chăm sóc người bệnh.

Những sai sót như vậy phải được hạn chế ngay bằng cách tuân thủ tuyệt đối quy trình kỹ thuật và nâng cao trình độ chuyên môn của mỗi thầy thuốc" - ông Khuê nói.

TS Dương Đức Hùng, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện nay các êkíp liên thông công việc, sau khi nhóm phẫu thuật hoàn tất ca mổ sẽ đếm lại gạc và dụng cụ, sau đó bàn giao dụng cụ cho nhóm rửa dụng cụ.

Nhóm rửa sẽ phải đếm lại dụng cụ lần nữa, lúc đó nếu thiếu họ sẽ chụp X-quang tại giường cho bệnh nhân và xác định quên sót hay không ngay, không để như trường hợp bệnh nhân N..

Bệnh viện phải đền bù?

Rất nhiều ý kiến, kể cả của giới y khoa, cho rằng khó đền bù cho ông M.V.N., người bị để quên panh y khoa trong bụng 18 năm rưỡi. Nhưng theo ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn, nơi thực hiện ca phẫu thuật năm 1998 và để quên panh trong bụng bệnh nhân, sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù.

Theo một thống kê của Hội Điều dưỡng Việt Nam, khoảng 30% tai biến y khoa liên quan đến cá nhân.

Tuy nhiên ông Nguyễn Huy Quang cho hay sau khi bệnh nhân vào bệnh viện điều trị là đã phát sinh quan hệ dân sự giữa người bệnh và bệnh viện, trách nhiệm đầu tiên là của bệnh viện và bệnh viện sẽ phải đền bù cho bệnh nhân.

Sau này xác định được cá nhân liên quan thì cá nhân đó và bệnh viện cùng chi trả đền bù, nhưng đó là việc nội bộ của bệnh viện. Ở trường hợp cụ thể của ông N., kể cả trường hợp không tìm được hồ sơ bệnh nhân thì bệnh viện vẫn phải đền bù.

Cũng theo ông Quang, mức độ đền bù tùy thuộc vào thái độ của bệnh viện. Trong trường hợp bệnh viện thăm hỏi, chia sẻ và hỗ trợ bệnh nhân, tai biến cũng không nặng nề thì hai bên có thể thỏa thuận.

Trường hợp bệnh viện không chia sẻ hỗ trợ thì bệnh nhân có thể kiện ra tòa. Lúc đó tòa án sẽ xác định thiệt hại vật chất tinh thần và mức đền bù. Tuy nhiên ông Quang cho rằng nên thỏa thuận, bệnh viện và bệnh nhân thuận lợi hơn rất nhiều.

Ông Trịnh Hồng Sơn, người vừa thực hiện ca phẫu thuật lấy panh bị để quên, khuyến cáo các phẫu thuật viên và thành viên kíp mổ phải luôn cẩn trọng và làm đúng quy trình, nếu không việc quên, sót dụng cụ hoàn toàn có thể xảy ra.

Nguồn TTO 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh