Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Bộ Ngoại giao đang triển khai đàm phán với 80 nước về miễn thị thực song phương.
Việt Nam luôn được bình chọn là điểm đến ưa thích của khách du lịch
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, chiều 18/3/2024, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn.
Đại biểu Tạ Thị Yên - đoàn Điện Biên cho rằng, trong nhiều năm trở lại đây Việt Nam luôn được bình chọn là điểm đến ưa thích của khách du lịch, đã ký kết các thỏa thuận miễn thị thực đối với một số nước nhằm thu hút du lịch.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ có một số ít nước miễn thị thực cho công dân Việt Nam và việc xin thị thực cho công dân Việt Nam còn khó khăn. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết vai trò của Bộ Ngoại giao trong vấn đề này và giải pháp để cải thiện tình hình, tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài và ngược lại” - bà Yên chất vấn.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, đất nước ta ngày càng có vị thế, cơ đồ và tiềm lực như chưa bao giờ có như hiện nay như Tổng Bí thư đã khẳng định. Điều đó thể hiện các nước đều coi Việt Nam là điểm đến rất an toàn hiệu quả, có nhiều danh lam thắng cảnh, lịch sử, nhận được sự quan tâm rất lớn của bạn bè quốc tế.
Vấn đề là trong xu thế mở cửa hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay không phải chỉ các nước đến Việt Nam mà công dân Việt Nam có nhu cầu rất lớn ra bên ngoài vừa làm ăn, du lịch, thăm thân. Do đó, Bộ Ngoại giao đã thúc đẩy giao lưu quốc tế hiện nay; tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đơn giản hoá các thủ tục về xuất nhập cảnh cho công dân nước ngoài, cũng như đồng bào ta ở nước ngoài về nước.
Trong đó, Quốc hội đã thông qua Luật Xuất nhập cảnh đối với công dân Việt Nam cũng như công dân nước ngoài, trong đó tạo thuận lợi rất nhiều đến thời gian lưu trú tại Việt Nam và tăng cường cấp visa du lịch. Vừa rồi chuyến thăm Australia, các bạn Australia đánh giá rất cao việc chúng ta triển khai visa du lịch rất thuận tiện.
Ngoài ra có 13 nước mà chúng ta miễn thị thực đơn phương với công dân các nước đến Việt Nam du lịch. Đây là những địa bàn du lịch trọng điểm. Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành đàm phán trực tiếp với các nước đạt được 15 nước có hiệp định miễn thị thực song phương. Như vậy chúng ta có 28 nước công dân có thể đi lại với nhau.
Đây là hướng chính sẽ triển khai trong thời gian tới để công dân của ta ra nước ngoài cũng như đảm bảo công dân nước bạn vào Việt Nam, nhờ đó, vị thế của chúng ta cũng tăng lên. "Trong điều kiện chưa làm được hộ chiếu phổ thông, Bộ đang triển khai đàm phán với 80 nước về miễn thị thực song phương, tức là có đi có lại về hộ chiếu ngoại giao và công vụ" - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông tin.
Như vậy, tạo điều kiện cho các lãnh đạo, bộ, ngành, địa phương đi công tác nước ngoài được thuận tiện hơn rất nhiều. Ngược lại, chiều vào chúng ta trong thời gian qua tạo thuận lợi tốt. Tới đây, chủ trương tiếp tục theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ đàm phán, ký kết miễn thị thực song phương giữa 2 nước vừa tạo thế cho công dân Việt Nam ra nước ngoài, và ngược lại công dân nước ngoài vào Việt Nam.
Quảng bá hình ảnh của đất nước, địa phương
Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - đoàn Đắk Nông đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết kết quả của việc triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa trong việc quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng?
Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.
Trả lời chất vấn đại biểu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Bộ Ngoại giao đã ban hành chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2021-2030 và đã tham mưu Chính phủ ban hành. Đây là sự phát triển kế tiếp của chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011-2020; đồng thời có một số nội dung mới.
Để triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa, Bộ trưởng cho rằng, các hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp nâng cao quảng bá được hình ảnh của đất nước, địa phương, con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, của bạn bè quốc tế.
Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao triển khai một số việc. Đầu tiên, ở cấp độ quốc tế, chúng tôi chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO).
Hiện nay, trong UNESCO có 7 cơ chế quan trọng nhất, Việt Nam được bạn bè quốc tế tín nhiệm bầu vào 5 vị trí quan trọng nhất của UNESCO, trong đó có Ủy ban di sản thế giới mà chúng ta được bầu vào với số phiếu cao. Đây là một cơ chế hợp tác liên thông để chúng ta phối hợp với bạn bè quốc tế trong việc nâng cao hợp tác văn hóa.
Ở cấp độ quốc gia, hoạt động ngoại giao văn hóa cũng giúp tạo dấu ấn rất quan trọng thân thiện với bạn bè. Đặc biệt, hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao thời gian qua các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh của địa phương mình trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao. Chúng tôi cho rằng những hoạt động này sẽ đóng góp rất lớn vào hoạt động chung.
Nguồn congthuong