Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nêu, cũng bởi hiệu quả kinh tế cao nên 12 tổ chức trong và ngoài nước sẵn sàng cho vay 5 tỷ USD không thế chấp để triển khai dự án giai đoạn 1.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Sáng 12-11, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1.
Đề xuất ACV làm chủ đầu tư 3/4 nhóm hạng mục giai đoạn 1
Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành gồm 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tiến độ chậm nhất đưa vào khai thác trong năm 2025.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, tổng mức đầu tư theo phương án kiến nghị của giai đoạn 1 là 111.689 tỷ đồng, tương đương 4,779 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư là vốn doanh nghiệp hàng không và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Về hình thức đầu tư, hiện giai đoạn 1 được phân thành 4 nhóm hạng mục. Theo đề nghị của Chính phủ, hạng mục 1 giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư và cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại; hạng mục 2 giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; hạng mục 3 giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp; hạng mục 4 giao ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư.
Thảo luận và tranh luận tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình với chủ trương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng HKQT Long Thành. Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc, đưa ra được tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, có cơ sở để giao đúng người đúng việc, đúng thời điểm, đạt hiệu quả cho dự án quan trọng quốc gia này.
Long Thành không thể là di sản “bỏ thì thương vương thì tội”
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội).
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) nêu, đề xuất của Chính phủ giao ACV làm chủ đầu tư 3 trong 4 hạng mục đầu tư chính với lý do ACV là đơn vị có lợi thế kinh nghiệm đầu tư và quản lý hàng không, và chủ động nguồn vốn đầu tư; việc vay vốn tổ chức tài chính quốc tế không cần bảo lãnh của nhà nước, nếu như giao trực tiếp cho ACV không qua đấu thầu, tiết kiệm 1,5 năm để triển khai sớm dự án.
“Tuy vậy, trong toàn bộ quá trình đầu tư chưa chắc đã rút ngắn được thời gian nếu so với việc chủ đầu tư là đơn vị tư nhân. Bản thân ACV là doanh nghiệp cổ phần do nhà nước nắm cổ phần chi phối. Về mặt nguyên tắc, bất kể hạng mục nào trong triển khai đều phải đấu thầu. Trong khi đó, nếu là nhà đầu tư tư nhân sẽ không phải mất thời gian đấu thầu các gói thi công nhỏ”, đại biểu Hoàng Văn Cường lý giải.
Đại biểu Đoàn Hà Nội cũng cho rằng chưa thể khẳng định chỉ có ACV mới có kinh nghiệm trong đầu tư cảng hàng không. Theo ông, ACV đúng là doanh nghiệp đang có nhiều kinh nghiệm và lợi thế nhiều nhất trong số các doanh nghiệp trong nước nhưng nhiều dự án do doanh nghiệp tư nhân chưa có kinh nghiệm đầu tư vẫn thành công, điển hình như là Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn “được hoàn thành trong thời gian thần tốc và chất lượng không còn nghi ngờ”.
“ACV cũng chỉ bảo đảm từ 1/2 đến 1/3 số vốn và vẫn phải huy động từ tổ chức tài chính quốc tế. Dù nhà nước không phải đứng ra bảo lãnh nhưng thủ tục tiến hành huy động vốn của doanh nghiệp nhà nước phức tạp hơn nhiều. Hơn nữa, nếu xảy ra rủi ro, nhà nước vẫn phải gánh chịu, vì đây là doanh nghiệp nhà nước”, đại biểu Cường phân tích để cho rằng, việc giao cho ACV cũng chưa phải là phương án huy động vốn tốt nhất.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nêu ra các yêu cầu, "dự án phải bảo đảm gia tăng hiệu quả kinh tế, tăng ổn định xã hội, tăng cơ sơ hạ tầng kinh tế và tăng trình độ công nghệ, phải là phần thưởng quý báu, không thể là di sản “bỏ thì thương vương thì tội” trên vai các thế hệ mai sau”.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa tán thành chủ trương giao dự án cho các nhà đầu tư trong nước, nhưng về vốn chắc chắn sẽ phải sử dụng cả hai nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư công, bao gồm vốn tự có, vốn ngân sách và vốn vay trong nước và nước ngoài.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Bạc Liêu) và đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cùng phân tích, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đưa ra yêu cầu không ảnh hưởng đến nợ công nhưng thực tế ACV có đến 95% cổ phần của nhà nước.
"Tuy nhiên, ACV dự kiến thực hiện dự án sẽ vay 2,628 tỷ USD, trong quá trình triển khai, nếu có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng đến phần vốn của nhà nước, làm tăng nợ công không?” - đại biểu Hạ nêu. Đại biểu Hà Sỹ Đồng thì nhấn mạnh, dù doanh nghiệp này huy động dưới hình thức nào trên thị trường vốn quốc tế thì mặc nhiên Chính phủ Việt Nam vẫn phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tài chính chủ yếu trong trường hợp ACV không trả được nợ.
Hiệu quả kinh tế cao, các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hỗ trợ
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có phát biểu tiếp thu và giải trình làm rõ ý kiến các đại biểu nêu.
“Không có sân bay nào hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1 và 2. Vì khi vừa hoàn thành, sân bay có thể điều tiết tăng lưu lượng hành khách từ 20-25 triệu mỗi năm. Những sân bay khác như Vân Đồn, Cần Thơ, do hạ tầng đầu tư khai thác hạn chế nên 10 năm mới bảo đảm tải được 1 triệu hành khách/năm.
Dự kiến đến 2030, sân bay Long Thành sẽ phục vụ 80 triệu hành khách khu vực miền Đông Nam Bộ mỗi năm. Tổng công suất của hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 khoảng 100 triệu hành khách/năm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu ra các con số đánh giá về hiệu quả kinh tế của Cảng HKQT Long Thành.
Về tổng mức đầu tư của dự án, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cho biết sẽ rà soát để bảo đảm tổng mức đầu tư sát với tình hình thực tế, không gây lãng phí, trượt giá như dự án khác. Người đứng đầu ngành Giao thông Vận tải cũng thông tin mức đầu tư như trong báo cáo nghiên cứu khả thi do 3 đơn vị tư vấn của Nhật Bản, một đơn vị của Hàn Quốc, một đơn vị của Pháp và 3 đơn vị của Việt Nam đưa ra. Hiện nay, Hội đồng nghiệm thu nhà nước đang thuê một tư vấn độc lập nước ngoài để thẩm tra độc lập.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình làm rõ ý kiến đại biểu nêu.
Trước nhiều băn khoăn của đại biểu về việc Chính phủ giao ACV 3 trong số 4 hạng mục của dự án giai đoạn 1, Bộ trưởng thông tin cụ thể thêm về năng lực của ACV.
Cụ thể, hiện ACV đã có 25.000 tỷ đồng không đầu tư cho bất cứ việc gì, chỉ tập trung cho Cảng KHQT Long Thành. Ngoài ra, tình hình tài chính của ACV được khẳng định là tương đối tốt. “Mặc dù quản lý 21 sân bay, chỉ có 8 sân bay có lãi nhưng sau khi trừ chi phí nộp thuế, hiện ACV có khoản lợi nhuận mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng nêu.
Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo Chính phủ kế hoạch từ nay đến năm 2025, ACV sẽ bỏ ra gần 30.000 tỷ đồng nâng cấp các sân bay khác và dành 12.000 tỷ đồng cùng 25.000 tỷ đồng sẵn có để có tổng nguồn vốn chiếm khoảng 37% thực hiện đầu tư các hạng mục Cảng KHQT Long Thành.
Phần vốn còn lại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước. Họ sẵn sàng cho vay khoảng 5 tỷ USD không thế chấp. Vì hiệu quả kinh tế dự án này cao nên các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm khi hỗ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin thêm.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tham mưu Chính phủ ưu tiên huy động các nguồn lực trong nước. Khi nào nguồn lực trong nước không bảo đảm mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài để quản lý nguồn vốn được tốt nhất.
Theo dự kiến chương trình làm việc tại kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 vào cuối chiều 26-11.
Nguồn HNMO