PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Biến cố dồn dập với Tổng thống Hàn Quốc sau tuyên bố thiết quân luật
Thứ sáu: 08:23 ngày 06/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Cảnh sát Hàn Quốc ngày 5-12 đã mở cuộc điều tra về cáo buộc Tổng thống Yoon Suk Yeol phạm tội phản quốc khi ban bố thiết quân luật nửa đêm 3-12. Cùng ngày, phe đối lập chiếm đa số trong Quốc hội nước này vừa đề xuất luận tội Tổng thống và cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày 7-12.

\

Sau tuyên bố thiết quân luật ngắn ngủi, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất

Biến cố xảy đến dồn dập

Cuộc điều tra về cáo buộc phản quốc được giao cho nhóm điều tra an ninh thuộc Văn phòng Điều tra Quốc gia của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia sau khi có 2 đơn khiếu nại được đệ trình. Một đơn khiếu nại do đảng đối lập Tái thiết Hàn Quốc đệ trình, trong khi đơn khiếu nại còn lại do một nhóm gồm 59 nhà hoạt động đệ trình.

Các đơn khiếu nại không chỉ cáo buộc ông Yoon Suk Yeol mà còn cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, Tướng Park An-su - Tổng tham mưu trưởng Lục quân và Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min về tội phản quốc và các cáo buộc liên quan đến tuyên bố và dỡ bỏ thiết quân luật chỉ trong vài giờ đồng hồ.

Trong cuộc họp ban lãnh đạo Đảng Dân chủ Hàn Quốc, phe đối lập chính tại nước này ngày 5-12, ông Lee Jae-myung - lãnh đạo đảng này cho rằng, những gì ông Yoon Suk Yeol đã làm vào đêm thiết quân luật - triển khai quân lính đến các tòa nhà của Quốc hội và cố gắng ngăn chặn các nỗ lực của quốc hội nhằm lật ngược quyết định của ông - là một nỗ lực đảo chính bất thành.

Theo ông Lee Jae-myung, Tổng thống đã cố gắng ngăn cản các nghị sĩ họp bất thường thông qua lực lượng cảnh sát và quân đội. Binh sĩ thực thi thiết quân luật còn tìm cách bắt giữ ông cũng như ông Woo Won-shik, Chủ tịch Quốc hội và ông Han Dong-hoon, lãnh đạo Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền.

Trong Bộ luật Hình sự Hàn Quốc, tội phản quốc được định nghĩa là hành vi lật đổ các cơ quan có chức năng được Hiến pháp bảo vệ hoặc ngăn cản họ thực hiện chức năng của mình bằng vũ lực.

Theo chuyên gia luật hình sự Lee Chang-hyun, việc Tổng thống ban bố thiết quân luật có thể không cấu thành tội phản quốc. Nhưng những gì xảy ra sau đó, chẳng hạn như tìm cách bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị, thì có thể.

Dự kiến Quốc hội Hàn Quốc sẽ ra bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Tổng thống vào ngày 7-12

Trong khi đó, trưa 5-12, 191 nhà lập pháp của các đảng đối lập đã đề xuất luận tội đối với Tổng thống với lập luận rằng ông Yoon Suk Yeol phải chịu trách nhiệm về “cuộc nổi loạn” liên quan đến tuyên bố thiết quân luật ngắn ngủi sáng sớm 4-12. Dự kiến cuộc bỏ phiếu luận tội sẽ diễn ra tại phiên họp toàn thể bất thường của Quốc hội ngày 7-12.

Nếu việc luận tội được thông qua, ông Yoon sẽ ngay lập tức bị đình chỉ chức vụ cho đến khi có phán quyết của Tòa án Hiến pháp. Tổng thống Hàn Quốc hiện đã đi được một nửa chặng đường trong nhiệm kỳ 5 năm của mình bắt đầu vào tháng 5- 2022.

Điều gì khiến Tổng thống tuyên bố thiết quân luật?

Trong cuộc họp báo vào đêm 3-12, Tổng thống Yoon Suk-yeol đề cập đến khả năng luận tội các quan chức chính phủ, một cuộc bỏ phiếu tại quốc hội nhằm bác bỏ ngân sách quốc gia năm tới và bê bối liên quan đến cả ông và vợ ông. Ông tuyên bố “các thế lực chống nhà nước” đứng sau tất cả những điều đó, nên sẽ tiến hành thiết quân luật.

Tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống đã gây sốc cho nhiều người ở Hàn Quốc, ngay cả với một số người trong Văn phòng Tổng thống và hầu hết các quan chức. Một số nguồn tin cho rằng, đó là một quyết định rất vội vàng được một nhóm rất nhỏ đưa ra.

Thiết quân luật đã không được áp dụng ở Hàn Quốc trong gần 40 năm, kể từ thời chính quyền quân sự giữa những năm 1980. Nhiều người, đặc biệt là những người trung niên, vẫn còn nhớ thời điểm đó, khi binh sĩ tiến vào Quốc hội, mọi hoạt động chính trị, đình công và tụ tập đều bị cấm.

Thực tế là, ông Yoon Suk-yeol đã buộc phải thu hồi lệnh thiết quân luật chỉ sau 6 giờ. Hiến pháp Hàn Quốc quy định, Tổng thống phải dỡ bỏ thiết quân luật nếu Quốc hội bỏ phiếu để chấm dứt lệnh đó.

Sinh viên Đại học Nữ sinh Sookmyung biểu tình tại Yongsan-gu, Seoul ngày 5-12, kêu gọi Tổng thống Yoon Suk Yeol từ chức

Cuối ngày 4-12, một nhóm nhân vật chủ chốt của khối cầm quyền đã nhóm họp sau sự kiện chấn động nói trên. Trong cuộc họp, ông Yoon Suk-yeol nói rằng thiết quân luật chỉ nhằm mục đích cảnh báo phe đối lập và ông biết biện pháp này sẽ được dỡ bỏ ngay sau khi Quốc hội yêu cầu.

Tổng thống giải thích rằng đây là lý do tại sao sau khi phát biểu trước công chúng 1 giờ, ông mới chỉ thị cho quân đội triển khai thực thi, điều này cho thấy ông không có ý định kiểm soát Quốc hội.

Ông Han Dong-hoon, lãnh đạo của Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền phản bác: “Thiết quân luật không thể là một lời cảnh báo. Ai lại sử dụng thiết quân luật như vậy?”.

Có vẻ như Tổng thống Yoon đã lường trước được việc Quốc hội bác bỏ biện pháp thiết quân luật nhưng vẫn tiến hành. Cảm nhận của nhiều người Hàn Quốc là Tổng thống chỉ muốn “cảnh báo” nhưng đã vượt qua ranh giới “không thể quay lại” và giờ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong sự nghiệp chính trị của mình.

Nguồn ANTD.VN

Tin cùng chuyên mục