Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ Tài chính: Ðề nghị giảm thuế giá trị gia tăng 2%
Thứ hai: 09:20 ngày 30/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bộ Tài chính đã triển khai nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT theo quy trình, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL

Dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề và kéo dài, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, cùng với sự biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ đã làm cho nền kinh tế xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có thể thấy trong giai đoạn 2020-2023, các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế ở mức lớn chưa từng có.

Từ năm 2020 đến nay, tổng trị giá của các giải pháp miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, phí, lệ phí và tiền thuê đất) đã lên đến khoảng 700 ngàn tỷ đồng. Riêng năm 2023 khoảng 196 ngàn tỷ đồng và tính đến tháng 9 năm 2023 đã thực hiện khoảng 152,2 ngàn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ này đã tổng hợp nội dung đề xuất chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho năm 2024 vào Tờ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2011-2025.

Tại nội dung thứ năm điểm 1 Thông báo số 2913/TB-TTKQH ngày 22.10.2023 của Tổng thư ký Quốc hội thông báo Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kiến nghị tiếp tục thực hiện thuế suất thuế GTGT như Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội cho 6 tháng đầu năm 2024 có nêu: “Đề nghị Chính phủ đánh giá tác động, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, Tờ trình theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản pháp luật trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

Thực hiện Thông báo số 2913/TB-TTKQH nêu trên, để bảo đảm tiến độ trình Chính phủ trình Quốc hội, Bộ Tài chính đã triển khai nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT theo quy trình, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc xây dựng nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hoá và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Bộ Tài chính, Luật thuế GTGT hiện hành quy định 2 mức thuế suất thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT). Số thuế phải nộp = số thuế GTGT đầu ra - số thuế GTGT đầu vào. Hàng hoá, dịch vụ mua vào của cơ sở kinh doanh có loại áp dụng thuế suất 10%, 5% hoặc không chịu thuế GTGT. Do vậy, đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh số thuế GTGT phải nộp. Đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% thì sẽ phát sinh số thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào).

Thời gian áp dụng từ ngày 1.1.2024 đến hết ngày 30.6.2024.

Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 4,175 ngàn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024, tương đương khoảng 25 ngàn tỷ đồng.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như bảo đảm sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hoá hệ thống thuế, đơn giản hoá thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; trong điều hành yêu cầu cả ngân sách Trung ương và ngân sách các địa phương phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết (kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) để bảo đảm cân đối chi ngân sách, không làm phát sinh tăng bội chi so với mức Quốc hội đã quyết định.

K.D

(tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục