Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 18.11, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức hội nghị trực tuyến Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam 2020 (Vietnam Open Summit 2020) với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì.
Đại biểu dự tại điểm cầu Tây Ninh.
Tham dự hội nghị, tại điểm cầu của Bộ TTTT, có đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; một số trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong nước; các hội, hiệp hội công nghệ thông tin – truyền thông. Tại điểm cầu Sở TTTT Tây Ninh, có đại diện các sở, ngành, đơn vị có liên quan.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, công nghệ mở ngày nay không chỉ là mã nguồn mở mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở, đi cùng công nghệ mở là văn hóa mở.
Trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu, càng nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. Việc mở dữ liệu và dữ liệu mở là quyết định trong việc tạo ra giá trị mới cho người dân, cho đất nước. Bộ TTTT đã ra mắt cổng quốc gia về mở dữ liệu data.gov.vn và hiện đã có trên 10.000 bộ dữ liệu.
Nghiên cứu sản xuất thiết bị dựa trên công nghệ mở sẽ cho phép các doanh nghiệp công nghệ hợp tác, kết hợp sức mạnh của nhau để đi nhanh hơn, chuyên sâu hơn để công nghệ xuất sắc hơn. Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G. Hai doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước là Viettel và VinGroup, sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G, dưới sự chỉ đạo của Bộ TTTT, 2 đơn vị này đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở Open RAN.
Trong đó, VinGroup tập trung làm phần vô tuyến - phần cứng, Viettel tập trung làm phần xử lý tín hiệu - phần mềm, và tích hợp thành sản phẩm thương mại. Sự hợp tác này đã đẩy nhanh tiến độ làm chủ thiết bị, cũng như kết hợp thế mạnh công nghệ của nhau để có được thiết bị 5G cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra, sự kết hợp này cũng cộng lại thị trường của hai tập đoàn để tạo ra một thị trường lớn hơn.
“Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại.
Vietnam Open Summit lần thứ nhất không chỉ là cam kết mà còn là chiến lược, chương trình hành động của Việt Nam về phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ.
Tại hội nghị, các chuyên gia, diễn giả, đại diện một số doanh nghiệp đã tham gia trao đổi, báo cáo chuyên đề về chiến lược phát triển công nghệ mở của Việt Nam; mạng truy cập vô tuyến 5G mở và thiết bị 5G made in Vietnam; làm chủ công nghệ hạ tầng điện toán đám mây; phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo mở; ứng dụng công nghệ mở để làm chủ công nghệ; phát triển phần mềm thế hệ thứ hai với dữ liệu mở; nền tảng hợp đồng thông minh và nền kinh tế mã nguồn mở; phát triển cộng đồng mở…
Trúc Ly