Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 1-6, nhằm khẩn trương khắc phục sự cố cầu BOT Tân Nghĩa bị sập, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa có công điện khẩn gửi UBND tỉnh Đồng Tháp và Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp.
Theo đó, để giải quyết sự cố, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT Đồng Tháp và các đơn vị có liên quan khẩn trương báo cáo sự cố với UBND tỉnh Đồng Tháp, các cơ quan chức năng địa phương và phối hợp xử lý theo qui định tại Nghị định 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Hiện trường vụ cầu BOT bị sập.
Theo đó, nguyên nhân ban đầu sơ bộ xác định do phương tiện qua cầu vượt quá tải trọng cho phép, hậu quả làm 1 xe tải và 1 xe ba gác cùng nhịp cầu rơi xuống sông; phía dưới có 1 phương tiện giao thông thủy bị kẹt dưới gầm cầu.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chỉ đạo Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp và các đơn vị liên quan cần tổ chức cứu hộ xe tải, xe ba gác và tài sản bị ảnh hưởng; có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế các nguy hiểm có thể tiếp tục xảy ra; thực hiện tổ chức đảm bảo giao thông tạm thời và thông báo trên các phương tiện truyền thông; khẩn trương nghiên cứu giải pháp xử lý, khắc phục công trình cầu Tân Nghĩa trong thời gian sớm nhất.
Đối với UBND tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng của tỉnh, chính quyền địa phương kiểm tra, xác định nguyên nhân gây ra sự cố để xử lý nghiêm theo quy định; thực hiện công tác khắc phục sự cố và tổ chức thực hiện đảm bảo giao thông tuyệt đối an toàn và thông suốt.
Như đã thông tin, khoảng 13 giờ 25 phút ngày 31-5, cầu Tân Nghĩa (thuộc địa bàn xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh) bị gãy đôi, gây tắc nghẽn giao thông của người dân tại địa phương. Trước khi cầu sập, người dân phát hiện một chiếc xe tải chở bột mì di chuyển ngang cầu. Trên xe có một tài xế và phụ xế.
Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu khắc phục nhanh sự cố sập cầu.
Tại hiện trường, phần giữa cầu bị sập hoàn toàn, xe tải cùng tài xế và phụ xế rớt xuống sông. May mắn vụ việc không gây thiệt hại về người.
Cầu Tân Nghĩa khởi công tháng 6-2005, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12-2007 với tổng kinh phí thực hiện hơn 5 tỉ đồng, thời gian thu phí từ năm 2007 đến năm 2019. Sau thời gian thu phí theo hình thức BOT, đến tháng 2 vừa qua, cơ quan chức năng địa phương vừa thống nhất mua lại trạm thu phí từ nhà đầu tư, tạm ngừng thu phí sau hơn 11 năm thu phí.
Theo kết quả xác minh ban đầu, vào thời điểm trên, một số phương tiện cơ giới cùng tham gia giao thông qua cầu Tân Nghĩa theo hướng từ xã Tân Nghĩa đến xã Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh). Trong đó, có xe ôtô tải mang biển số 78C 046.27 do ông Hồ Thế Hữu (ngụ TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) làm chủ, chở hàng hóa (khoai mì) có tổng tải trọng khoảng 17.300 kg, lưu thông làm sập cầu.
Thời điểm xảy ra sự cố trên cầu có xe ba gác do anh Nguyễn Hoàng Thẩm lưu thông chở Nguyễn Minh Luân cùng rơi xuống sông.
Trong lúc sập cầu, phía dưới cầu có phương tiện thủy trọng tải 32 tấn đã làm bị thương 2 người, được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Thượng tá Nguyễn Văn Luận, Phó Trưởng Công an huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), cho biết thông qua công tác xác minh, bước đầu xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố sập nhịp giữa của cầu Tân Nghĩa là do tải trọng xe ôtô tải quá tải so với trọng tải cho phép qua cầu.
Sau sự cố, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã đến hiện trường yêu cầu huyện Cao Lãnh tiến hành cắm biển báo ngưng lưu thông tại 2 đầu cầu, thắp sáng vào ban đêm và không để người dân vào khu vực sự cố để đảm bảo an toàn. Cùng với đó, tổ chức phương tiện (đò) đưa đón miễn phí người dân lưu thông qua sông; có bảng hướng dẫn cho người dân lưu thông bằng tuyến đường khác thích hợp.
Sở GTVT thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tạm ngừng lưu thông trên tuyến đường hướng từ Tân Nghĩa đi Gáo Giồng trong thời gian khắc phục sự cố; huy động phương tiện trục vớt các phương tiện bị chìm tại hiện trường để đảm bảo cho các phương tiện thủy lưu thông trở lại; kiểm tra hồ sơ thiết kế cầu, thẩm định và làm chủ đầu tư để khắc phục hư hỏng; nếu tải trọng cầu không đảm bảo như hiện tại thì tính toán phương án hạ tải trọng để đảm bảo an toàn.
Nguồn NLĐO