Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bỏ nghiện game, trở thành “người thép”
Thứ ba: 20:57 ngày 21/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Từ một chàng trai nghiện game, không mê thể thao, những nỗ lực rèn luyện sức khỏe đã đưa Phạm Minh Quang - chàng trai 30 tuổi đang làm việc ở Singapore - lập nên kỳ tích tại đấu trường 3 môn phối hợp danh tiếng Ironman 70.3.

Anh Quang thi đấu tại Ironman 70.3 Subic Bay 2017 mới đây Ảnh: P.M

Thi đấu xuất sắc ở giải Ironman 70.3 Subic Bay (diễn ra tại Philippines), Phạm Minh Quang trở thành người Việt đầu tiên giành được tấm vé chính thức tham dự Giải vô địch thế giới Ironman 70.3 diễn ra tại Mỹ vào tháng 9 tới.

Phát hiện từ một lần xả... stress

Đúng như tên gọi, Ironman (tạm dịch: người thép) là một cuộc thi thử thách sức bền, khả năng vận động mạnh mẽ của người chơi ở 3 môn khác nhau, bao gồm: bơi lội, đạp xe và chạy bộ. Ra đời cách đây hơn 10 năm bởi một tổ chức ở Mỹ, Ironman 70.3 nhanh chóng trở thành cuộc thi mang tính toàn cầu. Có rất nhiều giải đấu Ironman được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có cả ở Đà Nẵng. Các cuộc thi này đều mang tính chất vòng loại của giải vô địch thế giới diễn ra thường niên. Con số “70.3” tượng trưng cho tổng hành trình kéo dài 70,3 dặm (113km), bao gồm 1,9km bơi, 90km đạp xe và 21,1km chạy bộ (bán marathon).

Và trong cuộc thi diễn ra tại Philippines hôm 12-3, Phạm Minh Quang về đích với tổng thành tích 5 giờ 50 phút 53 giây, đứng thứ 14 nhóm tuổi 30-34, hạng 136 chung cuộc đã giành được tấm vé tham dự giải vô địch thế giới. Trước Quang từng có 2 người Việt tham dự giải thế giới hồi năm 2016, nhưng là dưới dạng suất đặc cách cho VN - nơi đang tham dự đấu trường này ngày càng nhiều.

Mới cách đây hơn 5 năm, chuyện giành vé dự giải vô địch thế giới một cuộc thi 3 môn phối hợp danh tiếng với Phạm Minh Quang - khi ấy còn là một du học sinh vừa trở về thăm quê nhà (Hà Nội) từ Pháp - gần như là chuyện đùa. Không chơi thể thao, Quang cho biết khi đó còn chơi game khá nhiều và chẳng có chút đam mê nào với việc tập luyện.

“Thời còn đi học ở VN lẫn Pháp, tôi chơi game rất nhiều và không hề chơi thể thao. Đến năm 2012, tôi trở về quê thăm nhà sau khi lấy bằng tốt nghiệp và bắt đầu đến với thể thao. Câu chuyện nói ra thật vô lý và buồn cười, lúc đó tôi mang tâm lý của một chàng trai trong tuổi trưởng thành, thích nổi loạn, thích phong cách lãng tử. Trong một lần bị cắt mất mái tóc dài vì anh thợ nhầm lẫn, tôi bực mình xách giày ra chạy bộ để giải tỏa stress và chạy một mạch đến hơn 20km. Tất nhiên là chỉ chạy chậm thôi. Trở về nhà, tôi nhận ra mình cũng có tố chất và nên tập thể thao để thay đổi lối sống lành mạnh hơn” - anh Quang kể.

Câu chuyện của Quang thật khó tin khi 20km, gần một nửa hành trình marathon (42,2km) là một chặng đường rất dài, đặc biệt là với những người không hề tập thể thao. Chia sẻ về điều này, Quang nói: “Có lẽ là do lối sống của tôi ở Pháp, tuy không chơi thể thao nhiều nhưng cũng không thụ động. Ở phương Tây không giống như VN, người ta đi bộ rất nhiều khi làm việc. Mỗi lần đi đến trạm tàu điện ngầm đều 1-2km, rồi rời trạm đến trường học cũng không dưới 1km. Mỗi ngày tính ra tôi đi bộ cả chục kilômet khi đi học, mua sắm, đi chơi...”.

Từng suýt ngất trên đường đua

Từ lần chạy bộ đường trường lần đầu tiên trong đời này, Quang thay đổi lối sống của mình sang hướng hoàn toàn tích cực khi sang Singapore làm việc. Những tháng đầu tiên, anh dùng những ngày cuối tuần để tập chạy bộ, luôn đạp xe mỗi khi có thể và ngày càng cải thiện dần thể lực. Quang cũng dành thời gian đăng ký tham gia các cuộc thi chạy ở Singapore, nổi tiếng nhất là cuộc thi marathon thường niên Standard Chartered.

Nhưng giải đấu thể thao đầu tiên mà chàng VĐV nghiệp dư này tham dự diễn ra chính tại quê nhà, Giải marathon quốc tế Đà Nẵng trong một lần về thăm nhà. “Sức ép của một cuộc thi khiến tôi hầu như muốn ngất xỉu. Tôi chỉ chạy với tốc độ trung bình như lúc tập luyện được trong khoảng hơn 20km đầu. Đến 10km cuối, tôi hầu như chỉ đi bộ. Nhưng rồi một anh bạn người Nhật và tôi đã hỗ trợ lẫn nhau để cùng về đích. Đó là một kỷ niệm không thể quên” - Quang kể.

Không muốn gò bó trong mỗi môn chạy bộ, Quang bắt đầu rèn luyện nhiều hơn ở 2 môn xe đạp và bơi lội để có thể dự thi các cuộc đua 3 môn phối hợp. Khó khăn nhất là bơi lội, môn thể thao mà cho tới giờ dù đã bơi 1,9km chỉ trong 42 phút, Quang vẫn thừa nhận đó là môn mà mình “ghét nhất”.

“Đến năm 2015 tôi mới học bơi, vài tháng sau là dự Ironman 70.3 luôn. Lần đầu tiên dự giải ở Đà Nẵng, tôi gặp một phen hoảng hồn. Khi đó, có một đoạn trên đường bơi không có dây để bám, lại nằm ở giữa đường. Bơi đến nửa đường, tôi bắt đầu mệt, định bám dây để thở nhưng vì không có nên đành bơi tiếp. Biển ở Đà Nẵng đẹp, yên bình nhưng vẫn khó khăn hơn so với bơi trong hồ nhiều. Mà bơi lội lại là chặng đua đầu tiên trong 3 môn phối hợp nên khi “lết” được đến khoảng nửa quãng đường chạy thì đã mệt đứt hơi” - Quang kể.

Nhưng rồi với nghị lực đã làm việc gì cũng phải nỗ lực đến cùng, Quang tiến bộ thần tốc trong cả 3 môn thi đấu để rồi tháng 9 tới đây, chàng nhân viên kiểm toán này sẽ đại diện cho VN tham dự đấu trường của những “người thép” toàn thế giới.

Tập luyện như VĐV chuyên nghiệp

Với thói quen tính toán tỉ mỉ của một người học ngành kinh tế, Quang lên lịch tập luyện rất kỹ lưỡng, chẳng kém gì một VĐV chuyên nghiệp. Trong tuần lễ trước khi tham dự Ironman 70.3 Subic Bay, lịch tập luyện của VĐV 30 tuổi này kín từ đầu cho đến cuối tuần với nhiều cây số bơi lội, chạy bộ và đạp xe mỗi ngày.

Quang còn tìm đến HLV để cải thiện thành tích của mình, bắt đầu với HLV Jonathan Fong - một cựu VĐV 3 môn phối hợp chuyên nghiệp, Phạm Thúy Vi - HLV bơi người Việt làm việc tại Singapore và hiện tại là HLV Colin O’Shea, với mức học phí vào khoảng 200 SGD/tháng (khoảng 3,2 triệu đồng).

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục