Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị của cử tri về Luật Thuỷ lợi
Thứ tư: 14:31 ngày 26/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vừa qua, qua tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, cử tri Tây Ninh nêu kiến nghị: Hiện nay, Luật Thuỷ lợi và văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thuỷ lợi chưa định nghĩa và hướng dẫn cụ thể một số nội dung.

Tuyến kênh đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông nhìn từ trên cao. Ảnh minh hoạ

Đó là chưa định nghĩa “tưới, tiêu chủ động một phần”; “tạo nguồn tưới, tiêu bằng trọng lực”. Do đó, việc xác định biện pháp tưới để được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi gặp khó khăn.

Thứ hai là chưa hướng dẫn cụ thể “tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tiêu, thoát nước khu vực nông thôn và đô thị trừ vùng nội thị từ các công trình giao thông, công trình thuỷ lợi được Nhà nước giao quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ theo quy định”.

Lý do, hiện nay các công trình tiêu, thoát nước cho khu vực này (khu vực nông thôn và đô thị) bắt nguồn từ hệ thống tiêu, thoát nước của công trình giao thông chảy vào công trình thuỷ lợi sau đó chảy ra sông nhưng chưa xác định cụ thể đối tượng quản lý vận hành, khai thác và bảo vệ các công trình nêu trên để làm cơ sở thu tiền sử dụng dịch vụ thủy lợi khác.

Do đó, cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh Luật Thuỷ lợi và hướng dẫn cụ thể 2 nội dung trên.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời kiến nghị trên như sau: Một số cụm từ kỹ thuật chuyên ngành “tưới tiêu động lực”, “tưới tiêu trọng lực”, “tưới, tiêu chủ động một phần”, “tạo nguồn tưới, tiêu bằng trọng lực”... được thực hiện từ Nghị định số 112-HĐBT ngày 25.8.1984 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thu thuỷ lợi phí; Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28.11.2003 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; Nghị định số 154/2007/NĐ-CP ngày 15.10.2007; Nghị định số 115/2008/NĐ-CP ngày 14.11.2008; Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10.9.2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28.11.2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi.

Kể từ khi chuyển cơ chế từ thuỷ lợi phí sang giá sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi, theo quy định tại Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30.6.2018 của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không được giao hướng dẫn các nội dung nêu trên.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 96/2018/NĐ-CP, trong đó bỏ quy định kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi dựa vào biện pháp tưới tiêu.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh “Ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ công làm cơ sở ban hành đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của địa phương” để phục vụ công tác thực hiện dự toán và thanh quyết toán việc giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trong đó có sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi.

Kênh dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua huyện Châu Thành. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30.6.2018 của Chính phủ quy định: Tiêu, thoát nước khu vực nông thôn và đô thị trừ vùng nội thị là sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi, không phải sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi khác.

Tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tiêu, thoát nước khu vực nông thôn và đô thị trừ vùng nội thị được hỗ trợ 100% tiền sản phẩm, dịch vụ theo mức giá cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định, trên cơ sở giá tối đa do Bộ Tài chính quy định theo thẩm quyền.

Tiêu, thoát nước khu vực nông thôn và đô thị trừ vùng nội thị được tính theo đơn vị đồng/nội dung công việc/năm. Trường hợp không xác định được cụ thể nội dung công việc thì tính theo đồng/ha lưu vực tiêu thoát nước, nhưng mức giá tối đa không quá 5% mức giá sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi của tưới đối với đất trồng lúa/vụ.

Như vậy, Nghị định số 96/2018/NĐ-CP đã quy định rất rõ: tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tiêu, thoát nước khu vực nông thôn và đô thị trừ vùng nội thị, được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí theo mức giá của UBND cấp tỉnh quyết định. Từ năm 2018-2021, Bộ Tài chính đã quy định mức giá tối đa của dịch vụ này là 5% mức giá sản phẩm, dịch vụ thuỷ lợi của tưới đối với đất trồng lúa/vụ.

An Khang

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục