Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời kiến nghị của cử tri Đồng Tháp gửi trước kỳ họp thứ 7 về giải quyết thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - Ảnh: GIA HÂN
Cử tri đề nghị Bộ Y tế có giải pháp khắc phục tình trạng sợ sai phạm trong đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị y tế dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, vắc xin, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế thời gian qua.
Nhất là tình trạng thiếu thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế và vật tư y tế ở các bệnh viện.
Thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay thời gian qua, nguồn cung ứng thuốc, thiết bị y tế cơ bản đảm bảo cho cả nhu cầu sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh và ngoài thị trường bán lẻ.
Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế chỉ xảy ra cục bộ do vẫn tồn tại một số nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng hậu đại dịch COVID-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (Albumin, Globulin...).
Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân chủ quan như các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc (thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm...).
Việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố (BAT), huyết thanh kháng nọc rắn...) do không xác định được nhu cầu vì các bệnh ít gặp và không lường trước về thời điểm, số lượng.
Nhằm bảo đảm thuốc, thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, thời gian qua Bộ Y tế đã xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết 80/2023 của Quốc hội cho phép các thuốc đủ điều kiện được gia hạn duy trì hiệu lực lưu hành đến hết năm 2024.
Đồng thời là nghị định 07/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 98/2021 của Chính phủ về quản lý trang bị y tế... Bên cạnh đó, bộ đã ban hành thông tư liên quan việc đấu thầu thuốc.
Các văn bản được ban hành, theo Bộ Y tế đã cơ bản tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do bất cập của một số quy định như không được mua, bán thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua, bán cao hơn giá kê khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua, bán.
Giá gói thầu được xác định từ ít nhất 3 báo giá của các nhà cung cấp khác nhau trên địa bàn tại thời điểm gần nhất, tối đa không quá 90 ngày trước ngày trình cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu...
Ngoài ra Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan xây dựng Luật Đấu thầu, trong đó có một chương quy định về đấu thầu thuốc, thiết bị y tế, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc, bao quát các tình huống, trường hợp trong thực tiễn.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện tối đa cho đấu thầu, mua sắm
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị, địa phương trong việc đấu thầu, mua sắm trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật.
Trong đó có chủ trì, đầu mối báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét Luật Dược sửa đổi tại kỳ họp thứ 7 theo hướng đơn giản hóa thủ tục cấp giấy lưu hành thuốc, nhằm cải cách tối đa thủ tục hành chính.
Đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thiết bị y tế.
Xây dựng cơ chế, phương án thực hiện đảm bảo nguồn cung các loại thuốc hiếm; tranh thủ sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới viện trợ một số loại thuốc rất hiếm.
Đặc biệt tăng cường trách nhiệm của các cơ sở y tế, địa phương trong việc chủ động xác định nhu cầu, dự trù, xây dựng kế hoạch, đấu thầu mua sắm, đặt hàng và các biện pháp nhằm đảm bảo cung ứng thuốc, thiết bị y tế. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo nguồn cung ứng.
Nguồn TTO