Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bí thư TP HCM đề nghị 'cách ly Đà Nẵng như Vũ Hán'
Thứ hai: 08:03 ngày 03/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần xác định Đà Nẵng là trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm và áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn.

Chiều 2/8, phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với các tỉnh, thành về phòng, chống Covid-19, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị áp dụng kinh nghiệm của Vũ Hán (Trung Quốc) để ngăn dịch bệnh tại Đà Nẵng.

Theo ông, trong số các tiêu chí mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố một quốc gia có dịch, là bình quân cứ một triệu dân thì 10 người nhiễm nCoV. "Việt Nam hiện ghi nhận 2,7 người nhiễm trên một triệu dân, còn xa tiêu chí này nên về tổng thể vẫn an toàn. Nhưng nếu tính riêng Đà Nẵng đã vượt mức an toàn", ông Nhân nói.

Đà Nẵng đến nay ghi nhận hơn 100 ca nhiễm, trong khi dân số thành phố khoảng một triệu người, tức là nếu tính riêng Đà Nẵng thì gấp 10 lần tiêu chí nêu trên của WHO. "Cần xác định Đà Nẵng là trung tâm dịch đặc biệt nguy hiểm", ông Nhân nói.

Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Như Quỳnh.

Dẫn thông báo của Bộ Y tế về việc lây nhiễm ở Đà Nẵng đã diễn ra âm thầm khoảng 2 đến 2,5 chu kỳ (một chu kỳ khoảng 2 tuần), nên có thể còn nhiều ca bệnh chưa được phát hiện, ông Nhân đề nghị "Đà Nẵng áp dụng biện pháp cao nhất để ngăn chặn".

Ông nói biện pháp cao nhất theo kinh nghiệm quốc tế là ở Vũ Hán (Trung Quốc). Tại Vũ Hán, ban đầu chính quyền yêu cầu tất cả mọi người ở nhà, mỗi nhà chỉ được một người đi chợ một lần trong ngày. Nhưng sau đó không ai được ra ngoài kể cả đi chợ, mỗi gia đình được phát phiếu thông tin nhu yếu phẩm và chính quyền tổ chức đến giao từng nhà.

Một vấn đề khác được Bí thư TP HCM đặt ra với Đà Nẵng là năng lực cách ly. Ông Nhân nêu, ở TP HCM trung bình cứ một người nhiễm thì phải cách ly 280 người liên quan, nếu áp dụng chỉ số này cho Đà Nẵng hiện nay có 100 người nhiễm thì cần 28.000 chỗ cách ly và rõ ràng thành phố không thể đủ chỗ cho số lượng này.

Bệnh viện C Đà Nẵng, nơi phát hiện ca bệnh và được cách lý từ ngày 24/7. Ảnh: Đắc Thành.

Bí thư Nhân đề nghị phải coi cách ly ở gia đình là quan trọng nhất, và mới chứa nổi số người cần cách ly. Bộ Y tế cần nghiên cứu, hướng dẫn về vấn đề này. "Theo tôi, thách thức lớn nhất hiện nay làm sao cách ly ở nhà thực sự hiệu quả, phải giám sát lẫn nhau. Tôi đồng tình với ý kiến của Thủ tướng là phải coi mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ trên pháo đài đó", ông Nhân nói.

Bí thư TP HCM dự báo từ 23/8 đến 30/8 là giai đoạn "nguy cơ cao", nếu không có giải pháp quyết liệt Việt Nam sẽ vào ngưỡng 10 người nhiễm/một triệu dân; cả nước sẽ có 970 người điều trị trong bệnh viện (hiện có 216 bệnh nhân). Nếu không làm quyết liệt, sau "thời gian vàng" 30 ngày sắp tới, Việt Nam sẽ vào diện cả quốc gia có dịch. Trong đó, TP HCM và Hà Nội là hai địa phương "nguy cơ" vì từ ngày 1/7 đến 27/7, rất nhiều người từ Đà Nẵng trở về hai thành phố này; chỉ tính riêng người đi máy bay từ Đà Nẵng về TP HCM đã vào khoảng 140.000.

Do vậy, Chính phủ cần có các biện pháp chống dịch đặc biệt cho Đà Nẵng, TP HCM, Hà Nội và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế và Đắk Lắk.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói, tính đến 12h ngày 2/8, Hà Nội ghi nhận gần 84.000 người về từ Đà Nẵng từ ngày 8/7 đến nay (tăng thêm 11.000 người so với số rà soát của ngày 1/8).

Tất cả trường hợp đi từ Đà Nẵng, Quảng Nam và những vùng có dịch về thủ đô đều được test nhanh. Thành phố đã xét nghiệm được hơn 67.000 người, ghi nhận 11 trường hợp dương tính nhưng khi xét nghiệm lại thì 10 ca âm tính, còn một trường hợp đang chờ kết quả.

"Hà Nội đã kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch từ cấp thành phố đến cơ sở, nhưng không chủ quan, lơ là để thực hiện tốt mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm duy trì sản xuất, phát triển kinh tế", ông Chung nói và cho hay nếu đến ngày 12/8, Hà Nội không phát hiện thêm ca nhiễm nào thì có thể nói, thành phố đã tương đối an toàn.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, do ca nhiễm tăng nhanh, các cơ sở cách ly của Đà Nẵng đã hoạt động hết công suất; thành phố đang huy động thêm các cơ sở cộng cộng, trường học...

"Nếu dịch bùng phát mạnh hơn thì sẽ cách ly tại nhà, tuy nhiên phải thực hiện chặt chẽ. Hiện Bộ Y tế chưa khuyến khích cách ly tại nhà, nhưng Đà Nẵng vẫn chuẩn bị đề phòng trường hợp khu vực cách ly công cộng quá tải", ông Thơ nói.

Trong 9 ngày qua, kể từ khi phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên, Đà Nẵng ghi nhận tổng cộng 120 ca, Quảng Nam 35, TP HCM 8, Đăk Lăk ba, Hà Nội hai và Quảng Ngãi mỗi nơi hai, các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Đồng Nai mỗi nơi một.

Tổng số ca nhiễm cả nước lên 620, trong đó 373 người đã khỏi, sáu người tử vong, 241 bệnh nhân đang điều trị.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục