Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bổ nhiệm cán bộ: Đừng nhầm lẫn giữa giỏi chuyên môn và tài quản lý
Thứ ba: 09:09 ngày 16/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
“Nếu anh giỏi về chuyên môn thì giao nhiệm vụ đặc biệt về chuyên môn, chứ không phải cứ giỏi chuyên môn lại lên làm quản lý”.

VOV phỏng vấn ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội.

PV: Thưa ông, trong các Nghị quyết của Đảng luôn nhấn mạnh đến công tác cán bộ. Đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 4 vừa qua đã nhấn mạnh một trong 27 biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị đạo đức là việc tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích. Từ các sai phạm gần đây trong công tác cán bộ thì biểu hiện suy thoái trong công tác cán bộ đã ở mức trầm trọng, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Chức: Công tác cán bộ được Bác Hồ quan tâm ngay từ những ngày đầu cách mạng. Điều này cũng cho thấy chuyện cán bộ, chuyện con người, chuyện nhân sự là vô cùng quan trọng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa nào cũng rất quan tâm đến việc này, coi công cán bộ là then chốt của mọi then chốt.

Vì thế, không phải có vấn đề về cán bộ, chúng ta mới đặt ra Nghị quyết mà công tác cán bộ phải được quan tâm thường xuyên, liên tục. Những lời Bác dạy vẫn còn thấm thía đến tận bây giờ. Trước thực trạng nhiều nơi làm không đúng, càng đặt ra vấn đề phải rà soát lại, phải làm thật nghiêm túc công tác cán bộ.

Công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt, quyết định mọi công tác khác, vậy chúng ta đã làm được tốt chưa? Có thể nói chúng ta làm được nhiều nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu. Vậy phải xem lại chỗ nào được chưa được? Vì sao chỗ nào cũng nói đúng quy trình nhưng chất lượng lại kém thế?

bo nhiem can bo dung nham lan giua gioi chuyen mon va tai quan ly

Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội

Vấn đề phải tìm ra những lỗ hổng trong công tác cán bộ để giải quyết, nếu không giải quyết được thì các vấn đề khác cũng chỉ nói trên lý thuyết. Tôi xin nhắc lại, con người quyết định tất cả. Vậy con người là nhân tố không thể thay thế.

Thời đại nào thì có con người đó. Chúng ta phải xem trong giai đoạn mới, tình hình mới như hiện nay thì tiêu chuẩn của người cán bộ phải như thế nào? Phải làm thế nào để có được từng cán bộ trong cả hệ thống bộ máy cán bộ hoạt động hiệu quả, đồng bộ. Vì thế, Trung ương 4 đã đặt ra công tác cán bộ là then chốt của mọi then chốt trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn đúng lúc.

PV: Trong thời gian qua, mặc dù có nhiều sai sót trong công tác cán bộ nhưng qua đây cũng thấy được sự chỉ đạo quyết liệt của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước quyết tâm xử lý các vụ việc vi phạm. Những việc làm này cũng cho thấy sự quyết tâm chỉnh đốn, lấy lại niềm tin của nhân dân, thưa ông?

Ông Nguyễn Viết Chức: Không phải bỗng dưng mà Trung ương lại ra Nghị quyết Trung ương 4, trong đó nhấn mạnh 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị đạo đức, đặc biệt là công tác cán bộ.

Chúng ta mừng là Đảng, Nhà nước, các đồng chí Trung ương đã nhìn thấy vấn đề, đặt trúng vấn đề và thể hiện rõ quyết tâm. Nhưng qua các vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây chúng ta lại buồn, lại lo lắng vì sao nó lại diễn ra rộng khắp đến thế, từ các Bộ ngành, địa phương rồi các cấp, chỗ nào cũng thấy có sai sót, bất cập trong công tác cán bộ.

Câu hỏi đặt ra ở đây là Đảng ta đã nhìn thấy và đặt trúng “bệnh”, thì dù nặng hay nhẹ thì đều phải chữa. Chữa bệnh phải từ căn nguyên, gốc của mầm bệnh chứ không phải chữa triệu chứng, như vậy mới có thể trị được bệnh.

Chữa từ gốc là phải lấy các nguyên tắc của Đảng, trở lại với những điều mà chúng ta đã thực hiện được trong những thời điểm khó khăn nhất để làm căn cứ.

Vậy ở đây câu chuyện là thế nào? Rõ ràng là chúng ta thực hiện chưa nghiêm. Nói là đúng quy trình, nhưng quy trình gì mà có người chưa thực hiện công chức được ngày nào đã được bổ nhiệm làm quản lý. Vụ trưởng, Vụ phó hay Trưởng, Phó phòng trước hết phải qua quá trình làm nhân viên. Bộ Nội vụ cũng đã có quy định rõ ràng về việc này.

Nhưng nói thế cũng không có nghĩa là không động viên, khuyến khích những người xứng đáng. Những người có tài đức thực sự thì cũng phải bổ nhiệm sớm để khuyến khích và tận dụng tài năng của họ.

Đừng nhầm lẫn giữa giỏi chuyên môn và tài quản lý

PV: Thưa ông, đồng ý với ông là phải khuyến khích, tận dụng tài năng của những người có tài thực sự. Nhưng trong bổ nhiệm cán bộ, ông có cho rằng đang có sự nhầm lẫn giữa tài năng về chuyên môn và quản lý. Vì thế có tình trạng cứ chuyên môn giỏi thì sẽ được bổ nhiệm làm quản lý?

Ông Nguyễn Viết Chức: Đúng thế. Chúng ta phải đặt đúng con người vào những công việc cụ thể. Nếu anh giỏi về chuyên môn thì giao nhiệm vụ đặc biệt về chuyên môn, chứ không phải cứ giỏi chuyên môn lại lên làm quản lý.

Đừng nhầm lẫn việc học giỏi, hay có bằng Tiến sĩ thì sẽ quản lý giỏi. Bấy lâu nay chúng ta đã nhầm lẫn rất nhiều. Một người rất giỏi về chuyên môn, nếu để họ cống hiến cho chuyên môn có thể họ sẽ trở thành nhà khoa học nổi tiếng. Nhưng khi bắt họ sang làm quản lý thì cuối cùng chúng ta có một nhà quản lý tồi và một nhà khoa học dở dang.

Rõ ràng, công tác cán bộ lâu nay chúng ta quan tâm nhưng chưa đúng và chưa trúng nên để lại hậu quả rất nặng nề. Đâu đâu cũng nói chọn người tài, bồi dưỡng nhân tài. Xã hội người tài có rất ít, thế giới này người tài cũng ít thôi nhưng những xã hội văn minh, xã hội tiến bộ được là có nhiều người biết việc, và được sắp xếp đúng người đúng việc. Điều đó vô cùng quan trọng. Bác đã từng nói dụng nhân như dụng mộc. Cây cong làm chỗ cong, thẳng làm chỗ thẳng, tài cấy thì giao đi cấy…

PV: Thưa ông, vì sự nhập nhèm như vậy nên nhiều nơi dù biết vẫn lợi dụng tiêu để chọn “người tài” theo ý muốn của mình?

Ông Nguyễn Viết Chức: Xã hội hiện đại thì sự phân công công việc càng ngày càng cụ thể và sâu sắc. Vì thế việc biết người, biết việc thì mới hiệu quả. Phải đúng người đúng việc trước đã, từ công việc mới xuất hiện những người tài. Tài trong công việc chứ không phải tài trên lý thuyết. Trong xã hội chỉ có mươi người tài đã là tốt lắm rồi, còn lại là phải người biết việc.

Còn nếu chỉ từ lý thuyết suông sẽ dẫn đến có những tiêu chí tù mù, thậm chí lợi dụng tiêu chí để chọn “người tài”. Ví dụ như ở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chọn cán bộ nói là tài vì bằng cấp cao, biết nhiều ngoại ngữ… Trường hợp này chưa kinh qua công việc thì làm sao biết được tài hay không tài. Còn nếu họ có nhiều bằng ngoại ngữ thì có thể tuyển làm chuyên viên để tận dụng được khả năng của họ.

Tôi cho rằng việc chọn cán bộ, người tài phải căn cứ, quán triệt sâu sắc Nghị quyết chứ không làm hời hợt. Phải có Nghị quyết thì mới có căn cứ để làm chứ không có Nghị quyết thì lấy đâu tiêu chí để làm. Có Nghị quyết còn không làm đúng, không làm đến nơi đến chốn huống chi không có Nghị quyết.

Thứ nữa là về việc kiểm tra tổng thể tất cả các bộ ngành, địa phương về công tác cán bộ. Theo tôi, việc này có thể thông báo cho tất cả các địa phương, tỉnh, thành, quận huyện, xã phường tự rà soát, báo cáo lại công tác cán bộ căn cứ vào những tiêu chuẩn, tiêu chí. Nếu có vấn đề thì phải tự báo cáo, nếu không báo cáo mà để phát hiện ra thì phải xử lý đến nơi đến chốn. Làm như thế mới hiệu quả chứ không phải báo chí hay dư luận phát hiện ra đến đâu lại mới làm đến đó.

Cứ tiếp diễn tình trạng phê bình kiểu “khen ngợi” thì làm sao tốt lên được

PV: Thưa ông, một trong những giải pháp để hạn chế việc việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ không đúng hay được nhắc đến là kiểm soát quyền lực. Vậy quy chiếu lại những sai sót trong thời gian vừa qua, phải chăng chúng ta chưa làm được việc này?

Ông Nguyễn Viết Chức: Theo tôi công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực về lý thuyết có từ lâu đời chứ không phải bây giờ mới có. Xu thế là đã có quyền thì lại muốn có quyền lớn hơn, không kiểm soát được quyền lực sẽ mất dân chủ. Đây cũng là vấn nạn của con người, của xã hội loài người, người ta tìm mọi cách để lạm quyền.

Xã hội nào cũng tôn trọng việc kiểm soát quyền lực, nếu không kiểm soát được quyền lực, người ta dễ dẫn đến lạm quyền. Lạm quyền thì không bao giờ thúc đẩy xã hội tốt được cả.

Trước thực tế này, Đảng ta đã có nhiều giải pháp để đấu tranh dưới hình thức phê bình và tự phê bình, kiểm điểm, kiểm tra, kiểm soát cũng chính là nhằm mục tiêu kiểm soát quyền lực.

Nhưng trên thực tế việc kiểm soát quyền lực đang rất hạn chế. Khi không kiểm soát được quyền lực thì dẫn đến lạm quyền, dẫn đến việc tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm “thần tốc” cán bộ.

PV: Vậy theo ông, quyền lực sẽ được kiểm soát hiệu quả bằng cách nào?

Ông Nguyễn Viết Chức: Để công tác cán bộ được thực hiện hiệu quả thì nhất định chúng ta phải kiểm soát được quyền lực. Nghĩa là người có quyền phải chịu trách nhiệm trước quyền đó. Không phải khi có quyền thì thỏa sức “ban phát”, nhưng đến khi có hậu quả lại không chịu trách nhiệm.

Thứ hai là anh có quyền lực và chỉ được dùng đúng quyền lực đó thôi. Nếu dùng quá giới hạn thì sẽ có một hệ thống tự động “thổi còi”. Làm được như vậy mới kiểm soát được quyền lực.

Đã có quy chế rất rõ của Bộ Nội vụ một cơ quan có bao nhiêu cấp phó, bao nhiêu người làm cán bộ. Không thể có chuyện một cơ quan có vài chục người nhưng có đến 80-90% làm cán bộ. Người ta cứ luôn lợi dụng việc “đúng quy trình” để lạm quyền. Nếu cán bộ nhiều như vậy ai sẽ là người làm. Như vậy anh đã lạm quyền vì một lợi ích nào đó.

Kiểm soát quyền lực là một công việc mang tính khoa học, là bản chất của chế độ. Chế độ của ta là vì dân, do dân nên mọi thứ phải để dân kiểm soát được.

PV: Để kiểm soát quyền lực, Đảng ta đã có nhiều giải pháp để đấu tranh dưới hình thức phê bình và tự phê bình. Ông có cho rằng, những sai phạm trong công tác cán bộ cũng có một nguyên nhân là việc nể nang, né tránh, biết làm sai nhưng không ai lên tiếng hoặc không dám lên tiếng?

Ông Nguyễn Viết Chức: Để kiểm soát quyền lực, một tiêu chí quan trọng đã được Đảng ta đặt ra là phê bình và tự phê bình. Nhưng trên thực tế, lâu nay chúng ta không thực hiện hoặc thực hiện việc này còn hình thức, chiếu lệ.

Chẳng hạn có chuyện gì sai sót trong cơ quan, đơn vị, địa phương thì mọi người đều biết nhưng không ai có ý kiến. Người làm sai cũng hiểu được nhưng họ cứ làm. Biết nhưng việc phát huy dân chủ, sự phê bình và tự phê bình quá kém.

Nếu cứ tiếp diễn tình trạng nể nang, né tránh, phê bình theo kiểu “khen ngợi” thì làm sao tốt lên được. Việc này trái với bản chất tốt đẹp của người Đảng viên là vì sự nghiệp chung mà đoàn kết với nhau, góp ý thẳng thắn cho nhau.

Tôi ủng hộ quyết tâm của Trung ương Đảng là phải làm trong sạch đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Chủ trương thì đúng rồi và phải khẳng định là làm được vô cũng khó. Nhưng khó cũng phải làm, từ năm này sang năm khác, khóa này sang khóa khác và phải làm kiên trì thì mới có kết quả.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Nguồn VOV

Tin cùng chuyên mục