Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bí thư chi bộ hết lòng với công tác bảo vệ môi trường
Thứ năm: 15:35 ngày 11/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Thời gian qua, trên địa bàn huyện Tân Châu có một bí thư chi bộ ấp luôn hết lòng với công tác bảo vệ môi trường. Đây là một điển hình cần được nhân rộng.

"Nhiệt tình, tâm huyết trong công việc, nhẹ nhàng, khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động, gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước", đó là nhận xét của nhiều người dân khi nói về ông Bùi Nguyên Tĩnh- Bí thư chi bộ ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp, huyện Tân Châu.

Bí thư chi bộ ấp Tân Trường Bùi Nguyên Tĩnh (áo trắng ngắn tay, bên trái) đến thăm một hộ dân.

Ấp Tân Trường nằm ở phía Tây của xã Tân Hiệp, có tổng diện tích trên 370 ha, ấp có 10 tổ tự quản và 7 hội đoàn thể, với 324 hộ dân, trên 1.200 nhân khẩu. Ấp được công nhận ấp văn hóa từ năm 2004 và giữ vững ấp văn hóa từ đó đến nay. 

Mô hình “Vận động nhân dân xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường” mà ấp Tân Trường vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen. Có đượ thành tích phải kể đến vai trò "đầu tàu" của Bí thư chi bộ Bùi Nguyên Tĩnh.

Ông Tĩnh sinh năm 1964, trước đây công tác tại nông trường Tân Hiệp thuộc Công ty cổ phần cao su Tân Biên. Ông về hưu năm 2015, năm 2017 được địa phương vận động tham gia hoạt động công tác Mặt trận ấp. Năm 2018 ông được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ.

Trong quá trình tham gia các hoạt động ở địa phương, ông Tĩnh luôn được cán bộ và người dân quý mến, tin tưởng. Là lao động chính của gia đình,n nên phải bận rộn chăm lo kinh tế. Dù vậy, để hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao, ông luôn hết lòng với công việc, lãnh đạo chi bộ thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước do các cấp phát động. Đặc biệt, trong phong trào vận động nhân dân xử lý rác thải, ông đã dành nhiều tâm huyết, sức lực, có nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả cao. 

Ông Bùi Nguyên Tĩnh cho biết, để thực hiện tốt được mô hình thu gom xử lý rác thải, ông cùng với Ban công tác Mặt trận và các tổ dân cư tự quản trong ấp khảo sát, thống kê và lập kế hoạch triển khai đến từng hộ dân về cách thức phân loại rác, đối với những loại rác dễ phân hủy như rau, củ, quả… thì gia đình tự xử lý, đối với những loại rác khó phân hủy thì tiến hành thu gom tập trung để thuê xe chở đi xử lý đúng quy định.

Bên cạnh đó, ông còn tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, như hạn chế sử dụng túi nylon và những vật phẩm khó phân hủy. Đồng thời triển khai thống nhất cách thức thực hiện, mức đóng góp để người dân tự nguyện đóng góp.

Quá trình vận động ấp cũng có những khó khăn. Ông Tĩnh chia sẻ: “Ban đầu có một số hộ dân chưa hiểu rõ lợi ích của chủ trương nên chưa đồng tình. Tôi đã cùng với các đảng viên, hội, đoàn thể trong ấp đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ và tự nguyện thực hiện”.

Mặc dù vậy, vẫn còn một số hộ ở sâu bên trong không đồng ý thực hiện, mặt khác xe chở rác cũng không thể vào được vì có quá ít dân, một số hộ muốn tự mình tiêu huỷ rác… Nhưng qua cách vận động kiên trì và thuyết phục người dân, đến nay toàn ấp đã có trên 80% số hộ dân tham gia mô hình, đây là một thành công lớn đối với một ấp vùng sâu của xã Tân Hiệp.

Ông Nguyễn Xuân Trường- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết, đối với công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn xã, nhìn chung chưa đạt hiệu quả cao. Nhưng riêng ấp Tân Trường lại thực hiện rất tốt. 

Bên cạnh mô hình “Vận động nhân dân xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường”, ấp còn vận động nhân dân vệ sinh môi trường, trồng hoa cỏ đậu hai bên lề đường ở các trục lộ trong ấp, mỗi tuyến đường được phân công cho một chi hội đoàn thể phụ trách vừa gom rác vừa chăm sóc hoa… đảm bảo mỹ quan chung cho toàn ấp.

Ngoài ra, ấp còn vận động người dân đóng góp ngày công lao động và tiền để sửa chữa đường lô. Kết quả trong năm 2018, ấp đã vận động được 350  ngày công lao động tham gia nâng cấp và làm sạch trên 7.500m đường lô và 2.500m bờ kênh mương; đóng góp 30 triệu đồng mua đá rải đường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Một góc trong khu dân cư ấp Tân Trường, xã Tân Hiệp.

Bí thư Tĩnh cho biết thêm, tính đến nay ấp đã có 260 hộ dân ủng hộ cuộc vận động bảo vệ môi trường, và  HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Châu đã ký hợp đồng thu gom rác thải tại các tuyến đường trong ấp. 

Cùng với sự cần cù, lao động, chịu khó, quyết tâm vươn lên của con người nơi đây và sự đóng góp của Bí thư chi bộ Bùi Nguyên Tĩnh đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở ấp Tân Trường. Đến nay, ấp chỉ còn 11 hộ nghèo, hộ giàu chiếm gần 50%; chất lượng sống của người dân nâng cao, môi trường cải thiện, rác thải được thu gom, xử lý theo quy định; 100% hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đặc biệt các khu chăn nuôi được đưa ra ngoài khu dân cư và có chuồng trại bảo đảm vệ sinh môi trường. Các tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang dần được loại bỏ, nhận thức của người dân về xây dựng nếp sống mới được nâng cao. 

Chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện mô hình “Vận động nhân dân xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường”, ông Tĩnh cho biết: “Công tác tuyên truyền vận động vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Chúng tôi đến từng tổ tự quản và tập trung người dân ở đây để tuyên truyền vận động. Mình phải nêu lên được kế hoạch để từ đó mọi người hiểu. Tuy nhiên, để ủng hộ tiền bạc thì người dân chưa đủ niềm tin với mình. Khi đó tôi mạnh dạn dùng tiền cá nhân đặt mua toàn bộ thùng đựng rác, sau đó đi thu gom lại. Khi người dân thấy được thực tế đó thì thu tiền rất dễ. Theo tôi, để cho người dân thấy được thực tế rõ ràng, họ đủ niềm tin thì họ sẽ ủng hộ mình”.

Có thể nói, để một mô hình phát huy được hiệu quả, điều quan trọng là không ngừng khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nhân dân; mọi việc được bàn bạc thấu đáo, rõ ràng, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân và đặc biệt là thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở thì mô hình đó sẽ rất thành công.

Chí Thành

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh