Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ðã từng có thời miền đất ấy có tên là xã Tam Long. Ðấy là vào năm 1948, khi huyện Bến Cầu còn chưa có.
Đường liên xã ở Tam Long.
Lúc ấy: “về phía cách mạng, 6 xã thuộc quyền quản lý của huyện Châu Thành thu gọn lại thành 2 xã: Một là xã Tiên - Lợi - Thuận…
Hai là xã Tam Long gồm: Long Chữ, Long Giang và Long Khánh...” (sách Truyền thống cách mạng huyện Bến Cầu (1945- 1975) do Ban Tuyên giáo Huyện uỷ xuất bản năm 1997).
Ðã có lần tôi bươn xe máy trên địa bàn ba xã Tam Long. Bên kia đường 786, trước nơi cắm biển di tích thành bảo Long Giang có một cửa hàng bán diêm tro, ông chủ vô cùng xởi lởi, mến khách. Ông mời tôi uống trà, rồi bắt đầu kể về miền quê của mình- những Long Giang, Long Chữ và Long Khánh. Câu chuyện liên quan đến các di tích lịch sử xa xăm ở vùng đất Bến Cầu. Cũng là vì nơi đây vừa có chuyện- người thì xây nhà lầu kề sát bên bờ thành đất của ngôi thành bảo, có nguy cơ lấn vào di tích; người thì làm nhà tạm, cả nhà ở và chuồng bò trên một đoạn bờ thành. Huyện, xã cũng đã tới kiểm tra, xem xét.
Tới Bến Cầu, tự nhiên 4 từ “Bù Lu - Chuối Nước” lại bật lên thành câu hỏi: Bù Lu - Chuối Nước bây giờ ở đâu? Ông chủ cửa hàng bảo: vẫn ở Long Giang. Vậy mà xưa nay tôi vẫn tưởng nó ở đâu xa xôi mãi miền biên giới Long Phước. Bà lão bán rau đi qua chêm vào: “Mà Bàu Lu chứ không phải Bù Lu”!
Nhớ tên ấy, vì trong nhiều sách sử ở Tây Ninh đều nhắc đến chiến khu xưa Bù Lu - Chuối Nước trên miền đất Bến Cầu. Sách đã dẫn kể trên có đoạn: “Rừng Bù Lu - Chuối Nước trong thời kỳ chống Mỹ được nguỵ quyền Tây Ninh rất nể, gọi là “chiến khu”. Bên cạnh còn có các căn cứ lõm như Bàu Gõ, Sóc Khuất, Rừng Huỷnh, Bàu Rong… ghi lại bao chiến tích anh hùng và trở thành niềm tự hào của đồng bào và chiến sĩ Bến Cầu”.
Hẹn gặp lại Bù Lu ở cuối những chặng đường Tam Long. Còn trước mắt, bắt đầu từ Long Khánh. Vâng! Tam Long ba xã, mỗi xã đều có đình, chùa mà nhiều người đã biết. Nhưng đẹp nhất cho tới hiện nay vẫn là Long Thọ thuộc về Long Khánh, sau đó là Long Bửu ở Long Giang. Ðình và chùa ở Tam Long đều được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Nhưng vẫn còn kia những ngôi miếu thờ nằm khuất nẻo mà đôi khi còn cũ xưa hơn cả đình, chùa.
Các ông ở Hội Người cao tuổi xã Long Giang như Võ Thành Ði, Lê Ngọc Trinh đều nhắc đến 3 ngôi miếu thờ khi kể về truyền thống cách mạng ở quê mình. Ðấy là Hà Gia miếu ở Long Khánh và hai ngôi miếu Bà thuộc Long Giang- một ở ấp Cao Su, một thuộc về Xóm Khách.
Sách Ba thế hệ xanh một chặng đường của Tỉnh đoàn Tây Ninh đã ghi về nhóm Ðảng đầu tiên của Tây Ninh tại Giồng Nần. Rằng: “Nhóm hai đồng chí Bảy Son và Tám Ðộ giữ gìn liên lạc và sự chỉ đạo của chi bộ Ba Ty hoạt động theo thế nửa hợp pháp ở Long Giang, Long Khánh và Long Chữ…”. Hoạt động ấy, theo các cụ cao tuổi ở Long Giang là tổ chức các hội đoàn quần chúng thành các vạn cày, vạn cấy, cúng miễu… mà thực chất là các Nông hội Ðỏ trong thập niên 30, thế kỷ XX. Cả 3 ngôi miếu kể trên đều trở thành các cơ sở đầu tiên của phong trào cách mạng Tây Ninh.
Không ai nhớ những ngôi miếu miền Tam Long có tự bao giờ, có lẽ có từ thuở ông bà đi khai phá đất rừng Quang Hoá, khi miền đất này còn đầy thú dữ. Miếu Hà Gia vẫn còn đó. Trước cổng tam quan rêu xám, vẫn đọc được đôi hàng câu đối: Thánh Ðức hiền thần lưu hậu thế/ Tông Hà gia tế cổ nhơn truyền.
