Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Biện pháp khống chế sẹo lồi
Thứ hai: 15:51 ngày 30/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sẹo lồi được mô tả là sự phát triển nhanh chóng của lớp xơ sợi ở lớp hạ bì. Thường biểu hiện là một khối u cục, có phân thùy, mô đặc và có thể lan rộng sang tổ chức mô lành.

Nó phát triển nhanh từng đợt và không có biểu hiện thoái triển. Do vậy, không ít người cảm thấy mất tự tin vì sẹo, dù nó không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Hiện có nhiều công nghệ giúp chế ngự sẹo, tuy vậy, việc xóa sẹo không hề đơn giản. Trên thực tế, đã có trường hợp điều trị sẹo nhưng bị biến chứng phải nhập viện.

Ai dễ bị sẹo lồi?

Sẹo lồi (keloid) thường hay gặp ở người từ 15 - 40 tuổi, nữ hay gặp hơn nam và có yếu tố di truyền rõ. Sẹo lồi thường khởi phát sau một tổn thương ở da, có thể là tổn thương trên diện tích rất nhỏ như: trứng cá, thủy đậu, hạt cơm, côn trùng cắn, vết tiêm phòng hoặc sau phẫu thuật.

Vì vậy, có thể gặp ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể nhưng hay gặp ở những vùng da căng, cử động như ngực, lưng, bả vai và cũng có thể ở những vùng ít di động và ít sức căng như dái tai.

Thường sẹo lồi ít gặp ở người già và trẻ em, người có da sẫm màu dễ bị hơn là người da trắng. Nguyên nhân gây ra sẹo lồi hiện nay vẫn chưa rõ. Một số tác giả đặt ra giả thuyết do sự thay đổi tín hiệu tế bào kiểm soát phát triển và tăng sinh tổ chức, mất cân bằng giữa quá trình đồng hóa và dị hóa trong tiến trình lành vết thương.

Điều trị sẹo lồi đặt ra một thách thức lớn cho bác sĩ.

Đặc điểm của sẹo lồi

Sẹo lồi phát triển không ngừng, thường nổi cao trên mặt da và lan rộng ra ngoài ranh giới của sẹo, không bao giờ giảm theo thời gian, màu hồng hoặc tím, bề mặt nhẵn, cảm giác thường ngứa, đôi khi đau khi chạm vào sẹo. Cần phân biệt với sẹo phì đại ở những điểm sau: sẹo phì đại phát triển ngay sau khi chấn thương nhưng chỉ giới hạn trong ranh giới của sẹo, thường dừng phát triển và giảm sau 1 - 2 năm.

Sẹo tiến triển theo từng giai đoạn, ở giai đoạn đầu hoặc trong giai đoạn đang phát triển, tổn thương trở nên đỏ và tím, có nhiều mạch máu nhỏ nổi rõ dưới da. Trong giai đoạn tạm nghỉ, tổn thương đỡ căng cứng và ít mạch máu hơn nhưng nó vẫn tiến triển và đặc hơn so với tổ chức lành xung quanh. Không giống như sẹo quá phát, nó không có sự co kéo mô xung quanh.

Sẹo lồi sau phẫu thuật lấy bỏ đi thường có xu hướng mọc lại chậm, khi có biểu hiện căng cứng trên bề mặt là có biểu hiện mọc lại. Không có biểu hiện thoái triển, lấy đi có sự tái phát và có xu hướng lan ra mô bình thường, đây là những đặc điểm rất quan trọng để phân biệt với sẹo quá phát.

Một số vùng của cơ thể có khuynh hướng biểu hiện sẹo lồi là: một nửa trên của cơ thể như: đầu, cổ, ngực vai và cánh tay. Trong đó, vùng hay gặp nhất là dái tai, cổ bên, vùng cơ delta, sẹo lồi cũng có thể gặp ở xung quanh rốn và có thể gặp ở cả vùng mu.

Ngoài yếu tố di truyền còn có một số yếu tố thuận lợi gây sẹo lồi như: do căng kéo vùng vết thương, do da vết thương không bằng phẳng, khâu vá không đúng lớp giải phẫu.

Do nhiễm khuẩn hoặc dị vật tại vết thương như: lông tóc, u hạt gây nên xu hướng lành vết thương thứ phát.

Về điều trị sẹo lồi

Điều trị sẹo lồi đặt ra một thách thức lớn cho bác sĩ điều trị vì tỷ lệ tái phát cao và thường không đáp ứng với điều trị. Có nhiều biện pháp điều trị nhưng cho đến nay không có một liệu pháp duy nhất nào đạt hiệu quả 100%.

Tiêm corticoid: Tiêm corticoid thường có hiệu quả khi thấy vùng sẹo bắt đầu dày lên hoặc ngay khi bệnh nhân được phát hiện có cơ địa sẹo lồi. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp là teo da tại vùng tiêm, giãn mạch, mọc lông, trứng cá, rối loạn kinh nguyệt, mất sắc tố không hồi phục…

Phẫu thuật lạnh: Làm lạnh thương tổn bằng ni-tơ lỏng gây tổn thương các mạch máu và teo biến, phá hủy tổ chức xơ, collagen làm cho tổ chức xẹp xuống. Biện pháp này hiệu quả, ít biến chứng nhưng cần chú ý thời gian đóng băng không quá 25 giây để tránh biến chứng mất sắc tố.

Không được áp lạnh quá giới hạn sẹo vì có thể làm sẹo rộng ra do làm tổn thương tổ chức lành. Có thể kết hợp với tiêm corticosteroid làm tăng tỷ lệ đáp ứng điều trị lên đến 84%. Tuy nhiên, khi kết hợp 2 phương pháp này, có thể gặp nguy cơ loét lâu lành tại tổn thương.

Phẫu thuật: Cắt bỏ thương tổn thường cần kết hợp với các biện pháp khác để tránh tái phát như tiêm corticosteroid trước, sau phẫu thuật, băng ép, dán silicon, bôi imiquimod… Có nhiều kỹ thuật cắt bỏ được đề nghị như phẫu thuật vạt da xẻ đôi, cắt để lại ranh giới sẹo. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn hạn chế với tỷ lệ đáp ứng khoảng từ 50 - 80% và phẫu thuật chỉ áp dụng cho một số trường hợp nhất  định.

Băng ép sau mổ: Sau mổ, sẹo lồi có thể được băng ép bằng gelastic hoặc silicon sẽ làm hạn chế sự phát triển của sẹo lồi. Đây là phương pháp an toàn và ít đau, tuy nhiên, có thể bị dị ứng ngứa tại vị trí băng ép.

Đè ép: Bằng miếng dán sẹo silicon trong một vài tháng, có thể đến 1 năm, thường làm hạn chế được sự phát triển to lên của sẹo.

Phẫu thuật bằng laser: Thường cũng đem lại hiệu quả như phẫu thuật thường và kèm sau đó là điều trị phối hợp thêm bằng các phương pháp khác.

Chất ức chế tế bào mast.

Liệu pháp gene.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hiện nay, do nhiều người lo sợ mất thẩm mỹ về sẹo lồi nên thường tìm mọi phương pháp trong đó điều trị theo mách bảo, điều trị ở các cơ sở y tế không có uy tín để xóa sẹo, tuy nhiên, đã có trường hợp bị biến chứng. Vì vậy, khi bị sẹo lồi, cần đến các cơ sở y tế có uy tín và được cấp phép. Bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn các biến chứng có thể xảy ra và hướng xử trí khi cần thiết, tránh những chỉ định hoặc tiêm không đúng kỹ thuật và các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguồn SKĐS

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh