Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2024 và tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 (từ ngày 1.7.2024 đến ngày 31.3.2025).
Người tiêu dùng mua thực phẩm tại chợ.
Theo đó, giai đoạn 1 của kế hoạch từ ngày 1.7 đến 31.12.2024, tỉnh thực hiện các hoạt động bình ổn hàng hoá bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân trong các ngày lễ cuối năm và tết dương lịch, dự trữ hàng hoá phòng, chống thiên tai. Giai đoạn 2 từ ngày 1.1.2025 đến hết 31.3.2025, thực hiện các hoạt động bình ổn hàng hoá đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân cho dịp tết Nguyên đán và các ngày lễ đầu năm.
Hàng hoá tham gia gồm nhóm lương thực, thực phẩm thiết yếu và nhóm nhiên liệu như xăng, dầu diesel, dầu hoả, gas. Tổng trị giá hàng hoá dự trữ đáp ứng nhu cầu thị trường trong 1 tháng là gần 260 tỷ đồng, bao gồm: 11.700 tấn gạo, ngũ cốc; 650 tấn đường; 780.000 lít dầu ăn; 780 tấn thịt gia cầm; 2.340 tấn thịt gia súc; 6,5 triệu quả trứng gia cầm; 13.000 tấn rau, củ quả; 650 tấn thuỷ hải sản; 650.000 lít nước mắm; 650.000 lít nước tương... Nhóm hàng hoá huy động tăng cường trong dịp tết chiếm khoảng 30% - 35% nhu cầu thị trường như bánh mứt, kẹo phục vụ Tết và rượu, bia, nước giải khát.
Ngành chức năng khảo sát tình hình dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đối với công tác bán hàng bình ổn thị trường, UBND tỉnh giao các doanh nghiệp tổ chức bán hàng bình ổn tại các siêu thị hiện hữu kết hợp bán hàng trực tuyến thông qua các ứng dụng thương mại điện tử. Ngoài ra, các doanh nghiệp thực hiện bán hàng lưu động tại các chợ truyền thống, khu - cụm công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực nông thôn và các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; phối hợp bán hàng lưu động với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hoá thiết yếu bình ổn thị trường của các hộ tiểu thương buôn bán trong chợ, bổ sung các nguồn hàng thiết yếu của địa phương để phục vụ dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Bên cạnh đó, các địa phương triển khai kế hoạch sắp xếp trật tự kinh doanh cho các hộ tiểu thương, bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân trước, trong và sau tết Nguyên đán, nhất là những ngày cận Tết.
Siêu thị Co.opMart Trảng Bàng chuẩn bị nguồn hàng hoá dồi dào phục vụ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cục Quản lý thị trường phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường- nhất là giai đoạn trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm việc tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Cục Quản lý thị trường kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, ghi nhãn hàng hoá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... để không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm bảo đảm ổn định thị trường phục vụ nhu cầu Tết cho Nhân dân.
Trúc Ly