Ở bên ấp Cao Su, thuộc xã Long Giang cũng thế. Giữa đồng xanh là một cụm rừng như để chở che ngôi miếu cổ. Vài ba cây to lực lưỡng, tán lá mướt xanh rừng rực nở bông vàng. Vẫn còn một cây cầy của rừng xưa như gánh chịu sức nặng thời gian, lún xuống. Cây cầy ở miếu Bà Long Giang, cũng giống hệt cây cầy mà tôi thấy trong vườn chùa Bàu Tượng. Hôm ấy, sư trụ trì Thích Nghiêm Bình chỉ dẫn tôi ra khoe mỗi cây ấy thôi, dù chùa đã có thêm nhiều hoa kiểng đẹp và rất lạ. Khoe là vì trên thân cây có cả mấy cái hốc tròn xoe, trong ấy một chú chim cú mèo đang thiếp ngủ. Trong câu chuyện của ông chủ cửa hàng ở ngã ba Long Giang, thì cũng thấy chim cú lượn bay trong đêm ở miếu Bà. Chợt nhớ trước cửa hàng của ông là những cây gõ và sao trùm lên ngôi miếu nhỏ thờ Lãnh binh Két- một nhân vật nổi tiếng của thời Tam Long đánh Pháp khi triều Nguyễn đã phải nộp 3 tỉnh miền Ðông cho giặc. Trên chót vót các cành cao kia, ửng vàng những tổ chim dồng dộc hệt như những mảnh trăng rừng.
Có lẽ cả huyện Bến Cầu, nói rộng ra là cả Tây Ninh, ít có nơi nào giữ được những vùng đất nước vẹn nguyên, thanh sạch như ở Tam Long. Dù đất này đã trải qua bao cuộc kháng chiến, giữ từng tấc đất. Nói như Bí thư Huyện uỷ Bến Cầu Võ Quốc Thới viết trong một bài báo là đất này “từ gian khổ đi lên” (Báo Tây Ninh ngày 25.9.2017).
Giữ lời hẹn ước, phải tìm vào Bù Lu - Chuối Nước, mà bà bán rau ở ngã ba Long Giang kể vẫn còn một cái bàu xưa tên gọi Bàu Lu. Thì đây, ngay trên trục đường qua ấp Cao Su vào Long Phước đã thấy cầu Bù Lu, dài 25, rộng 6,5 mét. Hai bên mố cầu đang rừng rực bông tràm vàng y như những cây mai ngày tết khổng lồ. Kênh (hoặc rạch) Bù Lu chảy qua, mới vừa được nạo vét, đắp bờ còn roi rói nâu tươi màu đất. Hai bên đầy ngập những vườn mía với cao su. Vì thế chăng mà không còn thấy bóng dáng cây chuối nước đã từng làm nên một địa danh đồng nghĩa với kiên cường, bất khuất?
Rất nhiều bỡ ngỡ khi đi dọc miền đất Tam Long. Như đoạn qua ngả Long Khánh về chùa Long Thọ, ta sẽ gặp một cây cầu mang tên Mồ Côi. Lại nhớ về Long Chữ. Ở đấy cũng có một địa danh là bến Mồ Côi. Bỡ ngỡ trước các con đường năm xưa đất đỏ bụi mù trời nay đã thẫm đen mặt nhựa. Và con đường cứ thế trườn đi giữa mênh mông bờ bãi, chân trời. Người của đất Tam Long có lẽ chưa bị nhiễm thói quen của người vùng đô thị. Rằng khi đã có đường thì cửa nhà cố gắng chen ra, len lấn ven đường. Ði khắp các nẻo đường qua Long Khánh, Long Giang hay Long Chữ, thế nào ta cũng gặp những ngôi nhà cô đơn, hoặc những chòm nhà nổi lên giữa bao la rẫy ruộng. Mỗi nhà, khóm nhà giống như một con tàu hay hòn đảo giữa mênh mông biển lúa xanh vàng.
Tôi từng bỡ ngỡ trước sự tồn tại lạ kỳ của các ngôi miếu cổ- cứ cột cây, mái lá mái tôn mong manh thế mà đã vượt qua cả mấy trăm năm. Thì hôm nay lại bỡ ngỡ trước sắc xanh kỳ diệu của Tam Long. Nơi nào cũng ắp đầy những cao su, mía và lúa, có khi là bắp lai và thuốc lá vàng. Trên chặng về từ ấp Cao Su, anh giáo viên trẻ đi cùng đường chỉ cho tôi nẻo đường dễ đi về Long Chữ. Con đường ấy mặt nhựa thẫm đen, hun hút giữa hai bên toàn cao su như hai bức tường thành xanh sẫm. Ai đó đã có sáng kiến trồng cỏ voi bên lề đường. Chắc là cỏ voi cho trang trại bò sữa ở Long Khánh đây mà!
TRẦN VŨ